Ông Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo về kết quả thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. |
Trao đổi tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội chiều ngày 9/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhấn mạnh: “Mặc dù dự án còn nhiều tồn tại nhưng nhất định sẽ hoàn thành đúng kế hoạch”.
13 ngôi mộ chưa được di dời tại quận Hà Đông
Theo ông Hùng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đầu tư từ nguồn vốn vay của chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 8.770 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).
Dự án có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga; đường sắt đôi, khổ 1,435 m với tốc độ chạy tàu tối đa 80 km/giờ. Thời gian chạy từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) mất gần 24 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ, tương đương 1,02 triệu người/ngày.
Dự án được thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC. Nhà thầu được chỉ định là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đang dần hoàn thiện. |
Thời gian thực hiện ban đầu dự án trong vòng 5 năm (11/2008 – 11/2013). Thế nhưng, mãi đến năm 2011 dự án mới được khởi công. Đồng thời Bộ GTVT điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 339,06 triệu USD so với mức đầu tư ban đầu. Cùng với đó là những khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đặc biệt, việc GPMB của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông gặp khó khi vướng phải 13 ngôi mộ chưa được di dời tại quận Hà Đông (Hà Nội). Dự kiến, việc giải tỏa khu vực này sẽ xong trong tháng 9/2014.
Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2015.
Không có lao động người Trung Quốc làm ở dự án
Tại cuộc họp báo, ông Hùng cho biết, trên công trường xây dựng tuyến đường sắt chỉ có quản lý người Trung Quốc, “toàn bộ lao động và nhà thầu phụ là của Việt Nam” – ông Hùng khẳng định.
Cũng theo ông Hùng, trong tháng 9/2014, 37 người đầu tiên sẽ sang Trung Quốc học lái tàu; hơn 500 người nữa sẽ lần lượt đi học về vận hành, quản lý tuyến đường sắt đô thị này, chi phí đào tạo nằm trong kinh phí của dự án.
Liên quan tới việc tạo liên kết trong đào tạo nhân lực giữa các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội. Ông Hùng nói: “Đáng lẽ Hà Nội phải thành lập một doanh nghiệp đào tạo nhân lực quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt trong tương lai. Tuy nhiên, tuyến đường này hoàn thành trước và khi chưa có công ty thì trước mắt cứ đi đào tạo. Người được đào tạo nhiều nhất lên tới 315 ngày để lái tàu”.