Gặp sự cố sản phẩm, người tiêu dùng phải làm gì?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLO) - Khi gặp sự cố ảnh hưởng đến quyền lợi, người tiêu dùng có thể làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình? Lời khuyên của các chuyên gia sẽ giúp bạn tiếp cận với cách thức tiến hành khiếu nại hành vi sai phạm của doanh nghiệp mà không bị coi là vi phạm các quy định pháp luật.
Người tiêu dùng có được thương lượng với doanh nghiệp không?           
Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) quy định: “Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: a) Thương lượng; b) Hòa giải; c) Trọng tài; d) Tòa án”. 
Như vậy, khi phát hiện một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, NTD có thể có nhiều cách lựa chọn khác nhau. Thứ nhất, NTD có thể liên hệ trực tiếp với tổ chức, cá nhân kinh doanh để yêu cầu được giải quyết theo phương thức thương lượng; thứ hai, NTD có thể nhờ một tổ chức, cá nhân thứ ba (các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD, các công ty, văn phòng luật hoặc bất kỳ một tổ chức cá nhân nào khác đủ năng lực); thứ ba, NTD có thể sử dụng phương thức trọng tài (nếu phương thức này được thỏa thuận trước đó khi xác lập giao dịch); thứ tư, NTD có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.
Theo các chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngoài các phương thức trên, NTD cũng có thể phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật (có hoặc không kèm theo yêu cầu hòa giải) của DN tới các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí.
Lựa chọn phương thức nào là hoàn toàn phụ thuộc vào NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc cũng như mức độ hợp tác, phối hợp của các bên liên quan. 
Liên quan đến phương thức thương lượng, Điều 31 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định: “1. NTD có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với NTD trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu”.
Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy, thương lượng là một trong những phương thức hiệu quả nhất và thường được sử dụng để giải quyết tranh chấp giữa NTD và DN.
Thương lượng dựa trên cơ sở nào?
Trên thực tế, thương lượng là một hình thức dễ thực hiện và dễ tiếp cận. Hàng ngày, khi NTD tiến hành các giao dịch và phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, việc NTD trao đổi, phản ánh thông tin với người bán là một hình thức của thương lượng. So với các phương thức khác như hòa giải, trọng tài hoặc tòa án, thương lượng sẽ tiết kiệm thời gian, công sức không chỉ cho NTD mà còn cho cả DN, đồng thời đảm bảo tính bí mật thông tin trong quá trình hai bên làm việc với nhau. 
Tuy nhiên, kết quả của thương lượng thường phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí thương lượng của hai bên. Nếu một trong hai bên không có thiện chí, thương lượng sẽ không mang lại kết quả thống nhất, các bên sẽ phải tiếp tục sử dụng các phương thức khác để giải quyết vấn đề.
Để việc thương lượng đảm bảo phù hợp các quy định pháp luật, vừa bảo vệ quyền lợi của NTD, vừa đảm bảo hoạt động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) đưa ra 3 lưu ý quan trọng. 
Thứ nhất, thương lượng trên cơ sở thông tin thực tế và rõ ràng. Chỉ khi có dấu hiệu cho thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, NTD mới nên tiến hành khiếu nại và thương lượng với DN. Trước khi tiến hành thương lượng, NTD nên thu thập các tài liệu chứng minh về giao dịch cũng như sự liên quan của NTD với hành vi có dấu hiệu xâm phạm, ví dụ: các giấy tờ chứng minh NTD đã mua hàng hóa, dịch vụ của DN; phiếu bảo hành, sản phẩm hoặc ảnh chụp minh họa lỗi của sản phẩm… Đây là một lưu ý quan trọng, bởi DN có quyền từ chối làm việc nếu như NTD không chứng minh được sự liên quan của NTD với hàng hóa, dịch vụ của DN.
Thứ hai, yêu cầu của NTD phải hợp lý và phù hợp với tính chất và mức độ của vụ việc. Đây là lưu ý căn cứ trên quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, theo đó NTD có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”. Điều 23 Luật này cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD…”.
Như vậy, NTD có quyền yêu cầu và DN có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có thiệt hại phát sinh trong quá trình tiêu dùng của NTD. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là xác định mức thiệt hại như thế nào để đảm bảo yêu cầu của NTD phù hợp với các quy định pháp luật. 
Thứ ba, thương lượng là sự thỏa thuận thống nhất giữa các bên, bởi thương lượng là thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện của các bên, không bên nào được đe dọa hoặc bắt buộc bên còn lại thực hiện yêu cầu của mình. Nếu kết quả thương lượng không thành, NTD có thể tham khảo sử dụng các phương thức khác để bảo vệ quyền lợi của mình.
Để thể hiện được sự thống nhất về nội dung thương lượng, NTD nên đề nghị DN lập biên bản trong quá trình thương lượng hoặc sử dụng email để đảm bảo tính lưu vết thông tin của quá trình thương lượng. Một cách thức NTD có thể kết hợp sử dụng là mời sự tham gia chứng kiến của bên thứ ba trong quá trình thương lượng. Ví dụ, khi nhân viên của DN tới làm việc, NTD có thể mời tổ trưởng tổ dân phố tới tham gia để chứng kiến và ký vào biên bản làm việc.
Trong quá trình thương lượng, NTD toàn quyền đưa ra các yêu cầu về mức độ bồi thường. Pháp luật không có quy định về mức tối đa mà các bên có thể bồi thường cho nhau. Việc xác định mức độ bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất, mức độ của vụ việc và thiện chí của các bên liên quan.
“Tuy nhiên, NTD cần lưu ý, việc đưa ra yêu cầu đền bù thiệt hại không có cơ sở thực tế và kèm theo những thông tin có tính chất đe dọa gây thiệt hại tới uy tín, danh dự, tài sản của tổ chức, cá nhân kinh doanh nếu không được đáp ứng có thể dẫn tới khả năng vi phạm pháp luật. Vì vậy, NTD cần thực hiện phương thức thương lượng theo đúng quy định của pháp luật đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản liên quan khác” – chuyên gia từ Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh) khuyến cáo. 
Một số yếu tố người tiêu dùng phải cân nhắc trước  khi đưa ra yêu cầu đền bù thiệt hại
Thứ nhất, thiệt hại phải có tính thực tế và có thể chứng minh. Ví dụ, NTD  mua một hộp sữa, khi phát hiện sản phẩm bị hỏng do quá trình bảo quản của người bán, thiệt hại liên quan ở đây là số tiền mà NTD bỏ ra để mua hộp sữa. DN có thể hoàn tiền, đổi sản phẩm kèm theo một số hỗ trợ hoặc ưu đãi cho các lần mua hàng hóa, dịch vụ…
Trong nhiều trường hợp, để chứng minh rằng NTD là người mua sản phẩm, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể yêu cầu NTD cung cấp hóa đơn để xác nhận giao dịch. Do đặc thù các giao dịch tiêu dùng ở Việt Nam, nhiều khi rất khó để NTD xác định được các tài liệu, chứng cứ chứng minh về giao dịch. Trong trường hợp này, NTD có thể tìm sự tư vấn, hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD.
Thứ hai, thiệt hại phải hợp lý, phù hợp với tính chất, mức độ của vụ việc. Có nhiều trường hợp, việc xác định mức thiệt hại liên quan không có đủ cơ sở, tài liệu để chứng minh, chủ yếu là các thiệt hại liên quan đến sức khỏe, danh dự. Trong những trường hợp này, NTD cần tham khảo nhiều yếu tố trước khi đưa ra mức yêu cầu bồi thường, ví dụ: giá trị hàng hóa, dịch vụ; chi phí có thể phát sinh để chữa bệnh, mua thuốc hoặc thực tế giải quyết các vụ việc tương tự khác…

Đọc thêm

Đặt đồ ăn online và nguy cơ tiềm ẩn

Còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm khi người tiêu dùng đặt thức ăn qua ứng dụng online. (Ảnh minh họa - baochinhphu.vn)
(PLVN) - Đặt thực phẩm online qua ứng dụng đã trở thành thói quen của nhiều người, đặc biệt tại các đô thị lớn. Không thể phủ nhận rằng hình thức này mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên, đằng sau đó là hàng loạt những nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng thực phẩm, sức khỏe người dùng và những vấn đề về trách nhiệm pháp lý khi sự cố xảy ra.

Bộ Công Thương phát động Chương trình nhận diện hàng Việt Nam năm 2024

Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam” “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2024 gắn với kỷ niệm 15 năm thực hiện Cuộc vận động của ngành Công Thương. (Ảnh minh hoạ).
(PLVN) -  Bộ Công Thương vừa phát động Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên toàn quốc với tên gọi "Tinh hoa hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam" năm 2024. Đây là sự kiện trọng điểm kỷ niệm 15 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhằm tăng cường nhận thức, khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội địa, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong tình hình mới.

Sắp diễn ra Ngày hội Cá tra Đồng Tháp

Sắp diễn ra Ngày hội Cá tra Đồng Tháp
(PLVN) -  Ngày hội Cá tra Đồng Tháp – năm 2024 với chủ đề “Cá tra Đồng Tháp - Hành trình xanh – Giá trị xanh” sẽ diễn ra tại TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) trong 2 ngày 16-17/11.

Thương hiệu mỹ phẩm Việt nuôi dưỡng 'vẻ đẹp của sự tử tế'

Sản phẩm nước sen Hậu Giang của Cocoon đạt chứng nhận Fair for life - Cam kết đồng hành phát triển bền vững cùng người nông dân.

(PLVN) - Tự hào là thương hiệu mỹ phẩm tiên phong 100% thuần chay từ thực vật Việt Nam, không có nguồn gốc từ động vật, không thử nghiệm trên động vật... Cocoon không chỉ mang đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng mà còn không ngừng thể hiện trách nhiệm xã hội, hướng đến một tương lai xanh bằng những việc làm thiết thực.

Hoàng Anh Gia Lai đưa các sản phẩm Nông nghiệp sạch vào chuỗi Siêu thị Kingfoodmart

Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn HAGL phát biểu tại buổi lễ.
(PLVN) -  Sáng ngày 2/11/2024, tại Khách sạn Rex (TP HCM), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Cổ phần King Food Market (Siêu thị Kingfoodmart) tổ chức Lễ ký kết hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm, nhằm đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao của HAGL vào hệ thống siêu thị Kingfoodmart nhằm phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Tơ lụa – Đẳng cấp tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam

Bền bỉ và dẻo dai, lụa tơ tằm Việt Nam luôn có chỗ đứng trong dòng chảy lịch sử dân tộc. (Ảnh internet).
(PLVN) -  Từ lâu, tơ lụa đã khắc sâu vào tâm thức người Việt như biểu tượng của sự thanh lịch, duyên dáng và cao quý. Không chỉ là một loại vải cao cấp, tơ lụa còn gắn liền với những giá trị văn hóa và nghệ thuật lâu đời, tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng, tinh tế của người phụ nữ Việt qua từng thời kỳ lịch sử.

Loạt sản phẩm “Yoho Mekabu Fucoidan” chưa được cấp phép vẫn bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử

Loạt sản phẩm “Yoho Mekabu Fucoidan” chưa được cấp phép vẫn bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử
(PLVN) -  Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế mới đây thông tin về một số sản phẩm có tên gọi “Yoho Mekabu Fucoidan” thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhưng chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm, chưa được phép lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, các sản phẩm hiện đang được quảng cáo và  rao bán trên một số sàn thương mại điện tử. 

Lập kỷ lục xuất khẩu thủy sản hơn 1 tỷ USD trong 1 tháng

Xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 10/2024 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh minh hoạ).
(PLVN) - Tháng 10/2024, xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), XK thủy sản theo tháng trở lại mốc 1 tỷ USD, đánh dấu bước phục hồi quan trọng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Hệ quả khôn lường khi trẻ nhỏ bị 'lậm' AI

AI cung cấp các tính năng học tập, giải trí vượt trội cho trẻ em, nhưng đồng thời nó cũng tiềm ẩn nhiều hậu quả khó lường. (Nguồn: Christian Moro)
(PLVN) - Trong xã hội hiện đại, khi công nghệ ngày càng phát triển, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực trong học tập, giải trí và giao tiếp cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích, tồn tại những cạm bẫy nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nhất là khi gia đình lơ là trong giám sát, khiến trẻ "lậm" (say mê quá mức - PV) AI.