Sam Mứn là một trong những xã biên giới của huyện Điện Biên với đường biên giới dài, hiểm trở, được coi là “điểm nóng” về tình trạng lao động vượt biên trái phép. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, xã Sam Mứn đã có gần 30 trường hợp vắng mặt tại địa bàn không rõ lý do. Qua xác minh, phần lớn trong số này đều là những trường hợp vượt biên trái phép sang bên kia biên giới để kiếm việc làm. Phần lớn những trường hợp này đều là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ…
Tuy nhiên, trái ngược với viễn cảnh sung sướng do các đối tượng xấu vẽ ra, trong số những lao động xuất cảnh trái phép, người thì bị công an nước bạn bắt giam; người thì bị phạt tù; nhiều người đến nay vẫn bặt vô âm tín hoặc thậm chí phải bỏ mạng nơi đất khách quê người. Tình trạng này đã tạo nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho gia đình, người thân của những người lỡ xuất cảnh trái phép.
Điển hình như trường hợp chị Lò Thị Thơi (ở bản Đon Đứa, xã Sam Mứn). Năm 2013 chị Thơi tình cờ quen một đối tượng nam qua mạng xã hội và được rủ sang Trung Quốc bán hàng vừa nhàn lại có thu nhập cao, Thơi đã tự tìm đường sang nước bạn qua đường tiểu ngạch. Sau khi bị chính bạn trai lừa bán, may mắn là Thơi đã trốn thoát được.
Dù đã trở về nước an toàn nhưng ký ức về những tháng ngày vượt biên trái phép vẫn luôn đè nặng trong suy nghĩ của Thơi. Không gặp may như trường hợp của Thơi, nghe theo lời rủ rê của bạn bè, anh Và Văn Phong ở bản Con Cang, xã Na Ư cũng đã vượt biên sang Trung Quốc làm ăn. Tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay, gia đình anh Phong không nhận được tin tức gì. “Giờ chúng tôi chỉ mong sao nó trở về an toàn đã là may mắn lắm rồi”, chị gái anh Phong chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: “Nhận thức rõ sự phức tạp của tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép sang nước bạn, hàng năm huyện đều có kế hoạch và tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về biên giới quốc gia, quy định về xuất, nhập cảnh… Tuy nhiên, do cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhận thức và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên hiệu quả ngăn chặn việc lao động xuất cảnh trái phép chưa cao”.
Hệ lụy của việc lao động xuất cảnh trái phép là rất nghiêm trọng. Để giảm thiểu và đẩy lùi thực trạng này, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Điện Biên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật ở người dân thì cần đặc biệt chú ý đến việc tạo công ăn việc làm cho đồng bào khu vực giáp biên.
Cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi; lồng ghép các chương trình hỗ trợ, tài trợ, chương trình phúc lợi xã hội theo hướng tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, đa dạng hơn nữa việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi để người dân vùng biên giới có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập và làm giàu ngay trên chính mảnh đất biên cương. Đó đồng thời cũng là cơ sở để “giữ chân” người lao động ở địa phương; góp phần tăng thêm sức mạnh giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới của Tổ quốc.