Liên kết để cùng bám biển…
Cuối tháng 8, ông Trần Tường ở phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa tạm dừng những chuyến xa khơi để đưa chiếc tàu cá 10 năm tuổi vào ụ tàu của ông Lương Chàng nơi cửa Đà Diễn đại tu lần thứ 3. Chủ tàu Trần Tường dự kiến chi phí cho lần duy tu, bảo dưỡng vỏ tàu lần này phải tiêu tốn gần 500 triệu đồng. Ông Trần Tường cho hay, nhân lần bảo dưỡng lần này ông nâng phần vỏ tàu từ 14,5m chiều dài lên 16,6m và từ 4,6m chiều ngang thành 5m. Do số tiền tích lũy được qua bao mùa cá không đủ để nâng cấp tàu lần này, ông đành phải cầm “giấy khai sinh” con tàu vay ngân hàng được 200 triệu đồng.
Đưa tàu vào bờ bảo dưỡng, ông Trần Tường chí ít phải mất hai chuyến đi biển (mỗi chuyến từ 20 đến 40 ngày) và chi phí khá lớn cho việc bảo dưỡng tàu. Tuy nhiên, nay đã vào tháng biển động, lượng cá ngừ đại dương không phải tàu nào ra khơi cũng đạt được sản lượng đánh bắt theo mong muốn. Nhiều chủ tàu ra khơi mùa này đôi lúc còn bị lỗ tiền dầu, tiền chi phí cho cả chuyến đi. Dù vậy, ông Tường cũng khát vọng sớm đưa tàu ra khơi sau khi cập bờ chờ bảo dưỡng. “Vào độ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, các tàu cá lớn tranh thủ mùa biển động đưa tàu vào bãi ông Lương Chàng tu sửa, bảo dưỡng. Tàu càng được bảo dưỡng tốt thì tuổi thọ vỏ tàu càng cao”- ông Tường nói.
Quy trình đại tu một chiếc tàu từ 420 đến 500 mã lực phải mất vài tháng vì các lý do như chạy tìm nguồn tài chính, lượng tàu vào ụ nhiều nên phải nằm chờ đến lượt và tìm nguồn thợ duy tu… Quá trình bám biển của ngư dân có phần đóng góp của những người thợ duy tu, bảo dưỡng tàu. Không có biển, không có tàu thì không có người thợ làm nghề này. Đó chính là mắt xích liên kết giữa những nghề này, nghề kia với nhau để cùng bám biển.
Nụ cười trong lao động của thợ kéo tàu Phạm Thu |
Bao năm nay, cửa biển phía Nam Đà Diễn tụ tập rất đông tàu thuyền vào bãi ông Lương Chàng duy tu, bảo dưỡng. Ông Lương Chàng chủ bãi cho biết, bãi của ông chỉ dành cho tàu từ 250 mã lực trở lên vào đăng ký sửa chữa, bảo dưỡng. Số lượng tàu dưới 250 mã lực thì chọn các bãi khác trong khu vực TP.Tuy Hòa bảo dưỡng. Tiền công kéo tàu lên và xuống từ 2 đến 3 triệu đồng/chiếc. Số tiền đó phân chia như sau: phần chủ bãi một nửa, nửa còn lại là của những người bỏ sức ra kéo tàu lên bờ, xây ụ do tiền thuế thuê bãi phải nộp 6 tháng/năm. Trong khi đó, tàu tập trung vào ụ duy tu rộ chỉ trong vòng 3 tháng nên tiền công của các chủ bãi chẳng được mấy đồng.
Nhọc nhằn chồng chất
Trong mớ âm thanh hỗn độn nơi bãi bảo dưỡng tàu, ông Lương Chàng tiếp tục than vãn về nguồn thu nhập mấy năm gần đây của ông bị ảnh hưởng khá nhiều vì nghề đánh cá ngừ đại dương bị thất bát. Thời trai tráng, ông Lương Chàng làm nghề đi bạn (làm công cho chủ tàu), do nguồn thu nhập được chủ tàu chia cho người đi bạn ngày càng teo tóp, ông bỏ nghề đi bạn ra cửa Đà Diễn thuê đất mở bãi bảo dưỡng tàu.
Để làm ông chủ, ông Lương Chàng cần số tiền chừng 300 triệu đồng để trang bị dây cáp, trục đội, mô tơ kéo… làm công cụ hỗ trợ cho sức người. Ông cho biết, ngày trước người ta dùng tay quay và dùng sức người để đẩy, kéo tàu. Nay nhờ máy móc hỗ trợ nên việc kéo một con tàu nặng hàng chục tấn lên bờ chỉ mất một buổi và hơn chục người thợ.
Thợ mộc Lê Dũng kỹ càng từng li đánh dấu nơi cần sửa chữa. |
Tàu được đưa vào ụ sửa chữa thì cánh thợ kéo tàu hết việc. Cánh thợ mộc, thợ hàn, thợ sơn bắt đầu công việc được thuê với thu nhập từ 300 đến 350 ngàn đồng/ngày. Muốn trở thành người thợ mộc giỏi, kinh nghiệm phải mất hơn 10 năm học nghề, phụ nghề tại các ụ đóng và bảo dưỡng tàu. Còn các công việc khác như hàn, sơn, đóng sảm thì học nghề chưa tới một năm. Thợ mộc Lê Dũng (ở khu phố 3, phường Phú Thanh, TP.Tuy Hòa) với gần 30 năm làm nghề cho biết, người thợ mộc bảo dưỡng tàu là người thợ đóng tàu có tay nghề. Họ được nhóm thợ bảo dưỡng tàu gọi là thợ cả nên tiền công của họ cao hơn và chỉ đạo các thợ khác làm việc theo ý mình.
Bần cùng nhất của công việc bảo dưỡng tàu là những người kéo tàu lên bờ. Nghề này cần sức là chính nên tiền công của họ rất thấp, chỉ vài chục ngàn đồng tiền công khi kéo một chiếc tàu lên bờ. Tuy vậy, họ phải ngụp lặn dưới nước để kê, chêm các bánh trục, móc cáp. Tàu vào bãi cát thì vừa hì hục đẩy, kéo, đào cát kê chêm các bánh trục để đưa tàu vào ụ đúng vị trí.
Công việc của những người thợ bảo dưỡng tàu nơi cửa biển Đà Diễn. |
Thợ kéo tàu Phạm Thu cho hay, hết mùa bảo dưỡng tàu, ông phải tìm công việc phụ hồ hoặc ra các cảng cá bốc vác hàng. Công việc của người kéo tàu có khi một hoặc hai giờ sáng phải thức dậy ra ụ làm việc vì phụ thuộc vào triều cường trong ngày, trong tháng. “Trung bình ngày công của tụi tui chỉ được 100 ngàn đồng. Ngày nào kéo được nhiều tàu vào ụ thì tụi tui mới được tiền công đạt con số 300 ngàn đồng. Để có số tiền đó, tụi tui phải vật lộn với sóng biển, cát lún đưa con tàu hàng chục tấn vào bờ, vào ụ liên tục”- ông Thu nói.
Bãi cát Đà Diễn phơi mình giữa nắng biển đầy gió, những người thợ bảo dưỡng tàu cứ hì hục đục, cưa, cắt và giáng những nhát búa mạnh vào thân tàu. Hết mùa biển động thì họ thất nghiệp hoặc đi tìm công việc khác tại các xưởng đóng mới tàu, bảo dưỡng tàu nhỏ. Vì công việc gấp rút, bận rộn mùa biển động để con tàu sớm rời ụ ra khơi xa, những người bảo dưỡng tàu không có nhiều thời gian tâm tình với khách về chuyện nhà, chuyện nghề, chuyện biển. Họ chỉ có nụ cười hiền hòa trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi và mái tóc bù xù vì nắng và gió biển.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu