Năm 2016, TP Hải Phòng nằm trong nhóm 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Trong năm 2016, cùng việc đang hoàn thiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chính quyền TP Hải Phòng đang có những nỗ lực trong việc nâng cao chỉ số PCI. Mục tiêu cải thiện chỉ số PCI trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là trước mắt, nhưng xa hơn là nâng cao vị thế, đưa TP Hải Phòng lên tầm cao mới để “vươn ra biển lớn” và luôn là ngôi sao có khả năng soán ngôi đầu trong bảng PCI.
“Lọt” top địa phương hấp dẫn nhất về đầu tư
Mặc dù chỉ số PCI chưa nằm trong nhóm dẫn đầu, nhưng năm 2016, TP Hải Phòng lại là một trong những địa phương có lượng vốn đầu tư trực tiếp dẫn đầu cả nước cũng cho thấy địa phương này có những bí quyết riêng tạo nên sự hấp dẫn của mình đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu như tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí số 2/63 tỉnh thì TP Hải Phòng cũng có bước bứt phá ngoạt mục, về điểm tổng hợp PCI đạt 60,1 tăng 1,45 điểm, thứ tự xếp hạng tăng 07 bậc so với năm 2015, lần đầu tiên vươn lên đạt nhóm có chất lượng điều hành tốt; TP Hải Phòng nằm trong nhóm 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Việt Nam trong tương lai.
Điểm đột phá của TP Hải Phòng năm 2016 là sự thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hải Phòng. Việc thành lập Trung tâm xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng nhu cầu giải quyết nhanh chóng các thủ tục về đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đầu tư và triển khai dự án trên địa bàn TP. Trung tâm được coi là mô hình “một cửa về đầu tư” mới, có ý nghĩa lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại TP Hải Phòng.
Để có vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư, TP Hải Phòng đã có những giải pháp, chiến lược thu hút đầu tư cụ thể cho giai đoạn trước mắt và dài hạn. Ngày 04/01/2017, Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Chiến lược thu hút vốn FDI của TP Hải Phòng giai đoạn 2016-2020”.
Ngày 28/02/2017, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 tại TP Hải Phòng. Trong đó, nhiều giải pháp về đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả, định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, xúc tiến các hoạt động đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP để tăng cường nội lực cho sự phát triển.
Chiến lược thu hút đầu tư tổng thể, toàn diện
Với một chiến lược khá rõ ràng, Hải Phòng cũng đang thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư mang tính tổng thể, toàn diện, bao gồm: Thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020; tập trung vốn đầu tư từ ngân sách cho các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, giải tỏa các điểm nghẽn về giao thông, mở rộng mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, bao gồm cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không với các tỉnh duyên hải Bắc bộ; hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải tạo động lực thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.
Hải Phòng cũng thực hiện việc xúc tiến đầu tư theo mục tiêu. Xác định các đối tác chiến lược về đầu tư, thị trường trọng điểm gồm: các nhà đầu tư tiềm năng đến từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, ưu tiên công nghệ nguồn, các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là giải pháp khôn ngoan để TP Hải Phòng trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu, từ đó tạo được sự ổn định của thị trường sản phẩm và thu hút nguồn vốn phát triển một cách bền vững.
Về mặt thể chế, Hải Phòng đang đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch; thực hiện rà soát, sửa đổi các quy định của TP về quản lý đầu tư xây dựng theo hướng thông thoáng, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm bớt các thủ tục hành chính đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra về đầu tư. Xây dựng cơ chế phối hợp tinh gọn, hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan đến công tác đầu tư, ở tất cả các công đoạn từ xác định chủ trương đầu tư đến cấp chứng chỉ quy hoạch, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư đến giao đất, giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép xây dựng.
Với những giải pháp tổng thể, từ đổi mới thể chế đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ việc đổi mới xúc tiến đầu tư đến làm lành mạnh môi trường kinh doanh, TP Hải Phòng đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ không chỉ hướng đến mục tiêu giữ ngôi đầu về thu hút vốn FDI mà còn thực hiện khát vọng “vươn ra biển lớn”, một quyết tâm chính trị của chính quyền và nhân dân TP Cảng.