Nên duyên trong trường khuyết tật
Căn nhà của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Tuyết (48 tuổi) và chị Vũ Thị Kim Hoa (47 tuổi, cùng ngụ ấp 1A, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, Long An) nằm lọt giữa cánh đồng lúa mênh mông, men theo đường bờ ruộng ngoằn. Chính vì vậy, khi chứng kiến cảnh vợ chồng anh Tuyết dù tật nguyền nhưng vẫn vững vàng trên chiếc xe ba bánh đi lại trên con đường này khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, thán phục.
Hai vợ chồng anh Tuyết đều là những người khuyết tật ngay từ khi còn nhỏ. Anh Tuyết bị sốt bại liệt khi chưa đầy 4 tuổi, bị teo một chân bên phải. Còn chị Hoa thì bị liệt nửa người, mắt cận thị nặng. Đã thế, chị Hoa còn bị ngọng, nói rất khó nghe, còn anh Tuyết thì lại ú ớ, chậm chạp.
Chị Hoa tâm sự: “Bố tôi gốc là người miền Bắc, còn mẹ miền Nam, hai người chỉ quen nhau qua đường rồi sinh ra tôi. Lúc đó ông ấy đã có 6 người con gái ở Sài Gòn, muốn có con trai nhưng rồi sinh ra tôi cũng là con gái nên được ít lâu thì ông ấy bỏ mẹ con tôi đi”. Đến năm chị Hoa 19 tuổi, mẹ chị qua đời, từ đó một mình chị sống bơ vơ. Sau đó chị đành về sống với một người anh trai cùng mẹ khác cha.
“Thời gian đó tôi bị chị dâu đánh đập thường xuyên. Hàng xóm thấy vậy ai cũng khuyên tôi bỏ nhà mà đi chứ sống như thế khổ quá. Thế là tôi quyết định bỏ nhà xuống Sài Gòn kiếm sống”, chị Hoa kể.
Sau khi bỏ nhà ra đi một mình, để kiếm sống qua ngày chị phải đi ở đợ cho nhiều gia đình. Đến năm 2008, nhờ một người quen đưa vô trường khuyết tật ở huyện Hóc Môn. Tại đây, chị Hoa được gặp anh Tuyết ở đây, rồi duyên nợ thế nào khiến hai người đến với nhau.
Đứa con là niềm hi vọng cuối cùng
Đưa mắt nhìn chồng ngồi bên cạnh, chị Hoa nở nụ cười hạnh phúc, nhớ lại những ngày đầu hai người mới quen nhau. “Chúng tôi quen nhau ở ghế đá của trung tâm. Cứ mỗi chiều chúng tôi ra đó ngồi đông lắm, không ai giống ai, đứa thì điếc, đứa thì đui…
Tôi và ông ấy nói chuyện với nhau, thấy hợp rồi dần dần thân quen. Quen nhau được ít lâu thì cuối năm 2008 chồng tôi đem người thân lên ra mắt, Tết năm đó là cưới luôn”, chị Hoa kể. Nhớ lại ngày trọng đại nhất của cuộc đời người con gái, chị Hoa ngậm ngùi kể, hôm đó không có một người thân nào bên gia đình chị.
“3 người anh cùng mẹ khác cha thì bỏ, không nhìn mặt tôi từ khi tôi bỏ nhà ra đi. May có bà chị ân nhân làm đại diện. Còn bên chồng tôi thì đầy đủ cả. Đám cưới hôm đó, phần đông là người khuyết tật tham gia nhưng mà vui”.
Sau khi cưới nhau, chị Hoa và anh Tuyết thuê phòng trọ sống và cùng nhau vào một cơ sở may mặc làm công việc cắt chỉ, cắt cúc kiếm sống. Làm được một thời gian, tiền kiếm được không đủ để chi trả mọi chi phí của cuộc sống nên hai vợ chồng quyết định khăn gói về nhà bố mẹ chồng nương nhờ. Ở đây hai vợ chồng đi buôn rau, buôn cá…kiếm sống.
Chị Hoa kể rằng, hai vợ chồng lấy nhau hơn 2 năm, mong mỏi có một đứa con nhưng không hiểu sao ông trời không cho. Hai vợ chồng đi khám nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả. “Tôi không bị bệnh gì, nhưng các bác sĩ bảo chồng tôi hồi nhỏ bị sốt bại liệt nên khó có con”, chị Hoa cho biết.
Biết là khó nhưng hai vợ chồng vẫn không thôi cầu nguyện, ước mơ có một đứa con để làm niềm vui sống. Thế rồi một ngày năm 2012, bốn năm sau ngày cưới, mong ước của vợ chồng chị Hoa cũng trở thành sự thật.
Đến đầu năm 2013, chị Hoa sinh được một bé gái kháu khỉnh, đặt tên là Nguyễn Ngọc Như Ý, với mong ước rằng bé lớn lên sẽ được như ý muốn của bố mẹ, không bệnh tật…
Chị Hoa kể lại: “Lúc có thai, vì sợ bé khuyết tật giống cha mẹ nên tôi đi khám xem sao thì bác sĩ báo bé hoàn toàn bình thường. Hai vợ chồng nghe vậy mừng muốn khóc, nhưng không ngờ sinh bé được 8 tháng thì phát bệnh.
Lúc đó tôi đang cho bé bú thì tự nhiên bé trợn mắt lên, tím tái hết người. Tôi không biết tại sao, chỉ biết ẵm con ra ngoài đường khóc lóc, cầu cứu mọi người”.
“Lúc đó cực khổ lắm, một tháng 30 ngày thì 29 ngày phải ở với bé ở bệnh viện rồi, tốn bao nhiêu là tiền bạc, vay mượn khắp nơi. Đi khắp các bệnh viện. Khóc hết nước mắt vì con.
Sau này mới biết con bị động kinh. Mãi đến 2 tuổi bé vẫn không biết nói, thậm chí không biết cha, biết mẹ là ai. Giờ đã hơn 3 tuổi, cứ mỗi lần bé phát bệnh là bé lại trợn mắt, tím tái hết người...”, chị Hoa kể.
Sau một thời gian chung sống với gia đình bên nội, vợ chồng chị Hoa được người anh chồng cho mảnh đất nhỏ giữa cánh đồng làm nhà.
Chị Hoa cho biết, mặc dù anh Tuyết còn anh em, nhưng ai cũng nghèo nên không giúp được tiền bạc nhiều. Vì vậy, để cất được ngôi nhà nhỏ như hôm nay, công lao lớn nhất là nhờ một số người có lòng hảo tâm trong địa phương giúp đỡ.
“Nhờ địa phương đứng ra kêu gọi người cho hai chục nghìn, người cho ba chục nên mới xây được nhà ở như bây giờ. Cái xe giờ vợ chồng đi bán vé số cũng nhờ chị ấy xin cho”, chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa cho biết thêm, bây giờ mỗi sáng vợ chồng dậy từ 5 giờ, đóng cửa để bé Như Ý ở nhà đi bán vé số, đến 7, 8 giờ sáng về chở bé đi học, rồi lại tiếp tục đi bán đến chiều tối mới về.
Mỗi ngày, nếu thời tiết thuận lợi, bán được 100 tờ vé số thì sẽ kiếm được 100 ngàn. Còn hôm nào trời mưa thì chỉ bán được vài chục tờ, thậm chí không được tờ nào.
“Giờ vợ chồng tôi chỉ khát khao, mong bé mau hết bệnh để bé đi học bình thường như con người ta. Dù sao hai vợ chồng cũng kiếm sống lay lắt để nuôi bé. Đời chúng tôi thì xem như cũng không còn gì, chỉ sống và dành tình yêu, hi vọng cho con thôi”, chị Hoa tâm sự.