Giảm 700 ngàn tấn lúa
Hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến hết sức phức tạp. Đến hết tháng 3/2015, toàn Nam Trung bộ có gần 23 nghìn ha lúa phải dừng sản xuất. Tại Tây Nguyên, dự kiến đỉnh hạn vào giữa tháng 4 sẽ có khoảng 170 nghìn ha bị hạn. Khu vực ĐBSCL xâm nhập mặn đang khiến 209 nghìn ha lúa bị thiệt hại.
Theo con số mà Văn phòng Chính phủ vừa công bố, tình hình xâm nhập mặn, hạn hán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đến nay sản lượng lúa bị giảm tới 700.000 tấn (tương đương 350.000 tấn gạo).
Trong bối cảnh khan hiếm nước, nguồn nước không đủ phục vụ sản xuất, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo người dân không xuống giống lúa xuân - hè. Thậm chí, những vùng không chủ động về nguồn nước, bị xâm nhập mặn kiên quyết không gieo sạ, bắt buộc phải chờ mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.
Tuy việc xuống giống không đồng loạt chưa khiến nguồn cung lúa gạo trên thị trường bị thâm hụt một cách nghiêm trọng, nhưng cũng đẩy giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL tăng lên mức đáng chú ý.
Theo hệ thống cung cấp tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL trong tháng 3 như sau: Tại An Giang, lúa tươi IR50404 tăng 450 đ/kg, từ 4.550 đ/kg lên 5.000 đ/kg; lúa OM 2717 tăng từ 4.700 đ/kg lên 4.950 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 tăng từ 4.650 đ/kg lên 4.800 đ/kg; lúa khô tăng tới 600 đ/kg, từ 5.100 đ/kg lên 5.700 đ/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa tươi từ 4.600 – 5.000 đ/kg lên 4.800 – 5.200 đ/kg; lúa tài nguyên đang hút hàng, giá ở mức 6.000 – 6.500 đ/kg; lúa khô từ 5.400 đ/kg lên 6.000 đ/kg. Tại Kiên Giang, tỉnh được đánh giá là bị hạn nặng nhất, giá lúa tẻ thường đã tăng từ 5.400 đ/kg lên 5.500 đ/kg, lúa dài tăng từ 5.600 đ/kg lên 5.900đ/kg.
Theo dự báo trong tháng 4 và tháng 5 mới là đỉnh hạn nên diện tích bị thiệt hại tại vựa lúa của cả nước có thể còn nhân lên, nguồn cung có thể bị thiếu hụt và giá lúa gạo trên thị trường sẽ có những diễn biến khó lường.
Đảm bảo an ninh lương thực
Trong báo cáo cân đối lúa gạo năm 2016 cho thấy, diện tích sản xuất lúa vùng ĐBSCL dự kiến đạt 4,305 triệu ha, sản lượng lúa đạt 25,745 triệu tấn, sản lượng lúa hàng hóa đạt 15,785 triệu tấn, sản lượng gạo hàng hóa là 7,892 triệu tấn.
Vì thế sản lượng lúa bị giảm 700.000 tấn (tương đương khoảng 350.000 tấn gạo) như hiện nay cũng chưa phải là sự thiếu hụt, mất cân đối quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của El Nino, xâm nhập mặn có thể còn kéo dài, chưa thể khắc phục được ngay, cũng không cho phép chúng ta chủ quan, lơ là và cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ sản lượng và cân đối lượng gạo cho xuất khẩu năm 2016.
Theo Văn phòng Chính phủ, trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vùng ĐBSCL, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công thường xuyên theo dõi rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất lúa gạo và diễn biến hoạt động xuất khẩu gạo để có các giải pháp kịp thời bảo đảm an ninh lương thực trong nước và điều hành có hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo.
Hỗ trợ gạo cứu đói
Thủ tướng vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 5.223,71 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói trong thời gian giáp hạt cho 5 tỉnh gồm: Hà Nam 1.344,240 tấn; Quảng Bình 1.999,395 tấn; Bình Định 700 tấn; Lai Châu 713,2 tấn; Kon Tum 466,875 tấn. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh nêu trên tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, các địa phương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng xem xét, tiếp tục hỗ trợ.