Theo dự thảo, người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.
Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2012/NĐ-CP, trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.
Theo dự thảo, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 20 ngày, tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, trường hợp không ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời người lao động bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 5 ngày, tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho người lao động. Trường hợp, tổ chức bảo hiểm xã hội không thực hiện việc chi trả đúng thời hạn hoặc từ chối yêu cầu chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật thì phải có văn bản thông báo gửi trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động biết và nêu rõ lý do.
Từ tháng thứ 2 trở đi, tính từ thời điểm ngày thứ 7 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó, tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày nếu không nhận được Quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đối với người lao động.
Dự thảo nêu rõ, sau 2 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Trường hợp, người lao động đã nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chưa nhận trợ cấp thất nghiệp mà không có nhu cầu nhận trợ cấp thất nghiệp để cộng dồn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động làm đơn đề nghị không hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sau thời hạn 3 tháng, kể từ ngày người lao động chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo với tổ chức bảo hiểm xã hội hoặc trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo dự thảo, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm của tháng thứ nhất hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày người lao động đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả. Từ tháng thứ 2 trở đi người lao động thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó./.