Sự việc này còn chưa nguôi ngoai thì lại xảy ra chuyện ở Cần Thơ, một vị tướng về hưu, nguyên là đại biểu Quốc hội khi bị cảnh sát giao thông chặn xe vì đi quá tốc độ đã không ngớt lời rủa xả người đang thi hành công vụ này, thậm chí còn dọa dẫm cách chức cả sếp của anh ta. Lại một cơn bão dư luận nữa, không ai đồng tình với cách xử sự thô bạo ấy, cho dù là đối với cảnh sát giao thông.
Trước đó, tại Thủ đô, một thầy thuốc đáng kính đã đập gãy gương, bể kính chiếc xe ô tô đậu trước nhà mình, ngăn lối vào của xe ông ta. Dư luận cũng phản ứng và chê bai hành động phi trí thức này.
Những người dùng ô tô đi lại ở Hà Nội quá cám cảnh tình trạng đỗ xe ở đâu cũng bị ngăn cản, cho dù đường phố đó được phép đậu xe. Các hàng quán thì coi khoảng không gian, kể cả hè phố và lề đường là của mình, bất khả xâm phạm, xe nào trờ tới là đuổi quầy quầy. Thậm chí hàng rong chiếm vỉa hè cũng cho mình cái quyền đó, không cho xe ô tô đỗ trước nơi mình bán hàng, đuổi không được thì họ chửi với lời lẽ tục tằn không ai chịu đựng được.
Việc cự cãi với cảnh sát giao thông xảy ra khá phổ biến, cũng có trường hợp cảnh sát giao thông sai, dừng xe vô lý để “kiểm tra hành chính”. Hoặc, dừng xe chỉ để nhận tiền “cà phê”, dúi tiền là cho đi. Hiện tượng này khá phổ biến nên hình ảnh người bảo vệ trật tự giao thông bị xấu đi rất nhiều, thậm chí, bị coi thường và ác cảm.
Ở một khía cạnh khác, có những người lái xe đỗ hết sức tùy tiện, nghịch mắt, cản trở sự đi lại của người khác cũng thường xảy ra, gây nên sự trái tai, gai mắt của những người chung quanh.
Đặt trong hoàn cảnh đó để thấy rằng ai rơi vào tình trạng trên cũng có thể biểu hiện những cách xử sự thiếu kiềm chế và dư luận có sự thông cảm nhất định. Nhưng cách xử sự này lại rơi vào những người làm cán bộ nhà nước, am hiểu pháp luật thì sự mẫu mực, làm gương, lịch thiệp là yếu tố cần phải có, đằng này, anh lạm dụng cương vị của mình, tự cho phép mình đứng trên người khác, đứng trên pháp luật và đạo lý theo kiểu trịch thượng như vậy bị dư luận phê phán, cười chê là lẽ đương nhiên!