Bé gái dậy thì sớm nhiều gấp 20 lần bé trai
Đến Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền vào chiều 4/6, tôi tình cờ gặp một bà mẹ còn rất trẻ đưa cô con gái khoảng 6 tuổi đến khám bệnh. Chị nghẹn ngào kể chị rất lo sợ khi nhận ra con gái có những biểu hiện của tuổi dậy thì: Tuyến vú phát triển, mọc lông mu và có kinh nguyệt. Vì thế, bà mẹ trẻ vội tức tốc đưa con đến gặp bác sĩ.
Đây chỉ là một trong hàng trăm cháu gái mắc bệnh dậy thì sớm mà BV Nhi Trung ương phát hiện và điều trị mỗi năm. Có gia đình 2 cô con gái nhỏ đều mắc. Việc dậy thì sớm khiến trẻ gặp nhiều khó khăn khi đến trường với sự khác biệt về cơ thể, vệ sinh cá nhân khi đến kỳ kinh nguyệt vv…
Riêng năm 2019, đã có 365 cháu được chẩn đoán mắc dậy thì sớm ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số cháu đến khám giảm đi, nhưng cũng đã có 107 cháu được phát hiện.
Theo TS. Bùi Phương Thảo, chưa có nghiên cứu cộng đồng về tỉ lệ bệnh dậy thì sớm, song số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc dậy thì sớm đều tăng ở cả trên thế giới lẫn ở Bệnh viện Nhi. Trước đây, mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp dậy thì sớm, thì bây giờ con số ấy đã tăng hơn nhiều. Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương đang quản lý hơn 1.000 bé dậy thì sớm và đã điều trị ức chế dậy thì cho hơn 500 cháu.
Báo động tình trạng trẻ em dậy thì sớm |
Cũng theo TS. Bùi Phương Thảo, tỷ lệ trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam, gấp 20 lần. Tuy nhiên, ở trẻ nam dậy thì sớm có tỷ lệ mắc các bệnh về não rất lớn.
“90-95% dậy thì sớm trung ương ở nữ được xác định là vô căn, chỉ 5-10% có bất thường ở não, u não, dị tật não. Ở trẻ trai, chiếm tới 40-50% có u não, bất thường não, dị tật não. Vì thế, chúng tôi chỉ định chụp MRI tất cả trẻ trai để chẩn đoán”- BS. Thảo cho biết.
Trong một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở gần 500 bệnh nhi dậy thì sớm được khám và điều trị, đã cho thấy: Hà Nội có số bệnh nhân nhiều nhất với 291 cháu, tiếp đó là Hải Phòng với 29 cháu, Hải Dương đứng thứ ba với 17 cháu, lần lượt tiếp theo là Bắc Ninh (16 cháu), Hưng Yên (15 cháu), Quảng Ninh (10 cháu) và các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thái Bình đều có 9 cháu…
Như vậy, bệnh dậy thì sớm ở trẻ không phân biệt vùng miền, thành thị hay nông thôn.
Trẻ là con nuôi và trẻ béo phì mắc dậy thì sớm nhiều hơn
BS. Bùi Phương Thảo cho biết dậy thì sớm ở trẻ em có hai loại: Dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Dậy thì sớm ngoại biên tự tiết ra không phải ở não, không bất thường buồng trứng hay u nang buồng trứng, mà do di truyền gây tiết hooc-môn sinh dục. Còn dậy thì sớm trung ương có sự bất thường trong não, như khối u gây kích thích tuyến sinh dục.
Cách nhận biết trẻ dậy thì sớm là bé gái trước 8 tuổi có tuyến vú phát triển, mọc lông mu, có kinh nguyệt sớm, còn bé trai trước 9 tuổi đã có cơ bắp, mọc ria mép, giọng ồm, dương vật to, mọc lông mu…
Hiện nay, tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm chỉ khoảng vài tháng tuổi. Ở dậy thì sớm trung ương, bệnh viện cũng từng điều trị cho nhiều bệnh nhi nữ 3-4 tuổi có khối bất thường trong não dẫn đến có kinh nguyệt từ nhỏ.
TS. Thảo cho biết thêm thêm về hiện tượng “trẻ con hóa dậy thì” khi tuổi được chẩn đoán sớm hơn trước. Nếu năm 1890 tuổi trung bình có kinh nguyệt là 15-16 tuổi, nay thì trung bình là 11-12 tuổi.
TS. Bùi Phương Thảo cho hay có một thực tế là trẻ càng béo thì càng nguy cơ dậy thì sớm và trẻ tiếp xúc với những chất làm thay đổi hooc-môn có thể tác động đến vấn đề này. Đặc biệt, những đứa trẻ được nhận làm con nuôi cũng dậy thì sớm nhiều hơn, dù không rõ nguyên nhân.
Dậy thì sớm có thể điều trị được
Để chẩn đoán dậy thì sớm không quá khó khăn, nhưng nên được các bác sĩ chuyên ngành đánh giá bằng phương pháp đo tuổi xương; siêu âm tử cung, buồng trứng, khối thượng thận xem có gì bất thường không; chụp cộng hường từ não và xét nghiệm sinh hóa vv…
Còn về việc điều trị cho trẻ dậy thì sớm, TS. Bùi Phương Thảo cho biết: Với trẻ dậy thì sớm ngoại biên được xác định do u buồng trứng, u vỏ tuyến thượng thận, thì phải can thiệp bằng các biện pháp đặc biệt. Nếu trẻ bị bệnh do di truyền làm tăng hooc-mon sinh dục như bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh khi được điều trị bằng hooc-mon thay thế, đặc tính dậy thì sớm sẽ đỡ hơn.
Bình thường, tuổi xương và tuổi thực của mỗi người là bằng nhau, nhưng với trẻ dậy thì sớm thì tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực. Vì thế, những trẻ dậy thì sớm sẽ ngừng phát triển sớm hơn so với các bạn khá, mãn kinh sớm hơn những người đồng lứa. Trẻ dậy thì sớm trung ương khi trưởng thành sẽ có chiều cao thấp hơn các bạn khác, ở nữ là 12 cm và ở nam khoảng 20 cm.
“Nếu trẻ gái nhỏ hơn 6 tuổi bị dậy thì sớm trung ương và được điều trị ức chế dậy thì đến 10 tuổi, thì chiều cao trưởng thành cải thiện 8 đến 10cm. Thay vì cao 150 cm khi trưởng thành, trẻ gái dậy thì sớm trung ương được điều trị sẽ có chiều cao 158 đến 160 cm. Nếu qua mốc 6-8 tuổi mới điều trị thì trẻ chỉ cải thiện 2-3 cm hoặc có trẻ không cải thiện cm nào”- BS Thảo nói.
TS. Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung Ương |
Việc điều trị trẻ dậy thì sớm trung ương bằng thuốc chất GnRH đồng vận giúp ngăn chặn tuyến yên không tiết ra nhiều chất gonadotpopin. Thuốc này Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị từ 2 thập kỷ nay. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 70-80% số trẻ dậy thì sớm được phát hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương được điều trị.
Các bác sĩ đều khuyên với trẻ dậy thì sớm trước 6 tuổi nên điều trị vì thuốc có tác dụng tốt. Với trẻ 6-8 tuổi, bác sĩ sẽ phân tích với gia đình về lợi ích của thuốc, những vấn đề sẽ gặp phải như chi phí tiền bạc, thời gian, tác dụng phụ… và việc quyết định có điều trị hay không phụ thuộc vào gia đình. Với trẻ trai dưới 9 tuổi, nếu không có bệnh lý thì bác sĩ cũng cân nhắc việc điều trị.
Hiện nay, bệnh nhân điều trị ức chế dậy sẽ được tiêm liên tục đến năm 10 tuổi hoặc đến khi có tuổi xương 11-12 tuổi, với liệu trình 28 ngày/một mũi tiêm (khoảng 3 triệu/mũi tiêm). Thuốc được bảo hiểm y tế chi trả với trẻ dậy thì sớm trung ương. Nhiều bệnh nhi được phát hiện dậy thì sớm lúc 6 tuổi (do tuổi xương của trẻ chênh tới ba năm, ở mốc 9 tuổi) và gia đình đã kiên trì điều trị cho trẻ đến năm 10 tuổi thì đến nay, ở mốc 16 tuổi, trẻ cũng phát triển tốt, cao 1m60.
TS. Bùi Phương Thảo cho biết hiện nay, một số địa phương đã đủ năng lực chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm ở trẻ. Một số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán tại Bệnh viện Nhi Trung ương được chuyển về tuyến dưới để điều trị, các bác sĩ tuyến trên chỉ đánh giá khi kết thúc quá trình điều trị.
Điều đáng nói là, những trẻ dậy thì sớm khi được điều trị đều có tác dụng rõ ràng trong việc làm chậm quá trình dậy thì, giúp cải thiện chiều cao của trẻ từ 8-10 cm và khi những trẻ này lớn lên vẫn có khả năng sinh con như những phụ nữ bình thường, chứng tỏ không có tác dụng phụ của thuốc điều trị với buồng trứng.