Chưa được công bố
Là trang thương mại điện tử của Công ty TNHH Công nghệ phần mềm và Quảng cáo trực tuyến MegaAds (gọi tắt là Cty MegaAds). Hàng hóa tại chiaki.vn rất phong phú, với hàng nghìn sản phẩm thuộc các lĩnh vực khác nhau như: đồng hồ, đồ gia dụng, thiết bị chăm sóc sức khỏe... Nhưng sôi động nhất là mặt hàng thực phẩm chức năng.
Trên thực tế, thời gian qua, mặt hàng thực phẩm chức năng đang phát triển rất nóng. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý mặt hàng này. Là loại hình có kinh doanh có điều kiện liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, ngày 24/11/2014, Bộ Y tế đã có Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng.
Điều 3 của Thông tư này nêu rõ: “Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường”.
Quy định pháp lý rõ ràng như vậy. Thế nhưng, qua khảo sát các sản phẩm được rao bán trên Chiaki.vn lại có rất nhiều sản phẩm không tìm thấy thông tin công bố tại Cục An toàn thực phẩm (tại địa chỉ http://congbosanpham.vfa.gov.vn/).
Có thể kể ra hàng loạt ví dụ như: Herba Vixmen 60 viên; Tongkat Ali Piping Rock Ultra 420mg hộp 120 viên; Tongkat Isoflavones - bổ sung nội tiết tố nữ từ mầm đậu nành; Viên bổ thận Swanson Condition Specific Formulas – Kidney Essential 60 viên của Mỹ; Coenzyme Q10 100mg Doctor's Best - hỗ trợ điều trị tim mạch...
Sử dụng “chiêu bài” hàng xách tay
Đóng vai là người tiêu dùng, PV đã liên lạc đến số điện thoại 0962111300 ghi trên website Chiaki.vn nói, có nhu cầu mua thuốc Menevit, loại 90 viên, được sản xuất từ Úc (Australia)mà Chiaki quảng cáo là “giúp cải thiện và nâng cao chất lượng tinh trùng”.
Nghe máy, nhân viên của Chiaki khẳng định có bán sản phẩm Menevit trên và đề nghị khách hàng đến địa chỉ số 21/162 đường Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội để mua hàng trực tiếp.
Tìm đến địa chỉ trên. Tại đây, theo quan sát, nơi bán hàng của Chiaki khá sơ sài, trên kệ hàng chỉ có một số loại đồng hồ chứ không hề bày bán các sản phẩm khác. Điều này trái ngược hoàn toàn với hàng nghìn sản phẩm các loại được rao bán rầm rộ trên mạng Internet.
Tỏ ra ngạc nhiên, PV hỏi 1 nhân viên đang trực tại đây: Chiaki có bán thuốc Menevit không?. Người này trả lời "có" và cho biết giá của sản phẩm này là 1.199.000 đồng rồi bảo khác ngồi ở bàn, đợi lấy hàng.
Nữ nhân viên đi vào phía trong, một lúc sau đem ra một hộp có nhãn đề Menevit (loại 90 viên) –giống với sản phẩm được quảng cáo trên trên Chiaki.vn đưa cho khách.
Liền sau đó, nữ nhân viên này bỏ mặc khác“đánh vật” với hộp Menevit toàn chữ nước ngoài, không có chữ nào tiếng Việt cũng không hềhướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm như thế nào.
PV thắc mắc hỏi: “loại thuốc này có hướng dẫn sử dụng không?” thì nữ nhân viên trả lời: "anh cứ đọc trên website, trên đó đã có hướng dẫn sử dụng". Tiếp tục hỏi vì sao trên sản phẩm không có nhãn tiếng Việt” thì được trả lời:“không có (nhãn tiếng Việt – PV) vì đây là hàng "xách tay".
Về hóa đơn, chứng từ hàng hóa, nữ nhân viên cho biết "chỉ có hóa đơn của công ty em thôi". Cụ thể, theo hóa đơn mà nhân viên tên Nguyễn Hương cung cấp cho khách thì đó là mẫu hóa đơn tự in ra từ máy tính (không theo mẫu chung của cơ quan tài chính).
Nhân viên bán hàng tên Hương cho biết, sản phẩm không có nhãn tiếng Việt vì là "hàng xách tay" (hình cắt từ clip) |
Điều đáng nói, thông tin trên hóa đơn hết sức sơ sài, không đầy đủ thông tin theo đúng quy định của pháp luật như không có mã số thuế đơn vị bán hàng, số hóa đơn, tên liên hóa đơn...
Lúc đầu nữ nhân viên bán hàng còn định không ký vào hóa đơn nếu khách không nhất quyết yêu cầu.
Có mặt ở nơi bán hàng trực tiếp của chiaki.vn, phóng viên thấy lượng khách hàng tìm đến tấp nập và hỏi mua nhiều loại sản phẩm được quảng cáo trên website. Tuy nhiên, tất cả đều không hỏi hóa đơn, chứng từ.
Một khách hàng lớn tuổi đến hỏi mua hai hộp Tảo xoắn Spirulina Nhật Bản hộp 2200 viên (giá 420 nghìn/1hộp). Theo quan sát thì hai hộp sản phẩm trên cũng không hề có nhãn tiếng Việt.
Cách bán hàng mập mờ, không rõ ràng về hàng hóa của chiaki.vn không chỉ trái với quy định của pháp luật hiện hành mà còn khiến cho người tiêu dùng rất khó phân biệt được nguồn gốc, xuất xứ, cách thức sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hàng xách tay cũng phải có giấy phép
Luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “hàng xách tay” có thể được hiểu là người đi nước ngoài (hoặc người nước ngoài) mua hàng hóa tại nước ngoài mang vào Việt Nam với một số lượng hay một số giá trị hàng hóa nhất định thì không bị kê khai nộp thuế.
Tuy nhiên, nếu những người này không sử dụng mà bán cho một công ty nào nó thì phải có đủ giấy tờ về xuất xứ hàng hóa (miễn thuế hay phải nộp thuế khi qua cửa khẩu); đồng thời phải lên Cơ quan thuế tại địa phương đăng ký khai báo việc bán lại cho người khác (khai báo, nộp thuế giá trị gia tăng, nộp thuế thu nhập cá nhân).
Sau khi mua hàng hóa xách tay, công ty này muốn bán hàng ra thị trường phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định chung của pháp luật: về điều kiện của cơ sở kinh doanh (giấy chứng nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn người kinh doanh, điều kiện cơ sở vật chất) và điều kiện về sản phẩm (nhãn hàng của nhà phân phối, đăng ký lưu hành, đăng ký chất lượng).
Do đó, việc công ty MegaAds kinh doanh “hàng xách tay” mà không có đầy đủ giấy tờ là sai pháp luật, rõ ràng công ty đang lừa dối, nhập nhèm. Bất kỳ sản phẩm nào mang ra kinh doanh và lưu hành đều phải có đủ điều kiện lưu hành.
Đối với những hàng hóa gắn mác “hàng xách tay” này, nếu công ty lưu hành tại Việt Nam mà không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị coi là hàng nhập lậu, hàng không hóa đơn chứng từ sẽ bị tịch thu. Nếu không đủ giấy tờ lưu thông về chất lượng (nhãn mác, công bố chất lượng, đăng ký lưu hành) thì Cơ quan quản lý thị trường sẽ đưa ra tiêu hủy, tuyệt đối không được lưu hành, hay mang ra đấu giá. Ngoài ra, công ty sẽ bị xử phạt tùy theo hành vi là hàng nhập lậu hoặc không giấy tờ chứng minh sở hữu.
Liên quan đến mặt hàng thực phẩm chức năng gắn mác là “hàng xách tay”, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩmcho biết: “Đã có rất nhiều người thông tin đến tôi về việc có một số đối tượng quảng cáo, bán thực phẩm là hàng xách tay, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Tôi phải khẳng định lại một lần nữa là, đối với các sản phẩm là hàng xách tay, bán ra thị trường dưới mọi hình thức là vi phạm pháp luật. Bởi, hàng xách tay chỉ được sử dụng với mục đích phục vụ cá nhân”.
Điều đáng nói, tháng 4/2016, bản thân Cty MegaAds cũng đã từng bị Cục An toàn thực phẩm ra quyết định xử phạt 9 triệu đồng vì quảng cáo, bán hàng xách tay là thực phẩm chức năng trên mạng khi chưa được cấp phép.
Vậy nhưng, đến nay tình trạng này ở Cty MegaAds như ghi nhận của PV vẫn còn diễn ra ngang nhiên. Phải chăng do chế tài của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh hay vì lợi nhuận quá cao nên MegaAds “thách thức” các quy định của pháp luật?
Báo PLVN sẽ tiếp tục làm rõ thêm những sai phạm của công ty này.