Bằng sự hiểu biết sâu sắc về tình hình người tị nạn trên thế giới, với lý luận sắc bén, thuyết phục, bức thư của Nguyễn Đỗ Huyền Vi có nội dung chính là tìm giải pháp cho người dân tị nạn chiến tranh. Nữ sinh Trường THCS Tây Sơn đã phân tích những quyết sách của các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới để dẫn dắt tới giải pháp mua những hòn đảo làm nơi sinh sống cho dân tị nạn từ các nước có chiến tranh. Đồng thời có phân tích cụ thể, rõ ràng để bảo vệ cho những giải pháp của mình đưa ra như một dự án đầy sức thuyết phục và khả thi. “Ý tưởng của cháu xuất phát từ việc tỷ phú Ai Cập Naguib Sawiris mua đảo tặng người tị nạn. Chính bức ảnh cậu bé Aylan 3 tuổi nằm úp mặt bên bờ biển Thổ Nhĩ Kì đã thức tỉnh ông ta. Ông đặt tên đảo là Aylan, xây nhà cửa, trường học, bệnh viện, cung cấp thức ăn, điện nước, tạo công việc cho họ. Ý tưởng này đã được cơ quan UNHCR đồng tình và hợp tác tiến hành. Mặc dù còn nhiều rào cản, nhưng cháu tin rằng, nếu quyết tâm, chúng ta có thể biến dự án này thành hiện thực. Với cách này, các bên tham gia đều có lợi...”.
Bức thư của Huyền Vi đã nhận được sự đồng tình của Ban Giám khảo khi trao giải Nhất quốc gia cho em. Bức thư của Huyền Vi đã được Ban Tổ chức dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh gửi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ dự thi quốc tế.
Sâu sắc trong cách nghĩ nhưng ở ngoài đời, Huyền Vi là một nữ sinh hồn nhiên. Huyền Vi là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Ngay từ khi 2-3 tuổi, Huyền Vi đã hứng thú với văn chương. Cô bé đã thuộc lòng những câu chuyện cổ tích và kể lại với giọng đầy truyền cảm. Mẹ là nhà giáo dạy môn văn, Huyền Vi càng có điều kiện bồi dưỡng kiến thức của mình. 5 tuổi, Huyền Vi đã đọc thông, viết thạo. 8 năm liền, Huyền Vi là học sinh giỏi xuất sắc ở trường.
Ngoài Giải nhất viết thư UPU, năm 2016, nữ sinh còn đạt giải nhất TP Đà Nẵng cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn”. Theo chị Vũ Cẩm Nhung- mẹ của Huyền Vi, ngoài khả năng cảm thụ văn học, Vi còn rất thích âm nhạc và học ngoại ngữ. Huyền Vi có thể đánh đàn tranh và sử dụng tiếng Nhật thành thục. Trong phòng học của cô bé tràn ngập sách văn học, khoa học, âm nhạc và ngoại ngữ.
Tại lễ trao giải, Huyền Vi đã đánh bản nhạc đàn tranh với khúc nhạc rộn rã, tươi vui. “Sau này, em đi du học, em sẽ giới thiệu Việt Nam qua tiếng đàn tranh, qua những câu chuyện lý thú về mảnh đất chữ S này.”- nữ sinh Huyền Vi bộc bạch.