Đọc dòng thông tin này tôi nghĩ ngay đến điều mà tôi hằng nghe mỗi sáng thứ hai. Nhà cạnh một ngôi trường, hàng ngày tiếng loa từ ngôi trường vọng sang đều rõ mồn một. Nội dung được nhắc lại nhiều lần nhất vào các ngày trong tuần là nhắc các đội sao đỏ hoàn thành việc chấm điểm thi đua các lớp, trừ điểm các học sinh vi phạm.
Còn buổi sáng thứ hai sẽ là buổi tổng kết thành tích xếp hạng của từng lớp. Lớp 1A1 xếp thứ 25, lớp 3A4 xếp thứ 7, lớp 5A3 xếp thứ 11… Sau mỗi lần xướng lên của cô giáo phụ trách giờ sinh hoạt là tiếng ồ lên vui mừng của lớp xếp hạng cao và cả tiếng xì xào của các lớp xếp hạng thấp.
Có con học trường này và nhiều lần nán lại trường vào giờ xếp hàng đầu tuần mới thấy, càng lớp lớn thì tâm lý ganh đua vui mừng của các em càng cao hơn, càng chú ý nghe xếp hạng của lớp mình hơn; còn với học sinh lớp 1, cô đọc thứ hạng cao hay thấp không quan trọng vì chúng còn đang mải ngắm trời đất, ngắm trường, ngắm cờ, ngắm cô giáo… hoặc nói chuyện, đùa nghịch nhau.
Từ hình ảnh này tôi nhận thấy dường như sự ganh đua đã ngấm vào từng học sinh theo thời gian, để từ một đứa trẻ thơ ngây chúng trở thành con người mắc chứng bệnh thành tích lúc nào không biết.
Cũng nhân đây nói chuyện sao đỏ - nhân tố chính để có nên các bảng xếp hạng lớp hàng tuần. “Giáo viên sợ sao đỏ” – đang là thực tế diễn ra tại tất cả các trường học hiện nay. Xếp hàng vào lớp chậm trừ 3 điểm, xếp hàng nhốn nháo trừ 5 điểm, đi học muộn trừ 1 điểm/học sinh, mất trật tự trừ 1 điểm/học sinh, đeo khăn quàng đỏ không đúng quy định trừ 0,5 điểm, lớp bẩn, còn rác trừ 2 điểm, xuống sân giữa giờ chậm trừ 5 điểm... Đó là “ba-rem” điểm dài ngót nghét hai trang giấy A4 của những học sinh làm nhiệm vụ sao đỏ tại nhiều trường và cũng là nỗi ám ảnh của nhiều giáo viên.
Một giáo viên tiểu học có gần 25 năm đứng lớp từng than thở: “Trong trường mình là giáo viên cứng tuổi rồi thế mà đôi khi cũng phải chịu thua một học sinh lớp 5 vì em ấy là sao đỏ. Là trẻ con đứa nào chả hiếu động, mình thấy lớp bị trừ nhiều điểm quá, từ chuyện xếp hàng không thẳng cho tới đeo khăn đỏ không ngay ngắn...
Mình có ý kiến với sao đỏ thì nhận ngay câu trả lời lễ phép nhưng rất thẳng thừng: “Em làm thế vì thành tích của lớp, của trường cô ạ”. Mình nghĩ trẻ con hiếu thắng và thích bắt chước, những “quyền” mà các em có được vô hình trung tạo cho những đứa trẻ hồn nhiên ý thức sử dụng uy quyền của mình.
Ngược lại mình cũng biết các em cũng phải chịu áp lực nếu công việc của mình vô tình gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn học, của giáo viên. Trẻ con như tờ giấy trắng, vậy mà công việc sao đỏ hiện nay đang đánh mất sự vô tư trên ghế nhà trường của trẻ nhỏ”.
Nghe lời than thở trên lại nhớ đến câu chuyện mà Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia kể: “Có phụ huynh đã từng than thở với tôi thấy con lợi dụng công việc này ép các bạn phải làm theo mình, nếu không sẽ ghi tội vào sổ, quát nạt...
Sợ con nhiễm thói quen háo danh, sợ con hư, phụ huynh phải xin giáo viên cho con thôi chức sao đỏ sớm”. Chuyện xếp hạng, thi đua ở trường liệu như thế có quá nặng nề không? Trong khi đây phải là môi trường truyền thụ kiến thức và lòng yêu thương, nhân ái. Và nếu như thế mỗi ngày đến trường của các em có thực là một ngày vui?