Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã hoàn thành tôn nền 126 cụm, tuyến và 48 bờ bao (đạt 99,6%). Về công tác xây dựng nhà ở và bố trí dân vào ở trong các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn, các địa phương đã xây dựng xong 27.014/35.595 căn nhà cho các hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào ở; 47.929/56.510 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình đã được đảm bảo an toàn nhà ở trong các cụm, tuyến và bờ bao - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết.
- Thưa Thứ trưởng, các cụm, tuyến dân cư vùng ngập sâu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được thử thách như thế nào qua thực tế?
- Qua các trận lũ lớn (đặc biệt là năm 2011 có trận lũ rất lớn, nước ngập cao hơn trận lũ lịch sử năm 1961 và năm 2000), hầu hết các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư thuộc Chương trình vẫn đảm bảo an toàn. Số người thiệt hại trong trận lũ năm 2011 chỉ bằng khoảng 1/8 so với năm 2000. Do đó, có thể khẳng định Chương trình đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.
Chương trình đã đảm bảo điều kiện để xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên các cụm tuyến dân cư, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân, kể cả trong điều kiện có lũ.
Từ đây sẽ chấm dứt tình trạng phải di dời khi có lũ, nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi lũ về. Các cụm, tuyến dân cư đã mang dáng dấp của cuộc sống đô thị.
Hơn nữa, qua việc khai thác đất để đắp bờ bao đã kết hợp nạo vét kênh mương nội đồng, cải tạo hệ thống thuỷ lợi trong vùng, Chương trình thực sự góp phần làm thay đổi lớn cả về mặt đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần cho nhân dân. Bờ bao còn trở thành một hệ thống giao thông nông thôn rất thiết thực và quan trọng
Tôi cho rằng Chương trình đã mang lại hiệu quả rất cao, tạo cơ sở ban đầu để thực hiện quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn, góp phần quan trọng vào việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của toàn vùng ĐBSCL.
|
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thăm nhà dân vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. |
- Hiện tại vẫn còn một số cụm, tuyến dân cư đang thi công dở dang, chưa hoàn thành. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Đây là một chương trình lớn, nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nên có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai.
Nhưng Chương trình cũng đối diện với không ít khó khăn, làm ảnh hưởng đến tiến độ. Cụ thể, ở một số dự án, công tác thiết kế chưa có sự đầu tư nghiên cứu sâu để phù hợp với yêu cầu của cụm dân cư nông thôn. Nhiều đơn vị tư vấn thiết kế còn áp dụng máy móc các công thức chung của thiết kế đô thị để áp đặt cho cụm dân cư nông thôn, đặc biệt là thiết kế các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô quá lớn không phù hợp với nguồn vốn đầu tư.
Các nguồn vốn tham gia khác như nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn lồng ghép... để triển khai thực hiện Chương trình chưa đáp ứng kịp thời. Một nguyên nhân nữa là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thông hiểu chính sách và mục đích, ý nghĩa của Chương trình một số nơi chưa được thực hiện tốt để tạo nên động lực của cộng đồng.
Vì vậy công tác đền bù, giải toả, thu hồi đất để xây dựng cụm, tuyến cũng như việc sắp xếp đưa các hộ dân vào dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
- Theo thống kê, còn 24% số hộ dân chưa vào ở trong các cụm, tuyến dân cư. Vậy, có giải pháp nào để sớm lấp đầy các cụm, tuyến dân cư này, thưa Thứ trưởng?
- Đúng là tỷ lệ hộ dân vào ở trong các cụm, tuyến còn có nơi thấp. Nguyên nhân là do phải đảm bảo yêu cầu tiến độ Chương trình nên yếu tố kinh tế chưa được xem xét kỹ. Công tác đền bù, giải toả, thu hồi đất để xây dựng cụm, tuyến cũng như việc sắp xếp đưa các hộ dân vào dự án chậm, làm cho chi phí tăng lên nên giá bán nền tăng.
Hơn thế, do điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn nên cơ chế chính sách hỗ trợ của cụm, tuyến chỉ cho vay ưu đãi mua nền và làm nhà ở. Ở một số nơi, dân nghèo còn tâm lý ngại vay nợ đã ảnh hưởng đến tiến độ đưa dân vào ở trong các cụm, tuyến. Một số hộ đã được xét duyệt nhưng đi làm ăn xa nên chưa nhận nền, làm cho tiến độ bố trí dân vào ở trong cụm tuyến dân cư còn chậm...
Trước những khó khăn nói trên, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với những hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo vay mua nền nhà bằng nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển; tạo điều kiện cho khoảng 8.600 hộ dân thuộc đối tượng Giai đoạn 2 chưa vào ở trong cụm, tuyến dân cư được tiếp tục vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trong cụm, tuyến dân cư đến hết năm 2015.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vùng ngập lũ ĐBSCL tập trung chỉ đạo, có biện pháp mạnh mẽ, cụ thể để thúc đẩy tiến độ, kiểm soát chất lượng xây dựng, phấn đấu hoàn thành các công việc còn lại thuộc Giai đoạn 2 trong năm 2015, đặc biệt là việc đưa hết số hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào sống trong cụm, tuyến.
Các địa phương, bộ ngành quan tâm đưa các ngành nghề phù hợp, kết hợp đào tạo nghề cho các hộ dân trong cụm, tuyến dân cư nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để họ yên tâm sinh sống và xây dựng cuộc sống mới trong cụm, tuyến dân cư.
-Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Kéo dài Chương trình để giải quyết chỗ ở cho người dân vùng sạt lở
Hiện nay tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Hậu Giang đang xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới, ngoài ra TP.Cần Thơ còn 01 cụm tuyến dân cư đã được duyệt ở giai đoạn 2 nhưng chưa thực hiện.
Các địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư bổ sung thêm 63 cụm, tuyến dân cư và 89 bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo cho các hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định cho 60.954 hộ dân.
Giai đoạn 2 của Chương trình đã kết thúc vào ngày 31/12/2014. Tuy nhiên, vẫn còn 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay là 168,2 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng và các địa phương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho số hộ dân trên được tiếp tục vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trong cụm, tuyến dân cư đến hết năm 2015.
Hiện nay, vốn vay mua nền nhà của các hộ dân trong Giai đoạn 1 đã hết thời hạn trả nợ.
Tuy nhiên, còn một số hộ vẫn chưa trả được nợ nên Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với những hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo vay mua nền nhà bằng nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.