Trong những năm qua, Hải Phòng luôn là một trung tâm kinh tế lớn của đất nước, với GDP hàng năm liên tục tăng nhanh, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại và hoàn chỉnh. Tuy nhiên Lịch sử trong phát triển kinh tế trong gần 30 năm đổi mới của cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đã cho thấy các mục tiêu kinh tế và xã hội không những rất tương thích với nhau mà còn có tính bổ trợ cho nhau rất cao.
Nguy cơ của triển vọng tăng trưởng
Nhưng tăng trưởng hầu như luôn luôn đi kèm với sự tổn thất của môi trường. Và những tổn thất về môi trường đã lên đến mức bắt đầu đe dọa đến triển vọng tăng trưởng và tiến bộ đạt được ở các chỉ số xã hội. Điều này đòi hỏi Hải Phòng phải từng bước chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, cũng như đảm bảo cân đối giữa các ưu tiên về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Hội thảo “Hải Phòng hướng tới nền kinh tế xanh” đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng. 8 báo cáo tham luận và các ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã nêu bật được tầm quan trọng, tính cấp bách của nền kinh tế xanh và đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và bền vững.
Toàn cảnh Hội thảo |
Báo cáo tham luận có nhiều thông tin bổ ích, ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt là tham luận đề dẫn khoa học có tính định hướng của đồng chí Bí thư thành ủy và tham luận của đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT)
Trong bài tham luận của mình, TS Nguyễn Văn Thành –Ủy viên T.W Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã nói về một số vấn đề của câu chuyện phát triển bền vững. Theo TS Nguyễn Văn Thành, một nền kinh tế phát triển bền vững phải là nền kinh tế xanh. Vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng khẳng định mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành Tp Cảng xanh không chỉ nhằm phát huy tối đa nguồn lực của Tp, Tp Cảng xanh còn đem lại lợi ích cho người dân, là cơ sở sinh kế quan trọng hiện đang được khai thác thiếu bền vững...
Khẳng định ý nghĩa của nền kinh tế xanh, TS Trần Hồng Hà (Thứ trưởng Bộ TN&MT) nhận định: “Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Kinh doanh xanh không chỉ nhằm mục đích sinh lời mà còn sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát thải và góp phần giảm nghèo”.
Đẩy mạnh sử dụng công nghệ xanh
Các ý kiến trong Hội thảo cũng cho thấy để phát triển kinh tế bền vững, nền kinh tế xanh cần có các phương thức tiếp cận mới mang tính tổng thể, đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt, cần thay đổi cách làm để thúc đẩy phát triển và giảm nghèo; xây dựng các giải pháp hiệu quả và mạnh mẽ trong cơ sở hạ tầng, thể chế và thông tin để thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng đưa ra yêu cầu đẩy mạnh sử dụng công nghệ xanh cho quản lý và sử dụng nước, tăng cường hợp tác công - tư, với mục tiêu cân bằng các lợi ích khác nhau trong phát triển…
Đến dự và phát biểu trong buổi hội thảo, ông Đinh Trung Tụng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp nói: “Tôi rất vui mừng được biết, một số doanh nghiệp tại Hải Phòng đã bắt đầu xúc tiến các khoản đầu tư cho tăng trưởng xanh. Việc các ngành công nghiệp thép, xi măng và du lịch đang nỗ lực xây dựng các mô hình kinh doanh xanh và đưa ra các thiết bị tiết kiệm năng lượng là những ví dụ tuyệt vời cho thấy vai trò chủ động, tích cực của khu vực tư nhân trong các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc nuôi dưỡng và nhân rộng những sáng kiến đó. Tôi hy vọng tại hội thảo ngày hôm nay, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và và chính quyền thành phố sẽ có một cuộc trao đổi ý kiến bổ ích, lý thú và cuộc trao đổi này sẽ tiếp tục được tăng cường trong tương lai.”
Được biết, trong thời gian qua, Hải Phòng đã đưa ra kế hoạch hành động vì TP Cảng xanh, như mô hình phát triển Hải Phòng nhằm thực hiện ba mục tiêu cơ bản của nền kinh tế xanh là xã hội giảm khí thải cacbon; giảm sử dụng nguyên liệu không tái tạo; đa dạng sinh học.
Hải Phòng cũng đã phối hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế thực hiện nhiều công trình về môi trường, phát triển kinh tế xanh như: Nhiên cứu, lập quy hoạch không gian biển (MSP), quy hoạch tổng hợp vùng bờ biển (ICOM); Xây dựng đề án nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của các ngành kinh tế xanh; Công bố danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và các dự án không khuyến khích đầu tư; Xây dựng quần đảo Cát Bà thành phòng thí nghiệm cho sự phát triển bền vững… Mục tiêu của Hải Phòng sẽ trở thành TP Cảng xanh, văn minh, hiện đại trước năm 2020.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng - nói: “Cuộc hội thảo này chúng ta đã khẳng định rằng, trong khi tăng trưởng xanh là mô hình phát triển mới không những nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống nhân dân, mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi vậy xanh hóa nền kinh tế không làm trở ngại tới tăng trưởng, trái lại đó là động lực tăng trưởng mới, tạo thêm việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Chính vì vậy, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là trọng tâm trong chiến lược mà thành phố Hải Phòng và các doanh nghiệp cần hướng tới. Điều này không chỉ giúp thành phố các doanh nghiệp vạch ra được lộ trình phát triển rõ ràng cụ thể, qua đó còn đề ra các chủ trương, chính sách hoạt động phù hợp trong từng giai đoạn, tạo nền tảng giúp các doanh nghiệp có được sự phát triển vững chắc trong dài hạn.”./.