Tiền tỷ nằm phơi nắng mưa
Theo tìm hiểu, năm 2009, xã Bằng Hữu được phê duyệt đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn. Vốn hỗ trợ dự án do Ủy ban Dân tộc và Miền núi đầu tư trên 3,8 tỷ đồng.
Theo thiết kế, công trình này có hệ thống đường ống dẫn nước đến tất cả các thôn trong xã dài hơn 4km. Tổng số bể chứa tại các cụm, khu dân cư là 35 bể với thể tích chứa 10m3/bể.
Đến năm 2011 dự án hoàn thành và được bàn giao cho UBND xã Bằng Hữu quản lý và khai thác. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con nhân dân trong xã thì công trình nước sạch sau khi được đưa vào khai thác chỉ hoạt động được khoảng gần hai tháng thì ngừng.
Thời gian ngắn sau đó, chỉ có một số ít hộ dân ở đầu nguồn, gần khu vực bể chứa thỉnh thoảng mới có nước sử dụng. Còn lại, người dân lại phải tự tìm nguồn nước sinh hoạt ở các khe núi.
Theo quan sát, hiện phần lớn bể chứa nước đã bị bỏ hoang, hệ thống đường ống dẫn nước đến các bể chứa bị hư hỏng nhiều đoạn. Cá biệt, có đoạn bị đào lên do vướng vào dự án của công trình khác, một số người dân trong xã thiếu ý thức còn đào đường ống mang về nhà sử dụng.
Hệ thống dẫn, lọc nước tại trạm bị bỏ hoang mọc đầy cỏ dại. |
Theo tìm hiểu, trên địa bàn xã hiện có khoảng 500ha diện tích đất nông nghiệp, cũng trong tình trạng thiếu nước sản xuất.
Do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa nên diện tích này mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa mùa, còn các vụ khác bị bỏ hoang hoặc chỉ trồng các loại cây thực ngắn ngày. Việc thiếu nước sinh hoạt và sản xuất khiến cho đời sống của nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù đã có sự quan tâm của nhà nước về vấn đề này, nhưng chính sự đầu tư thiếu đồng bộ và sự quản lý yếu kém của chính quyền xã là nguyên nhân chính gây lãng phí và giảm hiệu quả của công trình tiền tỷ.
Công trình bỏ hoang vì dân ý thức kém?
Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn nhưng căn nguyên vì sao người dân ở đây lại không có nước sạch để dùng? Để giải đáp câu hỏi này, phóng viên báo Pháp luật & Thời đại đã có cuộc tiếp xúc với bà con nhân dân và chính quyền xã để làm rõ vấn đề.
Trao đổi với phóng viên, bà Nông Thị Mỵ, chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho rằng, hiện tại do trải qua nhiều năm không được sử dụng nên công trình tiền tỷ trên bị xuống cấp nghiêm trọng. Và quan trọng hơn, căn nguyên khiến công trình hư hỏng xuất phát từ ý thức của nhân dân còn kém. Nói cách khác, một bộ phận người dân ý thức chưa cao đã làm hư hỏng công trình.
Đổ lỗi cho dân là vậy nhưng nghịch lý ở chỗ, khi người viết hỏi công trình trên được xây dựng bằng nguồn vốn nào, số vốn xây dựng công trình là bao nhiêu, số bể chứa tại các cụm dân cư có bao nhiêu… thì bà Mỵ hoàn toàn không hề nắm được. Bà Chủ tịch xã lý luận: “Mới lên làm chủ tịch được gần một năm nay (cuối năm 2015), công trình được xây dựng từ khóa trước nên không nắm rõ”.
Cũng theo bà Mỵ thì hiện công trình nước sạch này chỉ cung cấp nước cho rất ít hộ dân gần bể tổng. Và nguồn nước không hề qua xử lý do hệ thống xử lý nước sạch không còn hoạt động. “Hiện nay xã có duy trì một tổ điện – nước, nhưng cũng chỉ để thường xuyên khiểm tra và bảo vệ công trình này mà thôi, còn việc vận hành thì đã ngừng từ lâu” – bà Mỵ cho biết thêm.
Ông Hoàng Văn Chiến, phó chủ tịch UBND xã cho biết, khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng chỉ dùng được 2 tháng là do nguồn nước cung cấp cho công trình ít, không đáp ứng đủ cho sự vận hành.
Đáng nói, ông phó chủ tịch xã cũng cho rằng, căn nguyên khiến công trình nước sạch đắp chiếu là do ý thức của người dân (?!). Ông Chiến quả quyết rằng, trong việc sử dụng nước, người dân không… tiết kiệm.
Chúng tôi gặp ông Phương Văn Thanh, hiện nay là tổ trưởng tổ quản lý điện - nước của xã Bằng Hữu, ông Thanh cho biết, công trình nước sạch này được thiết kế dùng chung với nguồn nước sản xuất.
Nói cách khác, điều này dẫn đến tình trạng tranh chấp giữa nước sản xuất và nước sinh hoạt. Khi đến mùa vụ thì người dân lấy hết nước của công trình nước sạch để phục vụ cho việc sản xuất. Hết mùa vụ, nước sản xuất lại dùng cho sinh hoạt. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc thiếu nước thường xuyên khiến hoạt động của công trình nước sạch trì trệ.
Được biết, theo thiết kế ban đầu thì lưu lượng nước phục vụ cho công trình đủ cung cấp nước cho sự vận hành, với công suất lúc khô hạn nhất là 0,3 lít/giây, đáp ứng đủ nhu cầu cho 350 - 400 hộ dân thuộc các thôn trong xã.
Tại thôn Kéo Nọi, một “điểm nóng” về vấn đề thiếu nước sinh hoạt, người dân phải xây bể chứa nước mưa hoặc đi lấy nước ở các khe núi về để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Theo ông Triệu Văn Giải, trưởng thôn Kéo Nọi, thì ở thôn có 8 bể chứa nước của dự án nước sạch, nhưng hiện nay đều bỏ không. Nhiều bể do không thường xuyên được kiểm tra, quản lý đã bị xuống cấp.
Ông Giải cho biết thêm, ban đầu người dân trong thôn cũng như các thôn khác còn chờ đợi nguồn nước sạch này, vì nghĩ công trình bị trục trặc gì đó, nhưng chờ đợi mãi mà nước sạch vẫn không có, trong khi đó công trình đầu tư tiền tỉ ngày một xuống cấp và thất thoát, quả thực rất lãng phí, gây rất nhiều bức xúc trong nhân dân.
Khi tiếp xúc với người dân trong xã, đa phần họ tỏ ra khá bức xúc về vấn đề nước sinh hoạt. Chị H, nhà chỉ cách bể tổng của công trình nước sạch chưa đến 1 km bức xúc nói: “Dù ở rất gần nguồn nước nhưng gia đình tôi luôn phải lấy nước ở khe núi về sinh hoạt hàng ngày, nước của công trình nước sạch rất thất thường, và cũng không phải là nước sạch nữa vì hệ thống xử lý lọc của công trình đã không còn hoạt động nhiều năm nay”.
Một công trình nước sạch phục vụ cho nhân dân, đó là mong mỏi của bà con trong xã nhưng khi đã được Nhà nước quan tâm đầu tư cả tỷ đồng thì lại bị bỏ hoang.
Vậy trách nhiệm quản lý, vận hành của UBND xã Bằng Hữu thật sự đã tốt? Việc đổ lỗi cho ý thức của nhân dân của các cán bộ xã cũng chưa thực sự thấu đáo.
Thiết nghĩ, nếu như chính quyền địa phương quan tâm chú trọng đến công trình, chỉ đạo sát sao ngày từ khi mới được bàn giao thì chắc hẳn công trình sẽ không bị bỏ hoang như hiện nay.