Chúng ta có ác không?

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLVN) - Bạn có ác không? Tôi có ác không? Chắc chắn chúng ta ai cũng trả lời là không, vì không ai muốn ác và tự nhận mình là ác cả. Nhưng cứ nghĩ đơn giản thế này, ra đường mua bán gì đó, với cùng một món hàng mà thấy người đi ô tô phải trả số tiền nhiều hơn ta - người đi xe máy, tự dưng thấy sung sướng, đáng đời “vì nó giàu hơn, cho chết” thì đấy chính là ác. Cái ác đơn giản lắm, nhỏ nhặt lắm và diễn ra hàng ngày. Nhưng nếu không nhận diện được nó để sửa mình thì chết chóc, trọng án, hình phạt, nhà tù… cũng là ngày không xa.

Vì sao mà ác?

Ngày đi học, mỗi người trong chúng ta ai cũng nằm lòng câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng”; “Anh em như thể tay chân/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”… Đó là lòng nhân ái, đó là tình thương yêu giữa con người với con người, để ai cũng được sống trong một thế giới nhân ái, bình yên và hạnh phúc. Mỗi con người sinh ra trên trái đất này đều xứng đáng được như thế!

Nhưng, giờ đây, điều gì đang diễn ra? Khi hàng ngày, tôi, bạn cũng như nhiều người khác, đã có lúc không còn dám mở báo ra đọc nữa. Cái ác đã thực sự “lên ngôi”! Rùng mình và ớn lạnh trước những vụ án người dưng qua đường chỉ vì một xích mích giao thông nhỏ mà giết nhau, những vụ án cha mẹ giết con, cháu giết ông bà, những vụ việc giáo viên đánh học trò, học trò đánh giáo viên, bệnh nhân đánh bác sĩ, bác sĩ đánh bệnh nhân…

Sao mà người Việt ác thế? Phải chăng vì họ không còn biết sợ, sợ trời sợ đất, sợ quy luật nhân quả, sợ pháp luật, sợ tòa án lương tâm?  Trong một lần trò chuyện cùng phóng viên, ông Hoa Hữu Vân - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL đã từng nói rằng, trước những vụ án xảy ra trong gia đình ông luôn trăn trở với câu hỏi: “Tại sao mạng sống của một con người bây giờ lại trở nên mong manh như thế, đặc biệt là mạng sống của những đứa trẻ, những hài nhi?”.

“Ở đời có câu “hổ dữ còn không ăn thịt con”, làm cha, làm mẹ yêu con đã đành, nhưng ông bà còn yêu cháu hơn cả cha mẹ. Vậy mà đã có những vụ án cha mẹ giết con, ông bà giết cháu. Điều khiến tôi trăn trở là phải chăng đã lâu rồi trong xã hội, một khái niệm nhân sinh, một cách tiếp cận của một chiều cạnh đạo đức dựa trên thuyết nhân quả, thiện ác đã không được chú trọng một cách sâu sắc. Con người ta đã không còn biết sợ và khi không còn biết sợ thì cái ác ắt sẽ thế chỗ cái thiện.

Và nữa, ngày nay nhịp sống trở nên gấp gáp, vội vã, giá trị vật chất lên ngôi và chính những tác động này làm người ta không tĩnh tâm được như xưa. Giữa cái xô bồ của cuộc đời, con người khu trú mình lại với sự ích kỷ cá nhân, vì mình, nghĩ đến mình, chỉ biết mình nhiều hơn là từ bi, hỷ xả. Suy nghĩ và hành động vì mình, vì lợi ích cá nhân của mình đã lấn át khiến người ta không còn biết đâu phải, đâu trái nữa.

Cùng với đó là sự xuống cấp đến mức khó tin của đạo đức xã hội. Đây là gốc của mọi vấn đề. Người xưa rất chú trọng giáo dục lễ nghĩa, đạo đức lối sống thì ngày nay những nội dung này dường như bây giờ rất mờ nhạt trong giáo dục cả ở nhà trường và gia đình”, ông Vân phân tích. 

Đồng quan điểm, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học-Bộ Công an) trong một lần ông trả lời báo giới phân tích về những vụ giết người man rợ, tàn độc liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, ông cho rằng, có nhiều vụ án mà hung thủ có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu nhưng mức độ rất nghiêm trọng, thì nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn là đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách nghiêm trọng.

Đó là vô cảm - chứng bệnh nan y của xã hội, có người còn gọi đó là ung thư về tâm hồn. Đó là trạng thái tâm lý mà người ta không cảm thấy căm phẫn, ghét bỏ trước những cái xấu, cái tiêu cực mà cũng không cảm thấy hứng thú trước những điều tốt đẹp trong xã hội. Người ta dửng dưng, sống chỉ biết mình trong xã hội kim tiền này. Chủ nghĩa vật chất đang thắng thế, các giá trị vật chất đang dần băng hoại. 

Bởi ngay trong mỗi gia đình, sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con cái không được như trước, khi cha mẹ mải miết lao vào vòng xoáy tiền tài, thì những đứa trẻ bị “bỏ quên”. Hoặc chúng luôn được cha mẹ tự “vỗ về” rằng con nhà mình “hơn người”, chúng có thiếu thốn gì đâu, bươn chải vất vả cũng là vì chúng!... Trong cơn lốc xoát ấy, họ phải giành giật, lừa gạt, tranh cướp - tất cả những vỏ bọc “hào nhoáng” rồi cũng tới lúc hé lộ…

Vô cảm khiến con người ngập sâu trong cái ác
Vô cảm khiến con người ngập sâu trong cái ác

Và hơn ai hết, những đứa trẻ sẽ đi từ những cú sốc, những cú khủng hoảng khủng khiếp nhất, khi cha mẹ chúng sống bất chấp, buông thả, không hoàn toàn thiện lương như chúng nghĩ. Ấy là khi cuộc khủng hoảng lòng tin bắt đầu. Bọn trẻ không còn tin người lớn, không còn tin những lời tốt đẹp. Những người trong gia đình bắt đầu sống bàng quan, không còn để ý đến nỗi đau của nhau. Khi trẻ bị ảnh hưởng lối văn hóa ứng xử như vậy thì đương nhiên khi ra ngoài cuộc sống nó chỉ biết mình, bất cứ một cái gì tác động đến lợi ích thì nó sẽ phản kháng…

Cô đơn và thù hận - ác hạnh bởi… vô minh

Và cuộc sống thời nay, mỗi con người là một thế giới riêng, khó chia sẻ. Và chính sự cô đơn đó đẩy con người vào cái ác lúc nào không hay. Trước vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước, TS. Lê Nguyên Thanh - Trưởng Bộ môn tội phạm học, Khoa Luật Hình sự - Đại học Luật TP HCM đã từng phân tích: “Thực tế, mạng xã hội phát triển, khoa học phát triển khiến con người sống cô độc hơn. Tôi đã chứng kiến những gia đình thường không có thời gian ngồi với nhau lấy 30 phút, mà nếu có ngồi cùng thì mỗi người mỗi việc. Mẹ coi tivi, bố ôm máy tính, con thì chúi mũi vào smartphone.

Họ không tâm sự và chia sẻ với nhau những khó khăn hoặc những vướng mắc trong cuộc sống, thậm chí cả những thứ mà họ cho rằng đó là sự tự ái của bản thân. Khi những nỗi buồn này tích tụ lại lâu ngày thì hình thành nên việc muốn giải quyết theo hướng tiêu cực.

Trong  vụ thảm sát ở Bình Phước mà bước đầu cơ quan điều tra cho rằng đó là do hận tình, nếu nghi phạm Nguyễn Hải Dương có người chia sẻ về nỗi buồn này, nếu cậu ấy không quá hi vọng vào một tương lai tươi đẹp mà không phải do bàn tay mình tạo ra thì đã không thể xảy ra sự thù hận lớn đến thế”…

Nhân nói về thù hận, tôi còn nhớ hay được nghe câu “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”, rồi nghe về những câu chuyện văn học, những bộ phim về việc ghim hận trong lòng để phục thù. Phải chăng, thay vì xứng đáng được sống nhân văn và văn minh hơn, thì hàng ngày chúng ta đang để tâm trí của mình ngập trong trong tư duy thù hận – một thứ “dung dịch” để nuôi dưỡng cái ác nẩy mầm và sinh sôi?  

Nói thế để thấy thiện ác là do mình, ở bản thân mình mà ra. Từ hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã dạy ác hạnh là bởi vô minh, còn “mầm ác” này được gói gọn trong 3 từ: tham - sân - si.  Nếu hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được nguyên nhân chính gây ra khổ đau này, con người sẽ an lạc và hạnh phúc.

Nói về vấn đề này, trong một bài báo nhằm đi tìm “liều thuốc” trị cái ác cho người Việt, nhà báo Phạm Tường Vân đã từng phân tích, người Việt muốn giải được tham (hám lợi bất chấp đạo lý), việc đầu tiên là phải gỡ bỏ hết những ẩn ức do thiếu thốn đói nghèo, từ đó từng bước minh định lại các chuẩn giá trị.

Chừng nào tâm con người bớt bị thiêu đốt bởi các giá trị ảo, có nhiều lựa chọn hơn cho mỗi người, cuộc sống cũng sẽ bớt điên cuồng. Muốn giảm thiểu sân (hằn học, ganh ghen đố kị) phải xoá hết mặc cảm tự ti, thành thật với chính mình để bớt hoang tưởng, biết điểm mạnh yếu của mình để bớt hẹp hòi, đố kị trước thành quả lao động của người khác, chấp nhận sự khác biệt.

Muốn bớt si (mù quáng, a dua, nghiện ngập) thì sự hiểu biết là loại kháng thể mạnh giúp ta ý thức được giới hạn, tự điều chỉnh trong từng ý nghĩ và hành động, tránh bị bản năng dẫn dắt. Làm được vậy cái ác dù là nhỏ nhặt nhất, như câu chuyện mua hàng của người ô tô và người xe máy nói trên cũng sẽ bị triệt tiêu.

Thế nhưng, còn nhớ nhà văn người Nga Aleksandr Solzhenitsyn đã từng viết ra một câu ứa máu: “Đường biên thiện - ác chạy qua trái tim mỗi người. Và ai sẵn sàng phá hủy một phần trái tim của chính mình?”. Dường như có một tiếng thở dài vô tận, khi mà môi trường tinh thần và các giá trị nhân văn đang ngày một biến mất thế này…

Đọc thêm

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế

Hàng loạt vi phạm xây dựng tại cơ sở Quê Nhà (TP HCM): Phường Thảo Điền cho biết đang đôn đốc lên phương án cưỡng chế
(PLVN) - Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra TP Thủ Đức (TP HCM) đã nêu rõ một số công trình xây dựng, trong đó có cơ sở kinh doanh Quê Nhà trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, là không phép, sai phép, phải cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Nhưng đến nay, một số cơ sở đã không chấp hành các quyết định xử phạt, cưỡng chế, thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu vi phạm mới.

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời

Diễn biến sự việc liên quan Công ty Nhựt Phát - Tây Ninh: Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM) có văn bản trả lời
(PLVN) - Liên quan sự việc Cty TNHH Sản xuất Tinh bột khoai mì Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh khiếu nại Kết luận thanh tra 987/KL-UBND (KLTT) của UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng mình không trốn thuế; mới đây, Chi cục Thuế quận 4 (TP HCM, là đơn vị quản lý số hóa đơn liên quan vụ việc) đã có văn bản trả lời Báo PLVN.

Sắp phúc thẩm vụ “làm giả con dấu” tại Công ty Hoàng Long (Nam Định): Một số tình tiết cần làm rõ

Bản án 83/2024/HS-ST (bên trái) và Đơn của gia đình bị cáo Long gửi PLVN. (Ảnh: Hà Sơn)
(PLVN) - Dự kiến ngày mai (9/1), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án bị cáo Lưu Văn Long (SN 1955, ngụ TP Nam Định, tỉnh Nam Định) “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Long bị TAND tỉnh Nam Định tuyên lần lượt 3 năm 6 tháng tù và 2 năm 6 tháng tù về hai tội danh này.

Chuyển nơi cư trú có phải đổi đăng ký xe ô tô không?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bạn đọc hỏi: "Trước đây tôi cư trú tại Hà Nội, hiện giờ tôi mới chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp của tôi có phải đổi đăng ký xe ô tô khi chuyển nơi cư trú không? Nếu phải đổi thì tôi phải làm những thủ tục gì?".

Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 1/1/2025

Luật sư Lê Hiếu.
(PLVN) - Bạn Huy Phong (Hà Nội) hỏi: Do nhiều lúc phải giải quyết công việc gấp nên tôi hay sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Xin hỏi, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 thì hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào?

Có nên đẩy mạnh tư nhân hóa dịch vụ công tại Việt Nam?

Dịch vụ công và quản lý cung ứng dịch vụ công. (Ảnh nguồn Tạp chí Quản lý Nhà nước)
(PLVN) - Từ sau đổi mới đến nay, chủ trương khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công đã góp phần giảm ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ và khơi dậy tiềm năng cạnh tranh. Dù vậy, việc phát triển còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống chính sách tài chính (thuế, phí, tín dụng, quản lý giá, đất đai, bảo hiểm xã hội…) thiếu đồng bộ, chưa đủ khuyến khích kinh doanh nghiệp tư nhân tham gia. Để người dân tiếp cận tối đa những tiện ích công cộng, câu hỏi đặt ra, liệu có nên đẩy mạnh tư nhân hóa dịch vụ công tại Việt Nam.