Kinh doanh điện ảnh thời hoàng kim
Sau những thành công vang dội những tưởng như khó có bộ phim nào có thể vượt qua “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nhưng “Em là bà nội của anh” lại làm được, thậm chí làm tốt hơn, vươn xa hơn nữa về tỷ suất người xem cũng như doanh thu đạt được. Con số tiền tỷ không còn xa lạ cũng như không còn khó mơ ước nữa. Đấy chính là dấu mốc đánh dấu thời kì hoàng kim của kinh doanh điện ảnh Việt Nam.
Theo ước tính, giá vé xem một bộ phim ở các rạp của Việt Nam không chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực, đối với những rạp như KangNam, CGV thậm chí ngang bằng. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho một bộ phim ở Việt Nam trung bình chỉ khoảng 20 tỷ đồng, đem ra so sánh thì cũng chỉ bằng 1/10 kinh phí của các nước trong khu vực. Chính vì lẽ đó mà những bộ phim gây tiếng vang lớn như “Em là bà nội của anh”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thu về lợi nhuận hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho nhà sản xuất là điều không hề khó.
Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật thứ 7 dễ chạm vào lòng công chúng nhất, cũng là ngành giải trí đang có sức hút mạnh mẽ nhất hiện này bởi nhu cầu thỏa mãn thưởng thức của người xem ngày càng cao. Vì thế trong khi rất nhiều gameshow, các chương trình truyền hình thực tế đang lao đao thì điện ảnh Việt lại có xu hướng mạnh lên, tăng nhanh và để lại dấu ấn vô cùng tốt đẹp.
Trước đây khi “Long Ruồi” cán đích doanh thu 40 tỷ đã khiến không ít người trầm trồ, thán phục. Nay, khi “Em là bà nội của anh” đạt doanh thu 100 tỷ, người ta lại thấy đó như một lẽ dĩ nhiên, ắt hẳn sẽ diễn ra. Cái điều ai cũng xem là hiển nhiên ấy được đánh giá là một thành công của điện ảnh Việt Nam trong năm 2015.
Trong năm 2015 đã có hơn 40 bộ phim Việt được ra rạp cùng đội ngũ diễn viên tạo hình đa dạng, có sức hút và đạo diễn mới trẻ, năng động, hiện đại. Với những tiềm năng như vậy báo hiệu thị trường phim Việt đã, đang và sẽ đạt được những mốc doanh thu cao hơn nữa trong năm 2016.
Chớ vội hài lòng mà phải vượt mốc đang có
Nhắc đến thành công thì cũng phải nhắc lại những thất bại để những nhà làm phim cảnh giác hơn cũng như không hài lòng mà dẫn tới chủ quan. Để có được con số làm vui lòng nhiều người như hiện nay, trước đó điện ảnh Việt Nam có không ít bộ phim khi mang ra công chiếu chỉ đạt được non nửa chỉ tiêu đặt ra hoặc tay trắng, thậm chí là lỗ vốn. Nhiều bộ phim bị khán giả quay lưng, đã không có doanh thu còn bị chỉ trích như “Hy sinh đời trai” với doanh thu chưa đầy 6 tỉ đồng là một ví dụ điển hình.
Từ sự chiến thắng vẻ vang của “Tôi thấy hoa vang trên cỏ xanh”, “Yêu”, “Em là bà nội của anh”, có thể nhận thấy một điều rằng, đã đến lúc những đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch thôi không chạy theo xu hướng, chạy theo những sự mới lạ, sự du nhập không phù hợp, mà thay vào đó, nên chọn cho mình những đề tài, những lối diễn xuất có thể chạm được vào lòng khán giả. Chạm được vào trái tim, sự rung động của khán giả là con đường ngắn nhất dẫn tới sự thành công về danh tiếng lẫn doanh thu.
Đồng thời, sự mở rộng cũng như đầu tư thêm các rạp chiếu phim có quy mô tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng là cách để các nhà sản xuất phim có cơ hội tuyên truyền và đưa phim của mình đến nhiều ngõ ngách, mọi miền Tổ quốc. Và tất nhiên cũng sẽ là cách để tăng doanh thu.
Ngoài ra, chúng ta thấy trong khi phim nước ngoài “đổ bộ” vào màn ảnh Việt ngày càng nhiều thì đường xuất ngoại của phim Việt mới chỉ quá “thấp bé nhẹ cân”. Vậy thì ý tưởng nhằm giới thiệu điện ảnh nước nhà ra quốc tế cũng như tăng doanh thu cho chính nhà sản xuất cũng là một ý tưởng không tồi.
Nhìn lại những gì mà điện ảnh Việt Nam đạt được trong năm nay, không oan khi nói đây chính là năm bộ môn nghệ thuật thứ 7 lên ngôi trong lòng công chúng. Tuy nhiên, để nối dài hơn được những “con số” về doanh thu, mong rằng các nhà làm phim sẽ không hài lòng với những gì năm 2015 đã làm được. Thay vào đó, hãy coi đây là bước đệm để “thừa thắng xông lên”, để điện ảnh Việt Nam vươn tới những cột mốc doanh thu 150, 200 tỷ không còn quá xa vời.