Ngày 16/12, UBND TP. Hải Phòng có thông báo số 470/TB-UBND về việc Thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp với các ngành, đơn vị về giải tỏa một số địa điểm trong khuôn viên của Cung văn hóa Việt Tiệp và Cung văn hóa Thanh niên.
Theo đó lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Liên đoàn lao động thành phố chỉ đạo Cung văn hóa Việt Tiệp thực hiện chấm dứt ngay các hợp đồng cho thuê hoặc liên kết, thực hiện giải tỏa các điểm từ ngày 15/12 và hoàn thành trong tháng 12/2016; giao UBND quận Ngô Quyền hướng dẫn giám sát Cung văn hóa Việt Tiệp tổ chức giải tỏa các điểm, lập phương án đề nghị hỗ trợ kinh phí để tháo dỡ.
Trong thông báo này, UBND TP. Hải Phòng cũng giao các cơ quan chức năng hướng dẫn Cung văn hóa Việt Tiệp tổ chức kiểm kê, hỗ trợ các đơn vị phải chấm dứt hợp đồng để thực hiện chủ trương giải tỏa của thành phố.
Việc giải phóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp và Cung văn hóa thể thao Thanh niên để trả lại mặt bằng theo chức năng, nhiệm vụ vốn có của 2 cơ sở này vốn được dự báo trước vì Cung văn hóa Việt Tiệp và Cung văn hóa Thanh niên được xây dựng không nhằm mục đích cho thuê kinh doanh dịch vụ như hiện nay. Nhưng, việc phải di dời ngay lập tức khi những ngày kinh doanh nhộn nhịp của dịp tết đang đến đã khiến những người lao động làm việc ở đây không khỏi sốc.
Ngoài ra, với những cá nhân và đơn vị thuê địa điểm để kinh doanh, việc chấm dứt kinh doanh và di dời tài sản cũng gây ra những tổn thất không nhỏ. Khi được thêu mặt bằng, các đơn vị được thuê mặt bằng đã đầu tư “tiền tỷ” để xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động kinh doanh. Việc phải di dời ngay theo chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng thì các chủ đầu tư không chỉ mất cơ sở kinh doanh mà tài sản đã đầu tư cũng sẽ trở thành phế liệu vì không có mặt bằng thay thế để tận dụng.
Một khu vui chơi nằm trong diện phải dời |
Việc UBND TP Hải Phòng yêu cầu di dời để trả mặt bằng cho hoạt động vui chơi, giải trí công cộng vào dịp tết cũng là một chủ trương mà nhiều người ủng hộ. Nhưng, hàng trăm lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm và cái tết của các hộ gia đình này sẽ thực sự mất vui.
Được biết, trước khi có thông báo yêu cầu các cơ sở kinh doanh di dời thì ngày 14/12, UBND TP Hải Phòng cũng đã họp với các ban ngành thành phố, các điểm liên kết. Tại cuộc họp này lãnh đạo LĐLĐ thành phố, Cung văn hóa Việt Tiệp và đại diện các điểm liên kết đề nghị thành phố cho lùi thời hạn đến sau Tết nguyên đán 2017. Và việc giải tỏa các điểm vi phạm quy hoạch theo lộ trình và đảm bảo các quy định của pháp luật để giảm thiểu thiệt hại cho các đơn vị, giảm bớt khó khăn người lao động. Nhưng đến ngày 16/12, UBND TP ban hành thông báo yêu cầu thực hiện chấm dứt ngay các hợp đồng cho thuê hoặc liên kết, thực hiện giải tỏa các điểm từ ngày 15/12 và hoàn thành trong tháng 12.
Theo đại diện các đơn vị liên kết hoạt động với Cung văn hóa Việt Tiệp thì họ tin tưởng ký hợp đồng với đơn vị này là vì Cung văn hóa Việt Tiệp là đơn vị sự nghiệp hoạt động tự cân đối thu chi, không được cấp kinh phí hoạt động. Vì đó, việc liên doanh, liên kết của Cung văn hóa Việt Tiệp được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý, các hợp đồng liên kết trước khi ký kết đều được sự chỉ đạo và phê duyệt của Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Văn Thanh, Giám đốc Cty cổ phần Đông Dương MDM cho biết: “Khi UBND TP Hải Phòng yêu cầu các bên chấm dứt hợp đồng và di dời hoạt động kinh doanh dịch vụ, khiến chúng tôi không kịp trở tay để tìm địa điểm kinh doanh mới”.
Nguyện vọng của các đơn vị kinh doanh tại Cung văn hóa Việt Tiệp và Cung văn hóa Thanh Niên là có một lộ trình cho việc di dời không phải là không có lý, vì thời điểm “vàng” cho việc kinh doanh trong năm đang đến. Hơn nữa, giữa các bên liên quan còn phải giải quyết cả việc bồi thường hợp đồng khi kết thúc trước hạn để tránh gây ra thiệt hại cho các bên nên đây là vấn đề không thể không xem xét khi di dời các cơ sở kinh doanh ở hai trung tâm văn hóa, giải trí của TP Hải Phòng.