Bạn đọc Trần Văn Nam ở Hải Hậu, Nam Định hỏi: Nhân viên thừa phát lại có khác công chứng viên? Có khác luật sư?
Trả lời:
Thừa phát lại, Công chứng, Luật sư đều là các chức danh Tư pháp, đều là những người có trình độ cử nhân Luật trở lên được nhà nước bổ nhiệm theo những tiêu chuẩn nhất định . Tuy vậy, mỗi chức danh Tư pháp này lại được Nhà nước giao cho làm những công việc khác nhau theo quy định của pháp luật.
Thừa phát lại được nhà nước giao cho làm một số công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, như thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt các quyết định, giấy tờ của Tòa án, của cơ quan Thi hành án dân sự và các công việc khác theo pháp luật hiện hành. Khi thực hiện các công việc này, Thừa phát lại được sử dụng quyền lực nhà nước.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại như sau:Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; Không có tiền án; Có bằng cử nhân luật; Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên; Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức; Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
Công chứng viên được nhà nước giao cho việc chứng kiến và công nhận tính xác thực, hợp pháp của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng, Phòng công chứng.
Luật sư là người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý như:tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật, và có thể đại diện cho thân chủ hoặc bảo vệ quyền lợi của thân chủ trước tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng.
Ông Nguyễn Văn Lạng
(Trưởng Văn phòng Thừa Phát lại Ba Đình)