Vì vậy, một trong những vấn đề của Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) được đặc biệt quan tâm thảo luận là cơ chế để bảo vệ hữu hiệu người tố cáo nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với công dân.
Sợ trả thù, trù dập nên “mũ ni che tai”
Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 15/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã đặt ra các nhiệm vụ giải pháp để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, trong đó có nội dung “Bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác”.
Luật Tố cáo 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động phục vụ xây dựng Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) chỉ rõ, việc thực hiện quyền tố cáo của công dân trong thời gian qua tồn tại những hạn chế, bất cập.
Nhiều trường hợp, người tố cáo bị trả thù, trù dập nhưng không được các cơ quan nhà nước bảo vệ, nhất là trong các vụ án tham nhũng, người tố cáo thì thường ở “thế yếu” so với đối tượng bị tố cáo, dẫn tới hệ lụy là hiện tượng “mũ ni che tai” trước những vi phạm để tránh liên lụy đến bản thân và gia đình.
Thực tiễn giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước cho thấy tố cáo nặc danh, mạo danh chiếm một tỷ lệ đáng kể. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa có một cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả để người dân tin tưởng và mạnh dạn thực hiện quyền tố cáo của mình, đặc biệt là những tố cáo hành vi tham nhũng.
Và sau 4 năm thi hành Luật Tố cáo, Chính phủ cũng thừa nhận: “Các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo nên cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất”, làm hạn chế việc nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các hành vi tham nhũng.
Bảo vệ người tố cáo theo từng nhóm nguy cơ
Theo các chuyên gia, để góp phần hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, khuyến khích người tố cáo đúng sự thật, các biện pháp bảo vệ người tố cáo phải được quy định cụ thể, chi tiết về nội dung các biện pháp, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng đối với các nhóm nguy cơ xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đối với người tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo, có các quy định ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện bảo vệ người tố cáo. Đồng thời, có quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan hành chính, cơ quan bảo vệ pháp luật và mối quan hệ giữa các cơ quan này trong việc bảo vệ người tố cáo.
Do vậy, Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã kế thừa các quy định của Luật Tố cáo hiện hành, phát triển và luật hóa các quy định tại Nghị định số 76/2012/NĐ-CP. Theo đó, so với Luật Tố cáo hiện hành, Dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo theo từng nhóm nguy cơ xâm phạm đến người tố cáo được bảo vệ và các quy định các liên quan để thực hiện và triển khai việc bảo vệ người tố cáo trên thực tế, gồm bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân tích của người tố cáo.
Dự thảo Luật cũng quy định trong quá trình giải quyết tố cáo khi có căn cứ cho rằng người tố cáo, người thân thích của người tố cáo bị người có thẩm quyền quản lý, sử dụng có hành vi trù dập, phân biệt đối xử hoặc thuyên chuyển công tác dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì cơ quan giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp theo quy định để bảo vệ người bị phân biệt đối xử. Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn, Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
Với các quy định này, “người dân sẽ tích cực, dũng cảm tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tố cáo các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; hạn chế, loại trừ những vụ việc người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện tốt sẽ dẫn đến hạn chế các đơn thư, tố cáo nặc danh, mạo danh gây dư luận xấu trong các cơ quan, tổ chức” – báo cáo đánh giá tác động nhận định.
Cụ thể hóa mới bảo vệ được người tố cáo
Nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho thấy rõ sự chưa “yên tâm” của các đại biểu Quốc hội khi các nội dung về bảo vệ người tố cáo trong Dự thảo Luật còn chung chung; chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ; chưa quy định về các biện pháp bảo vệ, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ; chưa đánh giá tác động của quy định này về ngân sách và nguồn nhân lực để thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định…
Vì thế, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý Dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, cơ quan trong việc tiếp nhận, xử lý tố cáo, trách nhiệm phối hợp bảo đảm thông tin về người tố cáo không bị tiết lộ ra bên ngoài. Hay như đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự thảo cần xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ; quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo...
Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật của QH thẩm tra về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề: “Bảo vệ người tố cáo là nội dung quan trọng tuy nhiên trong Dự án Luật mới chỉ luật hóa Nghị định của Chính phủ chứ chưa có nhiều biện pháp mới, các giải pháp đưa ra còn chung chung. Vậy tính khả thi của các biện pháp này như thế nào?”.
Đây là câu hỏi cần được giải đáp triệt để nhằm đưa các quy định về bảo vệ người tố cáo thực sự phát huy trong thực tiễn, làm “chỗ dựa vững chắc” cho những công dân “đấu tranh cho sự thật và công bằng xã hội” khi thực hiện quyền tố cáo của mình.