Hàng loạt thiết bị có nguy cơ trở thành sắt vụn ở các trạm y tế 'chuẩn quốc gia'

Do không khai thác được bệnh nhân nên các thiết bị y tế được cấp, phát cho các trạm rất “nhàn rỗi”
Do không khai thác được bệnh nhân nên các thiết bị y tế được cấp, phát cho các trạm rất “nhàn rỗi”
(PLO) -Để đạt chuẩn quốc gia, các trạm y tế được cấp nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc cấp phát chỉ chú trọng đến chuẩn danh mục của Bộ Y tế chứ chưa căn cứ vào tình hình thực tế nên đã phát sinh rất nhiều bất cập. 

Thiết bị “ế” dài ngày

Từ năm 2011 đến nay, 29 trạm y tế xã và thị trấn thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Nội) được cấp, phát rất nhiều thiết bị y tế. Mỗi xã ít nhất cũng được cấp 3 thiết bị y tế tùy theo từng trạm gồm các loại máy: máy siêu âm đen trắng, máy hút dịch, kính hiển vi (2 mắt), máy theo dõi tim thai Doppler, máy điện tim, máy phân tích nước tiểu 10 thông số, máy phân tích huyết học tự động, máy ly tâm… 

Tuy nhiên, thời điểm năm 2011, rất ít trạm y tế xã của huyện Ứng Hòa có kỹ thuật viên vận hành được các loại máy này. Dẫn đến, năm 2012, Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa đã phải cấp tốc cử cán bộ y tế tại các trạm đi học kỹ thuật vận hành cơ bản với thời hạn “vỏn vẹn” 3 tháng. Do thời gian đào tạo hạn hẹp, nên các bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, hoặc nữ hộ sinh… chỉ được dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc. 

Đương nhiên, trong thời gian chưa có người vận hành, các loại máy móc, thiết bị y tế được “nghỉ” dài ngày. Điều đáng nói, ngay cả khi đã hoàn thành khóa đào tạo cơ bản thì khả năng một kỹ thuật viên vốn là y sĩ, nữ hộ sinh… có thể vận hành suôn sẻ tất cả các loại máy móc, thiết bị y tế mới được cấp cũng không hề dễ dàng. 

Do nghịch lý được cấp phát thiết bị y tế nhưng chưa có người vận hành nên một số máy móc, thiết bị như kính hiển vi (2 mắt), máy ly tâm lúc đầu mang về bị thiếu các thiết bị đi kèm mà cũng không ai “phát hiện” để thắc mắc. 

Ví dụ như ở trạm y tế xã Quảng Phú Cầu, nữ hộ sinh Dương Thị Lụa – người chuyên vận hành các máy móc ở trạm tiết lộ, kính hiển vi từ lâu đã không sử dụng phần vì bệnh nhân không có nhu cầu, phần vì thiếu hóa chất nhuộm tiêu bản, lam kính… Chính vì “có cày mà không có trâu” nên thiết bị đành chỉ để “trưng bày” (?!)

Không riêng gì kính hiển vi mà các loại máy móc, thiết bị y tế khác ở trạm y tế này cũng chỉ... một tháng đôi, ba lần vận hành cho đỡ hỏng. Điều này có nghĩa, các loại thiết bị y tế thường xuyên rơi vào tình trạng bị “ế”, “ngủ đông” do không có bệnh nhân. 

Tại Trạm y tế xã Trường Thịnh, tần suất sử dụng các thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cũng không khá hơn là mấy, thậm chí còn thưa thớt hơn. 

Trạm trưởng Trạm y tế xã Trường Thịnh Tạ Văn Tâm lý giải, không phải ai cũng có thể vận hành được các loại thiết bị y tế. Thêm vào đó, hiện nay đại đa số người dân đã tham gia BHYT vì thế họ có quyền được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn và được BHYT chi trả. 

Nếu như họ sử dụng các dịch vụ kỹ thuật ở tuyến xã như siêu âm thì họ phải trả tiền do y tế tuyến xã chưa đăng ký danh mục kỹ thuật được BHYT chi trả. Vậy nên, tính cả về kinh tế lẫn chất lượng thì việc người dân thờ ơ với các dịch vụ thăm khám tại trạm y tế là dễ hiểu. Đó là chưa nói đến trình độ y bác sĩ cũng như cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu của bệnh nhân. 

Hiện, kỹ thuật viên vận hành các loại máy móc của Trạm y tế xã Trường Thịnh đã xin nghỉ việc nên ngay cả việc vận hành các trang thiết bị y tế cho đỡ hỏng cũng khó mà thực hiện được. 

Bất cập và lãng phí

Vì vận hành quá ít nên một số máy móc đã hỏng, như máy phân tích nước tiểu ở Trạm y tế xã Trường Thịnh. Ông Tâm nói rằng đã mang xuống Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa sửa 2 năm nay nhưng vẫn chưa thấy hồi âm. Trạm trưởng Ngô Thị Quý cũng cho biết, máy phân tích nước tiểu ở Trạm y tế Viên An cũng đã bị hỏng từ lâu. 

Ngoài ra, với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta thì việc các thiết bị y tế được đặt trong các phòng ẩm mốc, không có máy hút ẩm là điều rất nguy hại, có thể dẫn tới hỏng hóc bất cứ lúc nào. Hãy thử nhẩm tính, chỉ cần mỗi trạm y tế xã “đắp chiếu” 1 thiết bị y tế chứ chưa nói đến đắp chiếu hàng loạt hoặc bị hỏng cũng đủ thấy sự lãng phí nó lớn đến mức nào. 

Ông Mai Trung Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa
Ông Mai Trung Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa 

Căn cứ theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước đối với danh mục máy móc thiết bị y tế khấu hao mỗi năm là 12,5%, tính chung tuổi thọ của các thiết bị y tế là 8 năm.

Như vậy, dù sử dụng hay không sử dụng các thiết bị được cấp từ năm 2011 cũng sắp trở thành hàng quá date, thành sắt vụn và cần thay mới. Đây quả thực là 1 sự bất cập, lãng phí lớn.

Độ vênh quá lớn

Giải thích về việc một số loại máy móc cấp máy mà không cấp các phụ kiện đi kèm, ông Mai Trung Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa nói rằng, lúc nào ở trung tâm cũng có hóa chất, lam kính, hóa chất nhuộm tiêu bản “có điều ở trạm y tế xã thiếu mà không làm đề xuất, dự trù nên kêu thiếu”. 

Đã đành là cấp dưới không “kêu”, nhưng thiết nghĩ là cơ quan quản lý cấp trên, Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa cũng không mấy ngó ngàng đến hoạt động của các trang thiết bị y tế nên mới xảy ra tình trạng dưới không kêu, trên cũng chẳng chỉ đạo. 

Ông Hà trần tình: “Sau khi máy được cấp, phát và lắp đặt ở các trạm y tế xã, mình nghiệm thu, vận hành xem chạy được chưa, chứ lúc đó đâu biết thiếu cái gì, thừa cái gì, khi sử dụng mới vỡ ra và phát hiện thiếu những cái lặt vặt”. 

Về máy xét nghiệm nước tiểu bị hỏng, ông Hà cho hay: “máy hỏng từ rất lâu nhưng chưa sửa được mà có sửa được thì tiền sửa cũng tương tương tiền mua một chiếc máy mới (?). Mua máy mới thì không được phép vì luật đấu thầu, hơn nữa cũng không biết lấy đâu ra kinh phí mà mua”. 

Về hiệu quả hoạt động của các trang thiết bị y tế được cấp, phát cho các trạm y tế xã, ông Hà thẳng thắn thừa nhận là không đạt hiệu quả và cần phải tiếp tục đào tạo cán bộ. Tuy nhiên, để được như mong muốn thì còn nhiều hạn chế vì bản thân những người đi học chỉ là y sĩ, điều dưỡng…

“Giám đốc sở chỉ đạo các xét nghiệm nên tập trung làm ở trung tâm và hai phòng khám khu vực chứ không làm dàn chải. Bên cạnh đó, không phải bác sĩ nào cũng đa năng và có thể làm xét nghiệm được”, ông Hà nói thêm. 

Rõ ràng chủ trương cấp, phát trang thiết bị y tế về tuyến xã nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến cho cơ sở với mục đích chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân và giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên là đúng đắn, nhưng khi đưa vào thực tế thì độ vênh quá lớn. Điều này dẫn tới hiệu quả hoạt động không cao mà còn gây lãng phí nghiêm trọng. 

Đọc thêm

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Mahosot thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội soi tiêu hóa.
(PLVN) - Chiều 13/4, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, đoàn y bác sĩ của đơn vị này vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăng (Lào) đánh dấu sự hợp tác hữu nghị của ngành y tế hai nước, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân Lào. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước.