Điều đáng nói, kiểm tra bất cứ hàng nào cũng phát hiện rượu pha cồn, rượu không rõ nguồn gốc nhưng việc truy xuất lại gặp nhiều khó khăn. Tính đến ngày 12/3, qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn, Hà Nội đã thu giữ niêm phong hơn 15.500 lít rượu không rõ nguồn gốc, tiêu hủy 140 lít, lấy mẫu xét nghiệm trên 264 mẫu và đã phát hiện 3 mẫu vượt giới hạn cho phép. Tổng số tiền xử phạt gần 400 triệu đồng.
Trong vụ việc 9 sinh viên ngộ độc rượu methanol ở Cầu Giấy, công an đã lần ra được đầu mối của nguồn cung cấp rượu cho một cửa hàng nghi ngờ đã bán rượu cho nhóm sinh viên này. Với mức giá chỉ 7.000 – 8.000 đồng/chai 500ml, đầu mối này đã cung cấp rượu cho nhiều khu vực khác trong TP.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) Hà Nội Trần Ngọc Tụ nhận định, rượu pha cồn đã len lỏi vào nhiều cửa hàng, thậm chí có trong cả các gia đình mà người dân không hay biết. Đã vậy, để trốn tránh kiểm tra, nhiều hộ kinh doanh cố tình cất giấu rượu nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Điển hình như một cơ sở tại quận Nam Từ Liêm đã để hơn 1.000 lít rượu không rõ nguồn gốc “núp bóng” trong kho phế liệu. “Buôn bán rượu giờ không chỉ có ở các cửa hàng được cấp phép kinh doanh, mà ngay tại các cửa hàng tạp hóa, nơi bán gạo, bán vàng mã, hay đến cả cửa hàng… bán hoa cũng bán thêm rượu” - ông Tụ cho biết.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 25 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra hộ nấu rượu thủ công do ông Lại Văn Bằng làm chủ (có địa chỉ tại thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 5 téc inox chứa các loại rượu. Trong đó, rượu trắng 2.200 lít đựng trong 3 téc; nếp cẩm 800 lít đựng trong 1 téc; nếp cái 800 lít đựng trong 1 téc. Cùng với đó, có 19 chai nhựa loại 0,5 lít đựng rượu nếp cái chưa dán nhãn; 1 chai nhựa 1,5 lít rượu trắng chưa dán nhãn; 1 chai nhựa 0,5 lít rượu nếp cái có dán nhãn.
Kiểm tra giấy tờ, ông Bằng có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy khám sức khỏe, nhưng không có giấy phép sản xuất rượu, chưa xuất trình được nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Đội Quản lý thị trường số 25 đã tạm giữ số rượu trên và gửi mẫu về Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia kiểm nghiệm chất lượng của 3 mẫu rượu trên.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho rằng, giải pháp lâu dài quản lý rượu tự nấu là cơ quan quản lý phải nắm được hiện trên địa bàn TP có bao nhiêu cơ sở nấu rượu, pha chế rượu đóng chai để bán. Sau đó, tập trung tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, cơ quan chức năng phải giám sát được những cơ sở cung cấp rượu về Hà Nội từ các địa phương giáp ranh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Để đấu tranh với các loại rượu không đảm bảo vệ sinh ATTP, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã ban hành văn yêu cầu các sở: Y tế, Công Thương, Công an TP phối hợp triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên địa bàn TP; khẩn trương hoàn thiện các văn bản tham mưu các bộ, ngành và UBND TP ban hành quy định về quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm rượu, đồ uống có cồn, đặc biệt là sản phẩm rượu thủ công do người dân tự nấu, chưng cất, pha chế, rượu ngâm các loại… Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và có biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn; kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu nhập lậu, không có nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng dưới mọi hình thức.