Thành Nam có nhiều làng nghề cổ đã đi vào thơ nhạc, trong đó có làng tơ lụa Cổ Chất nằm ven dòng sông Ninh Cơ. Từ thành phố Nam Định theo quốc lộ 21 về phía Nam khoảng 20km, làng Cổ Chất hiện ra hiền hòa, thơ mộng với nương dâu xanh mướt ven sông, những dãy nhà ngói lúp xúp hiền hòa luôn che mành kín đáo là nơi dùng để nuôi tằm.
Và hình ảnh ấn tượng nhất là dọc bờ đê dẫn vào làng óng ánh những bó tơ vàng, tơ trắng nuột nà được phơi trên những sào tre tắm nắng chuẩn bị đem vào dệt lụa. Trong khung cảnh thơ mộng đó, tiếng lách cách thoi đưa lẫn với tiếng trẻ ê a học bài càng khiến không khí lãng mạn, yên ả, thanh bình.
Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng không chỉ đất thành Nam mà còn khắp vùng miền gần xa. Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời, hưng thịnh nhất vào thời Pháp thuộc. Trước năm 1945, sản phẩm tơ lụa làng Cổ Chất từng đoạt được giải cao tại một kỳ đấu xảo (hội chợ) cho chế độ cũ tổ chức.
Dù hiện nay máy móc công nghiệp phát triển nhưng làng Cổ Chất vẫn giữ cách làm nghề truyền thống. Để làm ra những bó tơ óng nuột kia, người dân Cổ Chất đã trực tiếp trồng dâu ở vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ để nuôi tằm. Để nuôi được con tằm không đơn giản, thành ngữ đã có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm/ Nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói về sự vất vả, khổ công của nuôi tằm. Con tằm trưởng thành sẽ nhả tơ, kéo kén, kén tằm trưởng thành trong thời gian khoảng 25 ngày được đem đi kéo sợi.
Trước công đoạn kéo sợi, kén tằm được cho vào một nồi nước lớn để luộc qua, phải nhanh tay đảo đều để cho sợi tơ kéo ra được dai, bền và mềm mại. Sau đó kén tằm được các bà, các chị vớt ra từ nồi nước nghi ngút khói, chuyển sang công đoạn đưa kén lên bàn kéo sợi. Sợi tơ mảnh như ánh nắng, chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít thành những bó tơ trắng, tơ vàng đem ra hong nắng bằng những chiếc sào tre thủ công.
Đi qua những thăng trầm của cuộc sống, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Hiện nghề ươm tơ, dệt lụa ở Cổ Chất đã dần mai một, trong làng còn không nhiều hộ còn giữ được nghề. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất đang được tỉnh và địa phương quan tâm, điều này không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng mà còn là động thái gìn giữ làng nghề truyền thống còn mãi với thời gian.