Trong số hơn 900.000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm nay, chỉ có khoảng 100.000 thí sinh (tương ứng 11,52%) đăng ký thi môn Lịch sử. Rất nhiều trường chỉ một vài thí sinh thi môn này. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) có 792 học sinh nhưng chỉ có 8 học sinh chọn thi môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. HCM) chỉ có 2 học sinh, Trường THPT Hồng Thái (Hà Nội) có 19 học sinh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) vẻn vẹn một học sinh chọn thi Lịch sử…
Danh sách những trường không có học sinh nào chọn thi môn Lịch sử cũng khá nhiều. Có thể kể một số trường như: THPT Nguyễn Công Hoan, THPT Lê Quý Đôn (Hưng Yên); THPT Phố Mới, THPT Lương Tài 3, THPT Yên Phong 1 (Bắc Ninh); THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Các tỉnh Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Bình… cũng có những trường không có thí sinh thi môn này.
Tâm huyết với môn Lịch sử, thầy Bùi Đình Trọng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum bật khóc khi trường mình chỉ có một thí sinh đăng ký thi Lịch sử, dù thầy không quá bất ngờ trước kết quả này. Thầy chỉ cảm thấy xót xa: “Là một giáo viên dạy môn Lịch sử, đứng lớp đã 6 năm, tôi nhận thấy nhiều học sinh yêu môn Lịch sử. Đặc biệt, các em rất thích những câu chuyện lịch sử và ý nghĩa sau những câu chuyện lịch sử. Tôi đã thăm dò ý kiến học sinh mình dạy, kết quả là 102/130 em cho biết thích môn này. Tuy nhiên, khi nói đến thi Lịch sử thì nhiều em lắc đầu”.
Thầy giáo Bùi Đình Trọng, giáo viên Lịch sử Trường PT Dân tộc nội trú Kon Rẫy. |
Thầy Trọng lý giải, nguyên nhân là vì các em sợ thi Lịch sử sẽ trượt tốt nghiệp: “Các con số khô khan, những kiểu đề đánh đố, những tiểu tiết lịch sử phải nhớ máy móc, những sự kiện lịch sử dài lê thê… mà các em phải học thuộc từ đầu đến cuối đã khiến các em rời xa môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp”.
Nguyễn Hữu Thắng (học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cho biết, em rất hào hứng khi nghe chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, Hội nghị Diên Hồng, Bà Trưng, Bà Triệu, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước… Thuở nhỏ, Thắng đã bắt anh chị mình kể đi kể lại câu chuyện này và giờ em vẫn thuộc lòng. Thế nhưng khi bước vào THPT, khối lượng kiến thức môn Lịch sử quá nhiều khiến em nay nhớ, mai quên và những sự kiện lịch sử thường xuyên bị nhớ nhầm ngày tháng…
Có thể nói khó mà trách các em trong những trường hợp như trên. Thầy Bùi Đình Trọng đã viết cả một bức thư dài chia sẻ về vấn đề này, rằng: “Có trách thì trách nội dung sách biên soạn mang tính chất chủ quan và định hướng của người soạn, thiếu cách học phản biện, thể hiện cảm xúc, thái độ, ý kiến của người học. Có trách thì trách chúng ta không chịu tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động ngoại khóa, học tập tại các di tích lịch sử, bảo tàng, không chịu tổ chức thăm viếng, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc các gia đình có công với cách mạng để các em ý thức và ghi nhớ về những sự kiện lịch sử và những người có công với cách mạng.
Có trách thì trách phương pháp kiểm tra, đánh giá đã lỗi thời, dù có đổi mới phương pháp dạy học mà kiểm tra, đánh giá vẫn là những con số buộc học sinh phải học thuộc thì giáo viên cũng khó mà sáng tạo, đổi mới. Xin nói thêm rằng, giáo viên cũng rất muốn đổi mới nhưng kì thi tốt nghiệp và đại học lại là “cái khoá” sự đổi mới, đặc biệt khi dạy khối lớp 12 để học sinh đi thi. Vì nếu dạy một kiểu, thi một kiểu thì thật là khó”.