Theo Ths. Đỗ Công Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, sau khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực, ngày 10/7/2014, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTHTL do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Y tế làm Phó ban thường trực.
Hàng năm Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh có văn chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai hoạt động PCTHTL đồng thời phối hợp chặt chẽ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện tốt truyền thông PCTHTL; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật được giao là cơ quan thường trực, đầu mối tổ chức các hoạt động và ký kết hợp đồng với Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế.
Năm 2024, Ban chỉ đạo PCTHTL đã phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức 5 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc cho 250 đoàn thanh niên về xây dựng môi trường không khói thuốc. Phối với với Hội nông dân tổ chức 6 lớp tập huấn về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho 300 cán bộ Hội Nông về tác hại thuốc lá, các quy định của Luật PCTH thuốc lá và chuyển đổi cây trồng thuốc lá.
Ban chỉ đạo cũng phối hợp với ngành Giáo dục tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn cho 500 giáo viên để giảng dạy trong chương trình ngoại khóa. Tổ chức 50 cuộc thi tìm hiểu kiến thức về tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL cho 5.000 học sinh các trường THCS trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó là phối hợp với UBND các xã, thị trấn: tổ chức 40 cuộc thi tìm hiểu kiến thức về tác hại của thuốc lá, Luật PCTHTL cho 2.000 người dân các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Nhờ có công tác phối hợp liên ngành chặt chẽ từ chỉ đạo đến xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động mà kết quả thực hiện Luật PCTHTL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả điều tra thực trạng triển khai Luật PCTHTL tại Ninh Bình năm 2020 cho thấy hiệu quả rõ rệt thể hiện qua kết quả điều tra: Tỉ lệ hút thuốc lá chung giảm từ 29,5% (năm 2017) xuống còn 26,3% (năm 2020); Tỉ lệ hiểu biết về tác hại của thuốc lá là 90,9%; Tỉ lệ hiểu biết về các bệnh do thuốc lá gây ra là 98,25%; Tỉ lệ hiểu biết về Luật PCTH thuốc lá là 70,1%.
Kết quả giám sát cho thấy, 100% đơn vị có tổ chức thực hiện việc cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, 100% đơn vị có biển cấm hút thuốc lá, 100% đơn vị không có gạt tàn thuốc, không có hành vi hút thuốc lá khu vực trong nhà tại thời điểm kiểm tra. Các đơn vị đã triển khai hoạt động PC THTL và có các biển báo cấm hút thuốc tại những nơi dễ nhìn, nơi thường tập trung đông người, nơi dễ diễn ra tình trạng hút thuốc lá.
"Có thể thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền Luật PCTHTL đã có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân đã được nâng lên rõ rệt, tạo sự tham gia tích cực, đồng thuận tốt hơn khi triển khai thực hiện các hoạt động PCTHTL trên địa bàn tỉnh", Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình nhận định.
Trong năm 2024, Ninh Bình tổ chức 16 đợt giám sát về việc thực hiện các hoạt động PCTH thuốc lá tại 192 cơ quan/đơn vị được giám sát. |
Để đạt được những kết quả này, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Ninh Bình cho rằng, thời gian qua, công tác PCTHTL của Ban chỉ đạo luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp thường xuyên của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động tại địa phương. Đặc biệt là sự chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật và nguồn lực từ Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế; Tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ y tế, cộng tác viên tham gia công tác PCTHTL từ tỉnh đến cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, thói quen và nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Đặc biệt các chế tài xử phạt, cũng như việc hút thuốc diễn ra khá nhanh, hoạt động mua bán chưa quản lý chặt… nên khó có đủ căn cứ xử phạt. Từ đó, hiện tượng hút thuốc lá tại nơi làm việc và ở nơi công cộng vẫn diễn ra.
Một số địa phương, đơn vị chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa thực thi nghiêm các quy định của Luật PCTHTL. Thuốc lá được bày bán tràn lan, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá.
"Đặc biệt, thách thức lớn nhất nhiên hiện nay là trên thị trường xuất hiện nhiều thuốc lá mới phổ biến là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha. Trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha, có trên 20.000 hương liệu… có chất gây nghiện cao, hoá chất… Nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khoẻ. Bên cạnh đó giá sản phẩm rẻ, hình thức hấp dẫn, thu hút sự tò mò của lứa tuổi học đường, trẻ em dễ tiếp cận và sử dụng", Ths. Đỗ Công Chiến nhận định.
Để công tác PCTHTL đạt nhiều hiệu quả tích cực hơn nữa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình kiến nghị các Bộ, ngành trung ương về tăng cường thực hiện Luật PCTHTL theo chức năng và nhiệm vụ được giao và phối hợp liên ngành tại các cấp; Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về PCTH thuốc lá, và điều chỉnh thẩm quyền đối với lực lượng xử phạt và tăng thuế cao đối với thuốc lá.