Vì vậy, đã có đề xuất mạnh dạn là phải thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ người tố cáo, tránh sự chồng chéo hiện nay do có quá nhiều cơ quan, tổ chức cùng có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo.
Càng dũng cảm, càng thua thiệt
Thực tế cho thấy nhiều trường hợp người tố cáo có tâm lý lo sợ đi tố cáo, có tình trạng “mũ ni che tai”, không tố cáo những vi phạm pháp luật nếu nó không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình vì sợ liên lụy đến bản thân.
Thậm chí nhiều người không dám tố cáo bởi đối tượng sử dụng các thủ đoạn che giấu hành vi vi phạm bằng cách mua chuộc, đe dọa và thực hiện các hành vi bạo lực. Đặc biệt, đối với các hiện tượng tham nhũng, tâm lý này có phần còn nặng nề hơn do đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, địa vị và ảnh hưởng trong xã hội, còn người tố cáo thì ngược lại.
Tuy nhiên, không ít người dám dũng cảm đứng lên tố cáo lại phải gánh chịu những hậu quả đau xót. Trớ trêu là khi người dân càng tích cực, chủ động thực hiện quyền tố cáo thì bản thân họ và người thân càng khó tránh khỏi sự trả thù, hầu hết họ đều bị thua thiệt, đôi lúc phải trả giá rất đắt. Nhiều trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập, bị xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, mất việc làm song không được bảo vệ hiệu quả.
Chẳng hạn như trường hợp ông T.V.K ở TP HCM bị đe dọa sau khi tố cáo nên lo sợ, chẳng biết đưa gia đình trốn đi đâu. Có trường hợp đi kêu gọi người dân tố cáo những việc làm sai trái để làm trong sạch chính quyền, xã hội nhưng không ít người vừa tố cáo xong liền bị đòn hoặc bị thôi việc vì dám tố cáo lãnh đạo. Ngay trong môi trường sư phạm, 3 cô giáo mầm non ở Gia Lai tố cáo ông hiệu trưởng sai phạm về thu - chi, tư cách không đúng chuẩn mực nên đã bị điều công tác đến vùng sâu, vùng xa hay một thầy giáo ở Kiên Giang phải đi kêu cứu vì bị trù dập do chống tiêu cực…
Tại Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với USAID tổ chức mới đây, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Đỗ Gia Thư đã phân tích: Sở dĩ có những thực tế trên là vì người tố cáo thường ở thế yếu, bị phụ thuộc nhiều vào người bị tố cáo, nên có tâm lý lo sợ bị trù dập, trả thù, mất việc làm, bị đe dọa đến tính mạng, tài sản của mình và người thân. Còn các cơ quan có thẩm quyền thường vào cuộc chậm; nhiều trường hợp lại lúng túng trong việc bảo vệ sức khỏe, danh dự, việc làm, chỗ ở và tài sản của người tố cáo.
Trong khi ấy, tình trạng áp đặt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và vai trò mờ nhạt của đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị đó cũng là một trong những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng kẻ mạnh thì bưng bít thông tin, người tố cáo bị trù dập, trù úm kéo dài, không ai bảo vệ họ. “Những hạn chế nói trên làm mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, làm hạn chế khả năng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước” - ông Thư đúc rút.
Giao lực lượng cảnh sát đảm nhiệm
Để góp phần giải quyết những hạn chế trên, Điều 40 Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên theo ông Thư, quy trình như vậy còn quá chung chung và chưa đầy đủ, chưa thấy quy định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo của các cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tiếp nhận, xử lý ban đầu đơn tố cáo.
Mặt khác, theo ông Thư, pháp luật quy định có quá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo, trong khi thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức này còn hạn chế và chồng chéo. Điều này gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm cụ thể cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo.
“Cần có một cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo” - ông Thư khuyến nghị. Căn cứ trên tình hình thực tế Việt Nam, pháp luật có thể giao chức năng chủ trì, điều phối và chuyên trách bảo vệ người tố cáo cho cơ quan công an, cụ thể là cho lực lượng cảnh sát.
Pháp luật cũng cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện đảm bảo cho hoạt động của cơ quan chủ trì và các cơ quan tham gia phối hợp. Theo đó, cơ quan cảnh sát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo; các cơ quan nội vụ, lao động, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn Lao động Việt Nam… có trách nhiệm hỗ trợ bảo vệ vị trí công tác, việc làm cho người tố cáo.
Một số chuyên gia nhận định, Dự thảo Luật cũng chưa cụ thể hóa quy trình thời gian phối hợp, xác minh yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo. Điều này có thể dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm trễ thời gian xác minh, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân của họ. Để đảm bảo sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thực hiện, cần phải xây dựng một quy trình bảo vệ người tố cáo.