Chuyện buồn… “tham nhũng tương lai”

Mùa thi, mùa âu lo… (Ảnh minh họa)
Mùa thi, mùa âu lo… (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Tuần qua, dư luận tiếp tục dậy sóng khi những kết quả điều tra mới được công bố: mỗi thí sinh được nâng điểm từ trượt thành đỗ vào trường theo nguyện vọng, cha mẹ mỗi thí sinh Sơn La phải chi 1 tỷ đồng, bằng tổng tiền lương 20 năm của một kỹ sư mới ra trường. Nếu ai đó nói vấn đề lớn nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay là chất lượng thì biểu hiện cụ thể là sự không trung thực của sản phẩm giáo dục, do những hoạt động giáo dục chưa thượng tôn pháp luật…

1 tỷ, từ trượt… thành thủ khoa

Gần 1 năm sau khi gian lận thi cử bị phanh phui với nhiều cán bộ dưới quyền bị đề nghị khởi tố, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La chẳng những không một lời xin lỗi mà còn nói rằng thông tin nói mình nhờ vả chạy điểm là “bố láo, bố lếu” khi có báo hỏi. Và trong “tâm bão”, khi ông này đang rục rịch… về hưu thì có giấy triệu tập của cơ quan điều tra…

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, chưa nói đến sai phạm của ông Giám đốc Sở, nhưng ở cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh, ông Hoàng Tiến Đức cần có lời giải thích hoặc xin lỗi với người dân. Theo đó, Sơn La là một trong ba địa phương “dính chàm” gian lận thi cử năm 2018.

Theo Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm. Trong danh sách 44 thí sinh, có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành GD-ĐT tỉnh này.

Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra giai đoạn 1 vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ việc gian lận thi THPT quốc gia năm 2018.

Báo Tuổi Trẻ công bố những thông tin “tày trời”: Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La đã gọi Phó Giám đốc đến phòng làm việc của mình, đưa 2 tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo “đặt hàng”. Kết quả điều tra cho thấy 5 người của ngành giáo dục nhận giúp 44 thí sinh, 2 người của ngành công an nhận giúp 3 thí sinh. Có bị can khai chi phí giúp mỗi trường hợp vào được đại học là 1 tỉ đồng. Nhiều người đã choáng váng với con số sững sờ này.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Giám đốc ĐH quốc gia TPHCM đã phải thốt lên “kinh hãi”. Ông Nghĩa cho rằng điều đáng buồn hơn là những liên minh ma quỷ đó lại đội lốt nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục để kiếm tiền quá dễ dàng từ quyền lực trong tay.

Còn nhà báo Hoàng Nguyên Vũ thì gọi tên bản chất sự việc là “tham nhũng tương lai”: “Có người nói 1 tỷ có thể cho các cậu ấm, cô chiêu này du học ngon lành. Nhưng mấy ai hiểu, chúng cần thủ khoa để sau này về làm cán bộ... “Tham nhũng tương lai” là thứ tham nhũng đáng sợ nhất!”.

Đồng quan điểm, chị Hồ Thị Hải Âu, một bà mẹ Việt “dạy con sánh bước toàn cầu” bày tỏ: “Tôi đã hiểu vì sao biết bao người trẻ là nhân tài đất nước, đã chọn con đường “chảy máu chất xám”, dù họ tha thiết gắn bó với gia đình! Tôi đã hiểu vì sao bao năm nay thị trường mua bán bằng cấp sôi động đến thế!

Vô số kẻ sở hữu nhiều bằng cấp nghe rất kinh, liệt kê tràn cả trang A4 cũng chưa hết, nhưng thực chất là rỗng tuếch…”. Một vị PGS chuyên ngành ở một ĐH danh tiếng cũng chia sẻ: “Đi dạy giờ mình thấy mệt mỏi quá, tụi sinh viên thờ ơ, vô cảm. Hỏi  các bạn quan tâm gì, muốn hỏi gì cứ hỏi mà không có ai lên tiếng… Bởi chất lượng đầu vào của họ thật là… quá thấp!...”.

Cần lắm những bài học từ lòng mẹ

Liên quan đến những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra tại nhiều địa phương, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đã có những phân tích cụ thể đánh giá nguyên nhân và đưa ra định hướng để kỳ thi THPT 2019 tới đây đảm bảo an toàn, khách quan và chính xác.

Trước câu hỏi của báo chí về việc bị can khai mỗi trường hợp nâng điểm, sửa điểm có “giá” 1 tỷ đồng, ĐBQH Phạm Tất Thắng nêu quan điểm: “Việc dùng quan hệ, tiền bạc để làm sai lệch, thay đổi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia là không được phép diễn ra. Phải đảm bảo được niềm tin của dư luận xã hội, của người dân đối với sự công bằng, chính xác, khách quan của kỳ thi này”.

Mặc dù Bộ GD-ĐT khẳng định, kì thi năm nay sẽ khắc phục những yếu điểm của kì thi năm trước, hạn chế thấp nhất gian lận thi cử. Song nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng, dư âm của những sai phạm động trời năm 2018 vẫn là nỗi ám ảnh với những người dân tử tế, muốn có một kỳ thi trong sạch công bằng, ám ảnh những thí sinh trung thực, chăm chỉ học hành, muốn đạt được kết quả thi theo đúng năng lực của mình.

Thế nhưng, nguyện vọng này của họ có thành hiện thực hay không lại phải trông chờ vào những người điều hành kỳ thi. Vẫn “rượu cũ, bình mới”, khó có thể nói trước được những gì sẽ xảy ra trong kỳ thi năm nay.

Dù có thể tại Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình, những địa phương đã tạo ra cơn chấn động về sự gian trá trong khâu chấm thi năm 2018 sẽ không thể lập lại kỳ tích họ đã làm trong kỳ thi năm nay. Thế nhưng, tại 60 tỉnh, thành còn lại, ai dám chắc rằng kỳ thi năm nay sẽ được điều hành một cách nghiêm túc, công bằng cả hai khâu trông và chấm thi? 

Sâu xa hơn, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra, xuyên suốt cơ thể giáo dục từ hơn hai thập kỷ trở lại đây đã bị một thứ virus tàn phá và làm băng hoại lòng tin của xã hội vào giáo dục. Đành rằng, việc gian lận thi cử xã hội nào cũng có, thể chế nào cũng có... Nhưng nhiều năm qua,  gian lận từ việc thi kiểm tra đánh giá trên lớp học đến thi tốt nghiệp ở THPT.

Gian lận diễn ra cả trong việc thi tuyển công chức, viên chức... Ngay cả những lớp bồi dưỡng các kiểu người ta cũng trình diễn khả năng  gian lận. Những nơi gồm cả những vị trí thức đáng kính, “mũ cao áo dài” của các hội đồng chức danh GS, PGS... cũng ăn gian công trình hoặc đạo văn... Sự trung thực trong mỗi con người không thể dạy bảo được và càng không thể đo được mức độ trung thực trong giáo dục cho đến khi mà sự gian dối hiện ra…

Khi mà cả xã hội, đều chạy theo thành tích, điểm số thì câu chuyện gian lận kinh hoàng này khó có hồi kết. Là người luôn tiên phong trong đổi mới giáo dục, PGS TS Toán Chu Cẩm Thơ chia sẻ, để dạy một đứa trẻ, cần lắm những bài học từ lòng mẹ.

Chị bày tỏ: “Tôi có câu chuyện của mình. Rằng dù người ta khen tôi thế nào, tôi được bao nhiêu giải thưởng thì mẹ tôi vẫn có điểm riêng cho tôi. Với môn Toán, mẹ cho tôi 8 điểm. Mẹ bảo tôi thường thừa ý, dài dòng. Với việc nhà, mẹ cho tôi 7 điểm. Mẹ bảo tôi chỉ là biết làm thôi, chứ làm chưa thạo, chưa đẹp. Trong cư xử, nói năng mẹ cho tôi 5 điểm. Mẹ bảo tôi nói khó nghe lắm, không biết để ý đến người khác. Có nhiều thứ mẹ cho tôi dưới điểm trung bình…

Tôi có câu chuyện của chị bạn. Chị ấy kể rằng, con gái chị đã từng được 1, 2 điểm môn Tiếng Việt. Chị khi ấy đã là giáo viên dạy văn có tiếng, thế nhưng chị ấy đã không xấu hổ, cũng không xin điểm cho con. Chị ấy đã kiên trì và biết khó khăn của con để hai mẹ con cùng nhau khắc phục. Cô bé, con gái chị giờ đã lớn khôn, đã từng được giải Nhất quốc gia môn Văn. Ngay cả khi ấy, chị vẫn bảo, đó là của con, đâu phải của mình mà khoe.

Tôi cũng biết câu chuyện của nhiều người bạn mình. Họ thắc mắc với tôi rằng: “Con tao không giỏi lắm sao toàn 10 nhỉ. Lớp nó 48 đứa thì 47 đứa học Xuất sắc và Giỏi, đứa còn lại cũng Hoàn thành tốt”. Tôi cũng nhớ câu chuyện của 1 gia đình suýt tan vỡ. Người chồng không chịu nổi thói “thành tích” của vợ.

Anh ấy nói, anh trở thành thằng lái xe vô điều kiện và đứa con trở thành cái nhà kho đựng chữ. Rồi thói khoe khoang. Rồi ảo tưởng vì lúc nào cũng lo nếu con trượt thì cả nhà mất hết tương lai. Anh ấy yêu cầu vợ đi chữa trị tâm lí. Và lo rằng con sẽ bị tâm thần. 

Tôi thì đối mặt hàng ngày với phụ huynh của mình. Họ tìm đến Toán PoMath là để mong học được cách học tốt, giúp con phát triển tư duy. Nhưng khảo sát độc lập của bộ phận Nghiên cứu thì tiêu chuẩn đầu tiên của con đó là điểm cao. Nhưng tôi lại luôn mong họ hãy để ý đến hứng thú, tự chủ và cách học của con chứ không phải là điểm số...

Nay tôi biết thêm rằng rất nhiều bà mẹ đã xin điểm cho con. Rồi xin cho con kiểm tra lại đến khi nào điểm cao thì thôi. Cả nghìn đứa đồng loạt tài năng với 5 năm toàn 10 điểm. Là hơn 300 đứa về nhất. Và chẳng có nét gì để nhận ra chúng trong hồ sơ học tập hay sao? ”…

Và trở lại kì thi năm nay, để gần một triệu thí sinh và người dân yên tâm, tin rằng kỳ thi này sẽ là kỳ thi trung thực nghiêm túc, các cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm những trường hợp phạm luật ở ba tỉnh đã bị phát hiện. Những kẻ bán điểm đã bị truy tố hoặc sẽ bị truy tố cần nhanh chóng đưa ra xét xử một cách công khai, xử đúng người đúng tội. Những kẻ trực tiếp hay gián tiếp mua điểm cần truy tố và tiến hành điều tra, tội tới đâu xử tới đó… 

Đọc thêm

Vận chuyển đá quý trái phép bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Vụ việc vận chuyển trái phép hơn 700 viên kim cương trị giá hàng chục tỷ đồng vừa được phát hiện đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về quy định pháp luật liên quan đến việc mang theo kim loại, đá quý khi xuất nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, hành lý vượt định mức miễn thuế mà không khai báo hải quan sẽ bị coi là xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp. Việc xử lý sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm và ý thức của người thực hiện trong trường hợp cụ thể.

Con đường tại Hà Nội bị 'thắt cổ chai' vì vướng khu đất bị cho là “lấn chiếm”: UBND xã Tri Thủy (Phú Xuyên) xác nhận khu đất có nguồn gốc đất công

Con đường bị “thắt cổ chai” khi đi đến khu đất được cho là lấn chiếm đất đình làng. (Ảnh: Vy Hương)
(PLVN) - Sự việc xảy ra tại thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã kéo dài nhiều năm. UBND xã xác nhận khu đất bị khiếu kiện tập thể có nguồn gốc đất công và UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, nên hàng chục hộ dân trong thôn đề nghị cơ quan chức năng sớm có các động thái xử lý dứt điểm.

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế
(PLVN) - Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP Thủ Đức (TP HCM) đã nêu rõ một số công trình xây dựng, trong đó có cơ sở kinh doanh Quê Nhà trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, là không phép, sai phép, phải cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng đến nay, một số cơ sở đã không chấp hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế, thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu vi phạm mới.

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời
(PLVN) - Liên quan sự việc Cty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh khiếu nại Kết luận thanh tra 987/KL-UBND (KLTT) của UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng mình không trốn thuế; mới đây, Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM, là đơn vị quản lý số hóa đơn liên quan vụ việc) đã có văn bản trả lời Báo PLVN.

Sắp phúc thẩm vụ “làm giả con dấu” tại Công ty Hoàng Long (Nam Định): Một số tình tiết cần làm rõ

Bản án 83/2024/HS-ST (bên trái) và Đơn của gia đình bị cáo Long gửi PLVN. (Ảnh: Hà Sơn)
(PLVN) - Dự kiến ngày mai (9/1), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án bị cáo Lưu Văn Long (SN 1955, ngụ TP Nam Định, tỉnh Nam Định) “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Long bị TAND tỉnh Nam Định tuyên lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng tù về hai tội danh này.

Chuyển nơi cư trú có phải đổi đăng ký xe ô tô không?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bạn đọc hỏi: "Trước đây tôi cư trú tại Hà Nội, hiện giờ tôi mới chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp của tôi có phải đổi đăng ký xe ô tô khi chuyển nơi cư trú không? Nếu phải đổi thì tôi phải làm những thủ tục gì?".

Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 1/1/2025

Luật sư Lê Hiếu.
(PLVN) - Bạn Huy Phong (Hà Nội) hỏi: Do nhiều lúc phải giải quyết công việc gấp nên tôi hay sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Xin hỏi, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 thì hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?