Thực tiễn cho thấy ở địa phương nào Ban Chỉ đạo THADS hoạt động tốt thì công tác THADS ở địa phương đó đạt kết quả tích cực, việc thực thi pháp luật được đảm bảo, các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và công dân được bảo vệ, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Ngược lại, nơi nào cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm tới việc kiện toàn, củng cố chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS thì kết quả thi hành án có phần còn hạn chế.
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay vẫn còn một số Ban Chỉ đạo THADS ở cấp quận, huyện chưa thực sự có hiệu quả do nhận thức vai trò của cấp ủy, chính quyền về công tác THADS còn chưa đầy đủ. Một số cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động chưa thường xuyên, thiếu chủ động và quyết liệt, công tác tuyên truyền những quy định pháp luật về THADS chưa sâu rộng.
Nhiều địa phương, cơ quan THADS chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, UBND và Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp cũng như chưa thực sự chủ động trong công tác phối hợp. Ngoài ra, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS chủ yếu được trích từ ngân sách địa phương nên việc chi trả phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng cưỡng chế THADS khi tham gia cưỡng chế THADS cho các thành viên Ban Chỉ đạo THADS gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, để đưa công tác THADS trên địa bàn TP Hà Nội đạt được nhiều kết quả khả quan hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra thì việc tiếp tục kiện toàn hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS các cấp được xem là một trong những giải pháp căn cơ. Theo đó, Ban Chỉ đạo THADS thành phố cần tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 Quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS; Quy chế làm việc và nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo đã được phân công nhằm phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS.
Các thành viên Ban Chỉ đạo THADS cần tập trung bám sát các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên. Trong mối quan hệ phối hợp đó, ngành THADS cần phát huy vai trò là cơ quan thường trực, tích cực chỉ đạo cán bộ, công chức bám sát địa bàn được phân công, thường xuyên nắm tình hình, tham mưu phương án chỉ đạo đối với Ban Chỉ đạo trong giải quyết những vụ việc khó khăn, kéo dài. Đối với các vụ việc phức tạp, cần được thực hiện thận trọng, đúng pháp luật, bảo đảm giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Cùng với đó, TAND các cấp cần đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là những vụ án liên quan tới tài sản kê biên. Lực lượng Công an cần tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, phân công những cán bộ, chiến sỹ có trách nhiệm cao để tham gia các vụ việc cưỡng chế THADS, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác THADS trên địa bàn, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác THADS. Cục THADS thành phố và các Chi cục THADS trực thuộc cần phát huy vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, đề cao tính chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp để đảm bảo Ban Chỉ đạo THADS hoạt động thường xuyên, thực chất và đạt hiệu quả.