Nghiệp đe búa
Dù đã qua thời kỳ hoàng kim, nhưng hiện nay nghề rèn Yên Đồng (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vẫn được nhiều người biết đến. Trong làng vẫn còn một số người theo nghề rèn. Chính vì thế, đặt chân đến làng Yên Đồng không khó để nghe tiếng búa, đặc trưng của nghề này.
Theo người dân nơi đây, có lẽ thời điểm làng nghề này thịnh nhất là cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó, không khí các lò rèn nhộn nhịp người bán kẻ mua. Đứng bên kia con lạch đã nghe rộn ràng âm thanh tiếng búa đập, tiếng xì xèo “tôi” các loại nông cụ... Khoảng thời gian đó, mỗi lò thường có 3 thợ chính và 1 thợ phụ mới làm kịp chỉ tiêu hợp tác xã nghề rèn đề ra. Sản phẩm của nghề rèn ở Diễn Vạn gồm nhiều loại, trong đó đa phần là các nông cụ sản xuất nông nghiệp như cuốc, vét, xẻng, dao, rựa…Những sản phẩm đó đã góp phần quan trọng làm nên thương hiệu nghề rèn Diễn Vạn.
Đến nay, dù nhiều người đã bỏ nghề rèn để sống bằng công việc khác, nhưng ông Trần Văn Thanh (64 tuổi) vẫn gắn bó với công việc tay quay tay búa này. Tại địa phương, ông Thanh còn được biết đến là người có thâm niên trong nghề. Cũng vì thế mà trong nhà ông luôn rổn rang tiếng búa, tiếng đe.
Dù làng đã qua thời hoàng kim, nhưng hiện vẫn còn một số người bền bỉ với nghề rèn. |
Nghề rèn đến với gia đình ông Thanh theo nghiệp cha truyền con nối. Vì là nghề gia truyền nên các con trai trong nhà được cha mình truyền lại bí quyết. Cứ như thế, trải qua nhiều thế hệ trong gia đình này luôn có người kế nghiệp nghề của cha ông để lại. Những sản phẩm rèn của ông luôn được bà con trong vùng tín nhiệm bởi chất lượng rất tốt.
Ông hồi nhớ lại, từ nhỏ đã được cha mình truyền dạy những bí quyết về nghề. Nhờ sự chịu khó, cần cù, ham học hỏi, ông đã trở thành thợ giỏi có tiếng khi tuổi đời còn trẻ. Những sản phẩm nông cụ khắc tên ông được khách hàng ưu tiên lựa chọn trong các phiên chợ, các mối hàng tìm về nhập hàng đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Mặc cho các sản phẩm được sản xuất từ các nhà máy có mẫu mã đẹp, phong phú trên thị trường, sản phẩm từ nghề rèn thủ công của gia đình ông vẫn giữ được chỗ đứng trong lòng khách hàng trong và ngoài vùng.
Là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề thợ rèn, ngay từ khi mới 12 tuổi, mỗi ngày anh Trần Văn Thắng đã tay quai tay búa theo cha học nghề. Nhờ cần cù học hỏi nên đến năm 19 tuổi anh đã được cha giao quyền quản lý lò rèn của gia đình. Anh luôn ý thức rằng, chính nghề cực nhọc này đã nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình mình. Chính bố anh nhờ nghề rèn đã nuôi anh trưởng thành. Điều đó thôi thúc anh luôn giữ lấy nghề mà ông cố để lại.
Ngày này, dù đã có thêm một số thiết bị phụ trợ như máy thổi, máy tiện, máy mày...nên nghề rèn cũng đỡ vất vả hơn. Tuy vậy, không ít người đã bỏ nghề truyền thống để theo nghề khác mưu sinh. Riêng với bản thân anh vẫn quyết tâm theo đuổi nghề cha ông để lại. Nhờ chăm chỉ, nghề rèn đã cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng từ 7 - 10 triệu đồng
Bền bỉ giữ nghề cha ông
Anh Thắng tâm sự, nghề thợ rèn vất vả vì tốn nhiều công sức, vất vả. Để làm ra được những sản phẩm chất lượng, người thợ thủ công phải thuần thục tất cả các công đoạn kỹ thuật, phải có kinh nghiệm để điều chỉnh nhiệt độ lò, đoán biết được độ già, non của thép…Đó là một quá trình làm và học hỏi nghề.
Ngoài ra, người thợ phải có sức khỏe bền bỉ. Cực nhất là vào mùa nóng, khi nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ thì những người thợ vẫn làm việc bên bếp lửa nóng hực. Do đó, đòi hỏi người thợ phải chịu khó. Vất vả là vậy, nhưng những người thợ rèn nơi đây vẫn ngồi bên lò lửa rát da, rát thịt với công việc nặng nhọc. “Không thật sự yêu nghề thì không làm nổi nghề này”, ông Thanh nói.
Gần cả cuộc đời mình gắn bó với những thanh sắt, bên lò rửa rực đỏ, điều ông Thanh tự hào nhất là những sản phẩm của ông luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, không ít người dân khác làng đã tìm tận đến cơ sở của ông để lựa chọn những món đồ ưng ý.
Cũng có khi, họ mang theo chiếc cuốc, con dao…cũ đến để gia công, mài sắc lại. Thậm chí trong thời kỳ máy móc phát triển, nhưng khách hàng ở nhiều địa phương xa xôi vẫn tìm đến ông khi muốn làm dao, liềm, đinh, ốc, mũi khoan,... Sự tín nhiệm của khách hàng là niềm động viên để những người thợ như ông làm nghề.
Chia sẻ về bí quyết giữ nghề và giữ khách của mình, ông Thanh nói, muốn giữ được nghề thì phải uy tín, muốn uy tín thì mình làm phải chất lượng đảm bảo cho khách. Khi người ta mua dùng thấy đúng lời mình cam kết ban đầu thì họ sẽ quay lại. Đó là bí quyết làm việc của tôi.
Hiện nay ở làng Yên Đồng chỉ còn gần chục hộ làm nghề rèn, sản phẩm làm ra thì nhiều nhưng chủ yếu là các loại nông cụ như: cuốc, vét, xẻng, dao, rựa… Để giữ uy tín với khách và tạo thương hiệu riêng cho mình, trên mỗi sản phẩm của đều được khắc tên riêng của người làm ra nó.
Người dân nơi đây xem như một loại phiếu bảo hành để khi sản phẩm bị hư hỏng hoặc không đạt yêu cầu, người thợ dựa vào đó để đổi, sửa cho khách hàng. Chính vì vậy, hiện nay trên thị trường có nhiều công cụ bằng sắt được sản xuất từ các nhà máy có mẫu mã đẹp, nhưng sản phẩm từ làng nghề rèn của làng Yên Đồng xã Diễn Vạn vẫn được khách hàng lựa chọn.
Ông Hoàng Thiên Long – Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu cho biết, nghề rèn ở làng Yên Đồng có hàng trăm tuổi. Đây là nghề nuôi sống nhiều gia đình. Ngày nay khi khoa học càng phát triển thì nghề thợ rèn trở thành nghề cổ và có nguy cơ mai một. Trước thực trạng trên, chính quyền luôn khuyến khích những hộ gia đình duy trì và nhân rộng nghề. Đây không chỉ là nghề đem lại thu nhập khá mà còn là nét văn đẹp của làng quê.
Và cho dù đây là công việc vất vả, lấm lem nhưng những hoài niệm về một nghề cổ cha truyền con nối vẫn luôn được người dân làng Yên Đồng lưu giữ. Nhờ vậy tuy không phát triển mạnh như trước đây, nhưng nghề rèn ở làng Yên Đồng vẫn mãi bền bỉ với thời gian.