Đúng 20h30 ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm, hàng loạt bóng đèn từ khắp các con phố trên thế giới sẽ đồng loạt tắt để hưởng ứng Giờ Trái Đất. Đây là sự kiện được khởi xướng từ Andy Ridley - Giám đốc Truyền thông của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Ý nghĩa thực sự của sự kiện không những kêu gọi người dân tắt đèn trong một giờ đồng hồ, mà còn nâng cao ý thức, tạo thói quen trong việc sử dụng điện một cách hợp lý.
Thông qua Giờ Trái Đất, nhiều đơn vị sự kiện cũng kêu gọi mọi người nhìn lại về thực trạng môi trường trong năm và có những hành động thiết thực để bảo vệ nó. Nhưng trong suốt 7 năm diễn ra, Giờ Trái Đất đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì hành động đốt nến thắp sáng khi tắt điện. Một số ý kiến cho rằng, tắt điện thắp nến là tiết kiệm điện. Đối với môi trường, thắp nến chỉ có ảnh hưởng một phần nhỏ, khó có thể so sánh được với một giờ các nhà máy công nghiệp thải ra khí thải phục vụ trong quá trình sản xuất.
Mục đích là vậy nhưng thực tế diễn ra lại hủy hoại môi trường nhiều hơn. Phần lớn thời gian khi Trái Đất “tắt đèn”, người dân chuyển sang sử dụng nến và tranh thủ chụp ảnh. Đáng tiếc, nến là một trong số những nguồn trực tiếp phát thải khí CO2 nhiều hơn điện gấp 100 lần.
Theo thống kê, nếu tính trung bình, cứ 1 triệu cây nến được đốt trong Giờ Trái Đất đã vô tình thải ra tới 1.307 tấn khí CO2 ra môi trường. Và hơn 1,3 tỷ cây nến đã được thắp vào Giờ Trái Đất những năm qua. Số lượng khí thải từ 1,3 tỷ cây nến này cao hơn việc khai thác điện để thắp sáng toàn bộ bóng đèn trên toàn thế giới trong vòng nhiều giờ.
Giờ Trái Đất – phải chăng chỉ là 1 giờ tắt đèn?
Liệu Giờ Trái Đất có thực sự góp phần tiết kiệm năng lượng khi người dân chỉ… theo trào lưu tắt đèn trong một giờ. Sau đó lại hoàn toàn lãng quên ý nghĩa của việc tiết kiệm điện trong 23 giờ còn lại của ngày cũng như trong 8.759 giờ còn lại của năm?
Dĩ nhiên là Giờ Trái Đất không nhằm kêu gọi mọi người tiết kiệm điện trong một giờ. Bởi lượng năng lượng tiết kiệm chẳng “ăn thua” gì để bảo vệ môi trường. Nhưng Ban tổ chức vẫn muốn nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Đây là một dịp tốt để nhìn lại sự biến đổi khí hậu và những hậu quả mà con người đã gây ra cho thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng chỉ là một phần chiến dịch trong đó.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là sau khi Giờ Trái Đất qua đi, đa số chúng ta đều không thay đổi thói quen tiết kiệm điện trong 364 ngày còn lại. Họa chăng chỉ là một con số rất nhỏ mà chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Mặt khác, Giờ Trái Đất khuyến cáo “tắt những thiết bị điện không cần thiết trong một giờ”. Tuy nhiên, những thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt, điện thoại… mới là những đồ dùng tiêu tốn nhiều điện năng nhất nhưng lại không được cắt bỏ. Mạng xã hội thì được truy cập cao gấp nhiều lần ngày thường. Bên cạnh đó, hàng nghìn người muốn tận hưởng không gian “kì lạ” của sự kiện này đã đổ ra đường, tới các địa điểm tổ chức bằng phương tiện cơ giới.
Điện có thể được tiết kiệm nhưng hóa ra ô nhiễm môi trường lại tăng gấp mười lần. Chưa kể, lượng rác xả ra nhiều hơn. Ghi nhận tại thời điểm Giờ Trái Đất, lực lượng lao công tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn đã phải tăng ca đến 1 giờ đêm để thu gom rác thải của sự kiện. Điều này có lẽ không đúng với thông điệp thực sự của Giờ Trái Đất là tiết kiệm năng lượng…
Dẫu còn nhiều vấn đề phải tiếp thu, song Giờ Trái Đất vẫn là một sự kiện mang tính nhân văn và được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng. Điều quan trọng là Việt Nam sẽ sử dụng Giờ Trái Đất để tuyên truyền như thế nào cho mọi người hiểu rõ thông điệp: Tiết kiệm năng lượng là một trong những cách hiệu quả nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu!
Theo Giáo sư Bjorn Lomborg, tác giả của cuốn sách “How much have global problems cost the word” đã viết một bài báo về Giờ Trái Đất trên trang Project Syndicate. Ông tính toán rằng, tắt đèn trong một giờ sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 từ các nhà máy điện trên toàn thế giới. Khi tất cả mọi người tắt đèn ở các khu dân cư, lượng năng lượng này tương đương với việc Trung Quốc tạm dừng thải khí CO2 trong ít hơn 4 phút. Nhưng trên thực tế, Giờ Trái Đất lại thải ra lượng khí cao hơn thế. Do đó, Giáo sư Lomborg đã đưa ra những dẫn chứng để phản đối việc tắt đèn thắp nến.