Bị thu hồi dự án vì “chây ì” triển khai
Năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hồi 21 ha đất sản xuất của hàng chục hộ dân tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà để giao cho chủ đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Xi măng Long Thọ II. Mặc dù bị chính quyền nhắc nhở nhiều lần phải khẩn trương thực hiện nhưng phía chủ đầu tư vẫn “chây ì” không triển khai. Trước tình hình đó, tháng 4/2010, Dự án bị tỉnh thu hồi.
Đến tháng 6/2010, Dự án này được cấp phép đầu tư và chuyển giao cho Tổng Cty Sông Hồng với nguồn vốn dự kiến hơn 763 tỷ đồng. Lúc đó, Dự án cam kết thực hiện khởi công từ tháng 7/2011 và đến tháng 2/2014 hoàn thành, đưa vào sản xuất. Tưởng chừng sau khi giao lại Dự án cho chủ đầu tư mới Dự án sẽ hoạt động nhưng thực tế nhà máy này vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trước tình trạng này, năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư DA Nhà máy Xi măng Long Thọ II và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư mà UBND tỉnh đã cấp cho Tổng Cty Sông Hồng.
Có mặt tại khu vực triển khai Dự án Nhà máy Xi măng Long Thọ II vào giữa tháng 7, theo quan sát của PV cả khu đất rộng hàng chục ha vẫn đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Khu nhà điều hành được xây dựng cách đây 7-8 năm cũng đang hư hỏng, xuống cấp không người trông coi.
Hàng chục diện tích đất trước đây thu hồi của người dân để triển khai DA hiện đã trở thành bãi đất hoang, cỏ cây mọc um tùm, trở thành nơi trú ẩn của trâu, bò. Nhiều hộ gia đình từ khi bị lấy đất sản xuất đành phải tìm công việc khác, đời sống trở nên bấp bênh, khó khăn hơn.
Trao đổi với PV Báo PLVN, ông Châu Văn An - Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri với huyện, tỉnh, quốc hội; người dân địa phương ở đây đã phản ảnh nhiều lần về việc Dự án Nhà máy Xi măng Long Thọ II không triển khai. Phường cũng đã nhiều lần kiến nghị lên huyện và tỉnh nên thu hồi đất và giao lại cho người dân sản xuất... Như vậy, tính thời điểm nông dân bị thu hồi đất cho đến nay đã hơn 11 năm nhưng DA vẫn không triển khai dù đã qua tay rất nhiều chủ đầu tư.
11 năm nay DA nhà máy xi măng Long Thọ II vẫn “án binh bất động” |
Dự án hơn 3 nghìn tỷ “chết yểu”
Năm 2008, Dự án nhà máy xi măng Nam Đông được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận cho Cty CP Đầu tư xi măng Nam Đông- Việt Song Long (Cty Nam Đông- Việt Song Long) với số vốn đầu tư lên đến 3.700 tỷ đồng. Tháng 3/2009, DA được khởi công xây dựng với cam kết của chủ đầu tư có sản phẩm vào năm 2011, cùng với đó là lời hứa giải quyết việc làm cho lao động địa phương và đóng 100 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh mỗi năm.
Thế nhưng những lời hứa hẹn của Cty này chỉ như “gió thoảng mây trôi” khi mà từ đó cho đến nay Dự án này vẫn “đắp chiếu” khi vừa xây xong nhà điều hành.
Đánh giá đây là dự án trọng điểm quy mô lớn nên tỉnh Thừa Thiên - Huế đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho dự án này. Chính quyền tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thực hiện dự án như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư nâng cấp cầu đường và gia hạn tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, Cty Nam Đông- Việt Song Long không có đủ khả năng thực hiện dự án.
Không chỉ “đắp chiếu” trong thời gian dài, Dự án này còn “ngốn” một lượng lớn tài nguyên đất trên địa bàn. Tổng có đến 250ha đất ở và đất sản xuất của người dân địa phương nằm trong Dự án. Tuy vậy, chỉ có 24 ha đất được chủ đầu tư trả đền bù, chính quyền xã cũng đã vận động 28 hộ dân di dời vào khu tái định cư để nhường đất cho Dự án nói trên.
Ông Phan Thế Xê - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Đông cho biết, đề xuất thu hồi dự án để trả lại đất cho dân của chính quyền xã và huyện đã không được phía UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý. Theo ông Xê, phía UBND tỉnh đã trả lời rằng không thể thu hồi Dự án vì không đủ điều kiện đền bù cho chủ đầu tư.
Từ tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn về việc rà soát các Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam. Theo đó, có 9 Dự án Nhà máy Xi măng trong cả nước bị hoãn triển khai, trong đó có dự án Nhà máy Xi măng Nam Đông và không có thời hạn hoãn cụ thể.
Sau văn bản trên của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư càng có thêm lý do để trì hoãn triển khai dự án. Và xem ra tình trạng đất dự án bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất sản xuất tại Thượng Quảng không biết bao giờ mới chấm dứt.