'Đắp chiếu' nhà máy nghìn tỉ - những 'con bệnh' gặm nhấm ngân sách

Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ hơn 1 năm hoạt động đã lỗ hơn 1.700 tỉ đồng.
Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ hơn 1 năm hoạt động đã lỗ hơn 1.700 tỉ đồng.
(PLO) - Nợ công đang nặng oằn không có nguồn cân đối trả. Bệnh viện thiếu giường, người dân phải nằm ở hành lang, gầm giường. Nông thôn, miền núi thiếu cầu, trẻ con đi học phải đu dây lội suối… Thế nhưng, có rất nhiều dự án, nhà máy đầu tư bằng vốn ngân sách, tức là tiền thuế hoặc tiền vay giá trị hàng ngàn tỉ đồng, lại “đắp chiếu, trùm chăn” vì không thể hoạt động, hoặc càng hoạt động càng lỗ. 

Không chỉ làm tiêu tan, ném sông ném biển số vốn đầu tư, các nhà máy này còn tạo ra thiệt hại dây chuyền đến những lĩnh vực có liên quan. Nguyên nhân thì nhiều nhưng có điểm giống nhau là đề án không sát thực tế, thậm chí là báo cáo giả dối; người điều hành không trách nhiệm, thiếu chuyên môn; nhập thiết bị lạc hậu, công nghệ không phù hợp… 

Điều thật kỳ lạ là trong khi Đảng, Nhà nước kêu gọi tiết kiệm, chống lợi ích nhóm, chống tham nhũng… thì những công trình “đắp chiếu” rất đáng ngờ này cứ vô tư sống khỏe. Những người có trách nhiệm vẫn vinh thân phì gia tiến thân hoặc “hạ cánh an toàn”. 

Thanh tra Chính phủ đã có cuộc kiểm tra bước đầu và thống kê chưa đầy đủ những dự án đầu tư bằng vốn nhà nước hiện vẫn chưa hoặc không thể hoạt động là hơn 81.000 tỉ đồng. Chỉ riêng 3 nhà máy đình đám được báo chí nhắc tới là Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Sợi Đình Vũ và Nhà máy Giấy Phương Nam ở Đồng Tháp Mười (Long An) đã lên đến khoảng 20 ngàn tỉ đồng. Thử điểm qua 3 gương mặt “cộm cán”.

Hàng ngàn tỉ “trôi sông trôi bể”

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam) thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy từ năm 2007 với số vốn hơn 8.100 tỉ đồng, nhưng đến nay nhà máy vẫn “đắp chiếu” và thiết bị đã thành đống sắt gỉ. Hiện nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án.

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên từng đi vào lịch sử như một cánh chim đầu đàn ngành Thép. Thế nhưng ở giai đoạn đầu tư mở rộng nhà máy, sau khi ký hợp đồng tổng thầu EPC (E - thiết kế, P - cung cấp thiết bị, C - xây dựng công trình) với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), chủ đầu tư liên tiếp gặp khó khăn. Đến nay sau gần 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng, Nhà máy vẫn chỉ là đống sắt nằm im. Điều đáng nói, do không chặt chẽ khi ký hợp đồng nên dù đã bị “chôn” vốn từ gần 10 năm qua, thiết bị cung cấp chất lượng kém, phía chủ đầu tư TISCO còn bị phía Trung Quốc đòi phạt hàng tỉ đồng.

Trong tình thế đó, TISCO vẫn “dũng cảm” lập đề án xin bổ sung vốn nâng lên 9.000 tỉ đồng, mà dư luận đều ngờ rằng với mức vốn này, chưa chắc nhà máy đã thật sự hoạt động ổn định. Nhưng điều chắc chắn là với công nghệ lạc hậu, mức khấu hao tài sản cố định quá cao, sản phẩm sẽ càng khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nếu tiếp tục đầu tư nhà máy này, ngân sách phải tiếp tục cấp vốn, bù lỗ để nuôi nhà máy. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sáng suốt bác bỏ yêu cầu này và chỉ đạo cơ quan chức năng cổ phần hóa, thanh lý nhà máy. Đây là quyết định đúng đắn, tuy nhiên chắc rằng việc thực hiện không dễ chút nào. Có ai dám bỏ tiền tỉ mua một “con bệnh đang hấp hối”, ngoại trừ khi bán với giá sắt vụn như những con tàu “thây ma” của Vinashin?

Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) là trường hợp thứ hai. Nhà máy có vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, mục đích giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy này phải liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.  

Theo Bộ Công Thương, nhà máy của PVTex được thiết kế để sản xuất 500 tấn xơ sợi/ngày, phục vụ ngành công nghiệp dệt, may trong nước. Thế nhưng, mục tiêu “hỗ trợ” ngành Dệt may giảm nhập khẩu đến nay vẫn là mong ước, bởi rất nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước không mua xơ sợi của PVTex do chất lượng, giá hàng nhập khẩu cạnh tranh hơn. 

Ngay từ báo cáo nghiên cứu khả thi, nhiều số liệu chứng minh dự án có hiệu quả, cần phải xây dựng nhà máy, nhưng đến nay thực tế vận hành đều không đúng. Cụ thể: Chi phí điện cả năm theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ tốn khoảng 4,69 triệu USD, nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD; chi phí hóa chất, phụ liệu khác theo tính toán chỉ 500 ngàn USD, thực tế lên tới 11 triệu USD. Dự kiến nhà máy chỉ cần khoảng 500 nhân viên, song thực tế đang phải thuê tới 1.000 nhân viên. Tính toán ban đầu cho rằng nhà máy có khả năng thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng, nhưng khi tính toán lại phải mất tới 22 năm 10 tháng, chênh lệch tới 14 năm 2 tháng.

Nhà máy giấy không thể làm ra giấy

Trường hợp thứ ba, sau 10 năm kể từ ngày khởi công, Nhà máy Bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng phải bỏ hoang, không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Điều trái khoáy là Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi, tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6) làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.487 tỷ đồng. Dự án này được chính quyền Long An và người dân vùng lũ Đồng Tháp Mười kỳ vọng nhiều bởi cây đay rất phù hợp để trồng thay lúa vụ hè - thu. 

Báo cáo khả thi nêu ra hiệu quả kinh tế của dự án với thời gian hòa vốn là 10 năm 7 tháng. Tháng 3/2006, Tracodi khởi công xây dựng nhà máy, với lời quảng bá “sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu”. Chính quyền tỉnh Long An cũng nhanh chóng phát động nông dân trồng đay nguyên liệu, với vùng đay chuyên canh gần 9.000ha. Đến tháng 11/2007, Tracodi có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 2.286 tỉ đồng, nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn tất đầu tư. 

Dự án của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên chỉ còn là đống sắt vụn.
Dự án của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên chỉ còn là đống sắt vụn.

Tháng 6/2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam chuyển từ Tracodi sang Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), đội vốn lên thành hơn 3.000 tỉ đồng. Trong năm 2007-2008, Tracodi đã ký hợp đồng với nông dân trồng 450ha đay. Số lượng đay đã thu mua được là hơn 10.614 tấn đay tươi và hơn 655 tấn đay sợi. Hơn 11.000 tấn đay này được Vinapaco (chủ mới) đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình chạy thử có tải, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn.

Vinapaco đã mời chuyên gia nước ngoài sang và các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam tham gia khắc phục sự cố. Đồng thời, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo cũng đã tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng. Tuy nhiên, tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định: không có khả năng khắc phục được sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.

Từ năm 2014, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép Vinapaco dừng đầu tư và tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án. Thủ tướng đã đồng ý đề nghị này nhưng đến nay vẫn chưa có ai nhận mua một nhà máy giấy không thể làm ra giấy. Giá trị nhà máy giấy “tốt nhất Đông Nam Á” này cũng sẽ theo con đường của gang thép Thái Nguyên là giá sắt vụn và quyền sử dụng đất.

“Căn bệnh” làm tốn tiền ngân sách

Vấn đề rút ra từ các dự án đốt tiền ngàn tỉ này là gì? Điểm chung nhất là dự án nào cũng mang mục tiêu rất tốt đẹp: Phát huy truyền thống thành quả của thương hiệu thép Thái Nguyên, sản xuất lượng thép nội địa chất lượng tốt; cung ứng nguồn sợi nội địa chất lượng cao; sản xuất bột giấy tốt nhất Đông Nam Á. 

Điểm chung thứ hai là có báo cáo tiền khả thi rất lạc quan với con số hiệu quả lợi nhuận rất cao. Nhưng thực tế, các mục tiêu tốt đẹp ấy chỉ để nhân danh, các con số đẹp chỉ là con số ảo. Người thực hiện dự án hoàn toàn vô trách nhiệm và đi ngược lại các cam kết. 

Thép Thái Nguyên đội vốn đến gấp 3 lần, trễ hạn hơn 5 năm, nhà máy vẫn chưa hoàn thành. Sợi Đình Vũ tăng vốn gần 3 lần, trễ hạn hơn 2 năm, làm ra sợi chất lượng kém và giá thành cao không có khả năng cạnh tranh. Giấy Phương Nam đội vốn gấp 2 lần, có nhà máy nhưng không thể làm ra giấy. Đây cũng là căn nguyên của chứng bệnh nan y “mất máu” ngân sách, nợ công phình to, trong khi kinh tế - xã hội tăng trưởng chưa đạt mục tiêu.

Với những biểu hiện ấy và hậu quả thiệt hại kinh khủng ấy, những người lập dự án, điều hành dự án vẫn “bình chân như vại”. Pháp luật, cơ quan quản lý cứ như vô can trước hàng chục ngàn tỉ ngân sách bị “bốc hơi”?

Một chủ thể khác cũng không hề bị truy cứu trách nhiệm, chính là những người đã xét duyệt, thẩm định và cấp vốn cho dự án. Một cán bộ tín dụng, lãnh đạo ngân hàng phải chạy theo chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận săn lùng tìm kiếm, cạnh tranh để giành khách hàng, giành thị trường, nhưng chỉ cần sai sót gây thiệt hại cho đơn vị vài trăm triệu, vài tỉ đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  Còn ở đây, những người giữ chức trách xét duyệt, thẩm định, cấp vốn lại để cho những dự án rởm được nhận vốn đầu tư, rồi khi có vấn đề, chậm tiến độ lại được cho tăng vốn, lẽ nào vô can không chịu trách nhiệm gì? Đặc biệt là cả 3 nhà máy “đắp chiếu” nổi cộm này và hàng chục dự án thua lỗ khác đều thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương. Liệu lãnh đạo Bộ này phải chịu trách nhiệm đến đâu?

Hàng ngàn cuộc thanh, kiểm tra được triển khai hàng năm, nhưng tìm ra tham nhũng rất hiếm hoi, thậm chí là không tìm thấy, liệu đã “thăm hỏi” đến các dự án nghìn tỉ “bốc hơi, đắp chiếu” này chưa? Nếu không xử nghiêm các nhà máy “đắp chiếu, trùm chăn” này, “căn bệnh” làm tốn tiền ngân sách sẽ càng khó cứu chữa.

Tin cùng chuyên mục

Quang cảnh hội thảo.

AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế

(PLVN) - Chiều 13/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế”.

Đọc thêm

Biến chất thải thành nguyên liệu sản xuất

Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Mối quan hệ giữa quản lý chất thải và nền kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện mạnh mẽ qua quan điểm coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất. Hiện nay đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp thu mua xử lý chất thải để biến thành nguyên liệu đầu vào.

Tổng cục Thuế quán triệt công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Tổng cục Thuế quán triệt công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
(PLVN) -Tổng cục Thuế yêu cầu, cùng với việc quyết tâm thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý nội ngành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trong công tác quản lý thuế để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Ngân hàng “thúc” cập nhật sinh trắc học trước “giờ G”

Các ngân hàng đồng loạt “thúc” khách hàng cập nhật sinh trắc học. (Ảnh: VCB)
(PLVN) - Từ ngày 01/01/2025, các tài khoản ngân hàng chưa đối chiếu, chưa cập nhật sinh trắc học sẽ bị dừng giao dịch trực tuyến. Đây là lý do khiến các ngân hàng đang đồng loạt triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy khách hàng thực hiện cập nhật sinh trắc học.

Xuất khẩu 2025 sẽ gặp nhiều thuận lợi

Xuất nhập khẩu đạt kết quả cao trong năm 2024. (Ảnh: VnEconomy)
(PLVN) -  Trên đà thuận lợi của xuất nhập khẩu 2024, Bộ Công Thương dự tính, xuất khẩu năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đã ổn định trở lại, các thị trường truyền thống phục hồi nhu cầu…

Bộ NN&PTNT: Hỗ trợ tích cực phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường

Bộ NN&PTNT: Hỗ trợ tích cực phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường
(PLVN) - Ngày 10/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cùng bà Aler Grubbs, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và bà Martina Stepheny, Giám đốc cấp cao tổ chức FOUR PAWS International (FPI) đồng chủ trì Diễn đàn cấp cao năm 2024 về Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.

Tận dụng các FTA giúp ngân hàng tăng doanh thu

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).
(PLVN) - Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, cơ hội từ các FTA giúp ngân hàng tăng được số lượng khách hàng, tăng doanh thu. Bởi số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tham gia vào các FTA, nếu họ tận dụng hiệu quả thì đây là nguồn khách hàng tiềm năng cho hệ thống ngân hàng. Như vậy, trước mắt các cán bộ ngân hàng phải hiểu rõ, hiểu sâu để tận dụng, thực thi các FTA.

Cơ bản đã đủ pháp lý để triển khai điện hạt nhân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin về dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Tái khởi động dự án điện hạt nhân đang nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong đó, các chuyên gia về điện cho rằng, phát triển nguồn điện hạt nhân không chỉ giúp đa dạng nguồn cung, mà còn bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh.