Vấn đề được nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Chủ tịch NFSC, ông Lê Đức Thúy lưu ý là chúng ta đưa ra các con số dự báo nhưng không nên đạt mục tiêu bằng bất cứ giá nào, nhất là khi cách đạt được mục tiêu mang hậu quả lâu dài…
Điểm sáng: Chính sách tiền tệ linh hoạt
Báo cáo thuyết trình tại hội thảo “Tổng quan thị trường tài chính 2016” do NFSC tổ chức sáng qua (10/11), đã chỉ rõ rằng bất chấp không ít khó khăn và thách thức, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố.
Báo cáo đã phân tích rõ nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015 là do giá dịch vụ công đã được chủ động điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa giá cả theo nguyên lý kinh tế thị trường. Nhóm giá dịch vụ y tế, giáo dục đóng góp khoảng 3% trong tổng số 4% lạm phát 10 tháng năm 2016. Trong khi đó lạm phát cơ bản năm 2016 dự báo ổn định (dưới 2%) so với năm 2015.
Báo cáo cũng đã phản ánh những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới trong năm 2016 đến kinh tế Việt Nam: Kinh tế toàn cầu, kể cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế mới nổi đều tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; giá dầu thô và nông sản giảm mạnh; cùng với hạn hán, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, trong nước, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt, đồng thời tổng cầu được duy trì, trong đó cầu tiêu dùng tăng khá với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 85,8% GDP so với 77,3% của năm 2015 giúp tăng trưởng chung của nền kinh tế trở lại quỹ đạo kể từ quý 3/2016 sau những khó khăn của ngành công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp trong nửa đầu năm.
Theo Báo cáo, tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 đã được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Thị trường chứng khoán tăng gần 20%; vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với 32,4% năm 2015; đầu tư gián tiếp tăng trên 20%.
”Điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô năm 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những vẫn đảm bảo lạm phát ổn định”, Chủ tịch NFSC Vũ Viết Ngoạn đánh giá.
Dầu thô và giá dịch vụ công- dư địa cho tăng trưởng và lạm phát
Tại Hội thảo, đại diện NFSC đã đưa ra dự báo GDP quý 4 khoảng 7,1% và cả năm khoảng 6,3%. Mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 cũng được NFSC dự báo ở mức 6,7% nhờ hai ngành nông nghiệp và khai khoáng sẽ thuận lợi hơn trong năm 2017 do giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi.
Đồng tình với nhận định này, ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế TW cũng cho rằng mức tăng trưởng 6,3% trong năm nay khả năng là đạt được, còn trên 6,3% phụ thuộc vào kế hoạch khai thác dầu khí. Theo vị chuyên gia này, cứ khai thác khoảng 1 triệu tấn dầu thô tăng trưởng có thế thêm 0,28% và do vậy mức 6,3- 6,5% là khả thi.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển cho rằng nhận định về mức tăng trưởng GDP năm 2016 là từ 6,3-6,5% là theo cách nói của Chính phủ trước đây. Ông Tuyển dẫn chứng: “Trong phiên họp tháng 10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã điều chỉnh xuống chỉ còn 6,3%. Theo tôi mức này cũng khó đạt. Vì để đạt 6,3% thì quý IV tăng trưởng phải ờ mức 7,3%. Nếu chỉ đạt 7,1% thì tăng trưởng cũng chi 6,22%...”, ý kiến ông Tuyển.
Với mức dự báo lạm phát NFSC cho rằng từ nay đến cuối năm giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) không tăng nên lạm phát cả năm khoảng 4- 4.5%, Về lạm phát năm 2017, cơ quan này cũng đưa ra 2 kịch bản phụ thuộc vào giá dịch vụ công: Kịch bản 1, giá các dịch vụ này không tăng, lạm phát khoảng 3,5%, lạm phát cơ bản khoảng 2%; Kịch bản 2: Giá dịch vụ y tế tăng 1,3%, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,3% thì lạm phát mới là 5% (lạm phát cơ bản 2%).
Nhiều chuyên gia cho rằng mức dự báo này là không thực tế bởi tháng 10/2016 CPI đã tăng 4% so với tháng 12/2015. Nếu bình quân 2 tháng còn lại CPI tăng như tháng 10 (0,8%) sẽ vượt trần 5%.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Chủ tịch NFSC, ông Lê Đức Thúy cũng cho rằng chỉ tiêu lạm phát 5% năm nay có thể bị phá vỡ do ảnh hưởng của mưa lũ, Bên cạnh đó, giá dịch vụ công chưa điều chỉnh năm nay thì cũng sẽ điều chỉnh trong năm sau.
“Khi đánh giá tổng quan năm 2016 phải đưa ra khuyến nghị, chúng ta không nên biến thành nô lệ của các chỉ tiêu đó. Chúng ta có dự báo con số nhưng không nên đạt mục tiêu bằng bất cứ giá nào, nhất là cách đó mang lại hậu quả lâu dài. Ví dụ khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô để có thêm phần trăm tăng trưởng thì hiệu quả có cao không?”, ông Thúy đặt vấn đề…