Ngậm sâm tìm dổi
Mỗi món ăn đều có hương vị riêng và bí quyết thường nằm ở gia vị tẩm ướp hoặc đồ nêm chấm. Nếu từng có dịp lên Tây Bắc và thưởng thức những món ăn của người Thái, chắc hẳn nhiều người sẽ chẳng thể nào quên mùi thơm ngai ngái, ngầy ngậy đặc trưng.
Tình cờ trong một chuyến công tác tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, anh bạn người bản địa dẫn chúng tôi vào một quán ăn chật hẹp ở trung tâm thị trấn với lời giới thiệu là quán ăn “ngon nhất” huyện Na Hang.
Vài ba món nóng được đưa ra, tuy nhiên đĩa muối còn thiếu một thứ gì đó có vẻ rất quan trọng nên chủ quán cười gượng bảo: “Các anh thông cảm chờ 15 phút, trong nhà không còn một hạt nào nên đứa cháu đang đi vào bản săn lùng”.
Khách ngạc nhiên, ông chủ quán tiếp chuyện: “Dạo này hạt dổi hiếm quá, tìm không ra, trả giá cao mà người trong bản cứ lắc đầu nguầy nguậy vì không có hàng để bán. Rõ thật khổ, mong các anh thông cảm”. Nói rồi, ông chủ quán ngồi bên bàn rót rượu mời bảo tạ lỗi.
Ông tên là Thân, nhưng dân bản địa cứ gọi ông là Vương, ghép đủ cái tên gọi là “Vương dổi”, hiểu đúng nghĩa là “vua dổi”. Ông bảo, cuộc đời ông năm chìm bảy nổi với hạt dổi. Trước là dân chuyên đi săn dổi trên núi, sau thấy khó quá mới chuyển qua nghề bếp núc.
Nhưng ở Na Hang, quán ăn nào mà không có hạt dổi làm gia vị thì đố mà có khách. “Hạt dổi Na Hang khác hoàn toàn với các loại hạt dổi ở vùng khác. Hạt nhỏ tí xíu chứ không to, nhưng mùi vị thì cực thơm và nồng. Ai đã một lần thưởng thức thì nhớ mãi..”, ông Thân nói.
Ông Thân sau một ly rượu mới trình bày cặn kẽ: “Hạt dổi ở đây được gọi là “vàng đen”, giá bán trung bình 2 triệu đồng/kg. Tính ra, 1kg dổi được 1000 hạt, mỗi hạt 2 nghìn đồng. Nhưng nếu vào dịp lễ tết có khi lên đến 4-5 triệu đồng/kg, thì cũng không có mà mua, hiếm lắm”.
Theo ông “Vương dổi” thì hạt dổi Na Hang được “giã nát như cám” để trộn với muối dùng để chấm thức ăn. Hạt tiêu hay ớt không thể thay thế được hạt dổi, thế nên ở Na Hang, quán ăn nào “phóng khoáng” giã nhiều hạt dổi vào đĩa muối thì quán ấy mới hút được khách.
Ngồi kế bên, anh Trần Hải Nam (Đống Đa, Hà Nội) tiếp lời: “Hạt dổi ở Na Hang nổi tiếng lắm. Tôi lặn lội ở Hà Nội lên trên này mấy ngày tìm mua mà chưa được. Năm ngoái, tôi lên đây công tác, cũng ngồi quán này, được ông chủ cho thưởng thức món gà ri chấm muối dổi. Ôi chao… một lần thưởng thức mà đến giờ tôi vẫn không thể quên được hương vị của dổi…
Tết năm ngoái, tôi với mấy anh bạn rủ nhau lên kiếm ít dổi về ăn tết mà tìm không tài nào mua được. Năm nay tiếp tục tìm vận may…vừa để thưởng thức, vừa chia sẻ với người thân thứ gia vị của rừng già”.
Chính vì hạt dổi có giá trị cao, được ví như “vàng đen” nên người dân cũng háo hức với nghề tìm dổi. Thời kỳ hạt dổi còn dễ tìm, đó là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân. Nhưng phải là những người có “duyên” và có sức khỏe.
Anh Nhữ Văn Quân ở xã Thượng Lâm từng theo nghề tìm dổi lâu năm và là nguồn cung cấp hạt dổi nhiều bậc nhất huyện Na Hang. Anh Quân bảo: “Trước đây ở Thượng Lâm còn nhiều cây dổi cổ thụ thì việc tìm kiếm hạt của chúng còn dễ, chứ bây giờ đố cậu tìm ra cây dổi có hạt nữa. Nó trên núi cao ấy, leo đến nơi cũng mệt đứt ruột”.
Nói rồi, anh Quân và mấy người bạn tổ chức một chuyến lên núi tìm vận may với “vàng đen”. Không đồ đạc lỉnh kỉnh, chỉ cần một bi-đông nước và một lát sâm mỏng ngậm trong miệng để lấy sức. Hành trình đi tìm hạt dổi được bắt đầu với nhiều hi vọng.
Vượt qua những con đường mòn xuyên rừng, qua một sườn núi nhấp nhô đá tảng đã nhìn thấy những cây dổi cổ thụ trên đỉnh núi. Nhưng lên được tới đó phải mất cả tiếng đồng hồ. Mồ hôi đầm áo, anh Quân và những người đồng hành thất vọng khi đứng dưới gốc dổi nhìn lên không phát hiện một hạt nào.
Quân xác định: “Chắc chắn đã có nhóm đi rừng phát hiện ra khu vực này có dổi và lên “vơ” hết hạt rồi. Giờ chỉ còn cách lần tìm dưới đất, may ra có hạt dổi nào rơi xuống còn sót lại”. Nói rồi, anh không ngần ngại bò xuống đất, tay thoăn thoắt lật những vạt lá khô tìm cho được “vàng đen”.
Một người trong nhóm tìm dổi cho biết: “Trước đây, người đi tìm dổi phải căng bạt làm lều ở dưới gốc dổi để thu hoạch cho bằng được, không để sót hạt nào. Nhưng bây giờ hiếm quá nên cũng chẳng buồn đi tìm nữa”.
Ông “Vương dổi” cho biết vào quán mà không có hạt dổi là khách bỏ đi |
Đặc sản Tây Bắc
Chia sẻ về cây dổi, ông Nhữ Ngọc Dưỡng – Phó phòng nông nghiệp huyện Na Hang kể về loại cây đặc biệt này: “Dổi là loại cây vừa cho bóng mát, che chắn gió bão, mưa dông, vừa cho hạt thơm để làm gia vị, hơn nữa lại là vị thuốc quý giúp phòng chữa một số bệnh về xương khớp. Cây dổi được trồng nhiều ở Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai… hoặc mọc tại các khu rừng cổ thụ ở Tuyên Quang.
Do hạt dổi có 2 loại, cây nhỏ cho hạt hắc nhưng không thơm. Cây phải trồng trên 7 năm cho hạt thơm, không hắc, nên hạt dổi trên núi Na Hang (Tuyên Quang) luôn được những người sành ăn ưa thích. Hiện nay, ở Na Hang chỉ còn một số nơi như xã Năng Khả, Thanh Tương là còn nhiều cây dổi”.
Theo ông Dưỡng, khi còn tươi, hạt dổi có màu đỏ. Khi phơi nắng thì chúng đen sậm lại và teo đi. Cứ 3kg hạt dổi tươi phơi khô sẽ thu được 1kg dổi khô. “Có thể nhiều người còn chưa biết tới loại hạt này nhưng đây thực sự là một sản vật quý của núi rừng Tây Bắc. Mùi vị của hạt dổi rất thơm, hơi hăng nồng, rất đặc trưng nên không giống với loại gia vị nào. Hạt dổi cũng có thể ngâm rượu làm thuốc xoa bóp trị đau xương cốt.
Trước khi sử dụng hạt dổi thì phải hơ trên lửa cho chín rồi đem giã. Hạt dổi chính gốc Na Hang thường rất nhỏ, thậm chí chỉ bằng một nửa so với hạt dổi các nơi khác. Bạn có thể thấy hạt dổi bày bán la liệt khắp chợ Tuyên Quang nhưng để mua được hạt dổi “xịn” thì không phải dễ”, ông Dưỡng nói.
Tò mò về loại “vàng đen” chỉ sống trên núi cao như dổi Na Hang, chúng tôi thử vận may bằng cách tìm đến các chợ địa phương tìm kiếm. Lòng vòng qua ba bốn khu chợ những chúng tôi vẫn không tìm được nơi bán dổi xịn. Chưa từ bỏ hi vọng, chúng tôi tiếp tục đến những khu chợ khác…
Mãi cho đến khi gặp anh Phan Văn Lương, một lái buôn sành sỏi về đồ rừng, chúng tôi mới ngừng hi vọng tìm kiếm dổi ở các phiên chợ: “Ở chợ nhiều khi bán hạt dổi “nhái” thôi. Dổi giờ hiếm lắm! Muốn kiếm được hạt dổi, giờ phải tự đi tìm, hoặc đi vào các bản làng nằm sâu trong các thung lũng, may ra mới mua được một ít. Tôi là dân buôn chính hiệu đây mà lùng cả tuần nay chưa mua được mẻ nào ra hồn thì các anh hiểu là nó hiếm như thế nào rồi”.
Nói dứt lời, anh Lương móc trong túi xách của mình một nắm hạt và bảo: “Các anh nhìn kỹ nhé, hạt dổi “xịn” chính gốc Na Hang thường rất nhỏ, thậm chí nhỏ bằng một nửa so với hạt dổi các nơi khác. Thế mà, dổi “nhái” cũng có giá hàng triệu đồng một cân chứ không rẻ chút nào”.
Đem chuyện hạt dổi tham vấn ý kiến ông Nguyễn Văn Chuyền – Phó chủ tịch UBND huyện Na Hang, ông Chuyền cho biết: Hạt dổi thực sự trở thành đặc sản vùng miền cùng rượu ngô Na Hang. Cây dổi phải cổ thụ thì mới có hạt nên là “của trời cho”. Hiện nay, ở Na Hang chỉ còn một số nơi như xã Năng Khả, Thanh Tương và xã Thượng Lâm (mới tách về huyện Lâm Bình – PV) là còn nhiều cây dổi.
Chuyện mà nhiều người bản địa tiếc mãi là việc một số nhà dân được “trời ban” cho một số cây dổi trên đồi, không biết đến giá trị của hạt dổi nên chặt phăng lấy gỗ. Bây giờ, ở Na Hang giá hạt dổi đã lên hơn 2 triệu đồng/kg thì quả thực đã tạo nên một “cơn sốt” làm giàu bằng hạt dổi. Nhưng, “của trời cho” nên đâu dễ làm giàu!