Du lịch kết hợp giáo dục về di sản: Cần chiến lược “dài hơi”

Học sinh thảo luận dưới sự gợi dẫn dắt của cán bộ giáo dục, chủ đề tìm hiểu bia tiến sĩ
Học sinh thảo luận dưới sự gợi dẫn dắt của cán bộ giáo dục, chủ đề tìm hiểu bia tiến sĩ
(PLVN) - Nhiều năm nay, thay vì chỉ dừng ở mức độ “nghe – nhìn” thì du lịch giáo dục đã đề cao tính thực tế, tăng thêm các trải nghiệm “chạm được vào di sản”. 

Tại Hà Nội, đã có nhiều tour du lịch giáo dục di sản chất lượng, tiếp sức mạnh mẽ cho công tác giáo dục, bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Tuy nhiên, để loại hình trải nghiệm “3 trong 1” này vừa thúc đẩy phát triển du lịch, vừa đạt mục đích giáo dục, lại phát huy được vai trò của di sản… thì rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Phần lớn khách là trẻ em, học sinh 

Trong các hoạt động nổi bật tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có thể kể tới chùm trải nghiệm “giáo dục di sản” dành cho các đối tượng trẻ em từ mầm non tới học sinh lớn 12. Các chương trình khám phá mang tên “Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ Văn Miếu”, “Mãnh hổ hạ sơn”, “Ô kìa con nghê” khai thác những câu chuyện văn hoá – lịch sử liên quan trực tiếp hoặc được trưng bày tại di tích.

Hoạt động này giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu di sản, trân trọng các giá trị truyền thống, văn hoá lịch sử của tổ tiên để lại, bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Có nhiều chương trình giáo dục di sản đã nhận được các phản hồi tích cực, được nhà trường, gia đình quan tâm bởi phương pháp lan toả giá trị di sản vừa hiệu quả vừa thú vị. Theo phản hồi từ phụ huynh Trịnh Ngọc Anh (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi cho con đi tham quan Văn Miếu cùng với các bạn ở lớp, lúc về nhà tôi thấy con hào hứng khoe tập giấy chữ Hán mà con tự viết, rồi kể chuyện con rồng như thế này, con nghê như thế kia. Thấy vậy, bố mẹ cũng vui lây”. 

Đáng nói, với mỗi chủ đề giáo dục di sản, mục tiêu chính là phải tạo được sự hứng thú cho các em nhỏ, học sinh tham gia thông qua các hoạt động thiết thực, phù hợp với từng độ tuổi. Đơn cử, với chương trình “Ô kìa con nghê”, các bé mầm non sẽ được “tận mục sở thị” biểu tượng các chú nghê trên Tứ trụ, bia Tiến sĩ, cổng Đại Thành, áo Khổng Tử… tại Văn Miếu.

Đồng thời, các bé cùng tìm hiểu về dáng vẻ và ý nghĩa của linh vật này qua các câu chuyện kể lại; sau đó còn được tô màu con nghê, được “nói chuyện” với chú nghê mà mình vừa tô xong qua một phần mềm riêng. Trải nghiệm trực quan như vậy đã thực sự thu hút sự chú ý của các em nhỏ, đặc biệt là hoạt động “trò chuyện với linh vật”.

Từ tháng 11/2019, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đầu tư 5 gian nhà tại dãy tả vu, khu điện Đại Thành để xây dựng khu trải nghiệm cùng di sản với đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết. Không gian có các trang trí phỏng theo hoạ tiết trên bút lông bằng đá tại khu Thái Học xưa, có các pano để những khách tham quan nhí trưng bài sản phẩm của mình như tranh chữ, tranh vẽ hoạ tiết…

Qua việc thực hành trải nghiệm di sản, các em dễ dàng hình thành những suy nghĩ, hiểu biết riêng về ý nghĩa của di sản. Không gian trải nghiệm di sản ở Văn Miếu cho thấy tư duy hiện đại. Theo đó, trẻ em được học và tương tác với di sản bằng nhiều trò chơi và câu chuyện, bên cạnh các kiến thức trên lớp. 

Lan rộng ý tưởng

Bên cạnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng có các chương trình giáo dục di sản khác nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhà trường, gia đình cũng như trẻ em, học sinh, sinh viên. Cụ thể có thể kể tới chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản” tại Di tích Hoàng thành Thăng Long; “Em học làm thuyết minh” tại Di tích Nhà tù Hoả Lò…

Mặt khác, tại Di tích làng cổ Đường Lâm, Ban Quản lý khu Di tích Quốc gia thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng đang phối hợp đẩy mạnh các hoạt động du lịch kết hợp giáo dục di sản; thông qua những buổi dã ngoại cho học sinh, chương trình nghiên cứu thực địa dành cho sinh viên ngành văn hóa – du lịch – mỹ thuật, hay thậm chí là các trại sáng tác cho nghệ sĩ, nhà thiết kế…

Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường THCS Nguyễn Siêu – Hà Nội cho biết: “Trong chuyến tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long, các em học sinh đã được tìm hiểu sâu sắc hơn về những triều đại phong kiến Việt Nam thông qua các câu chuyện lịch sử, các dấu tích còn lại về văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật... Nhờ đó, các em phân biệt được vì sao người xưa lại đặt tên Ngọ môn, Đoan môn, Cấm thành, Hậu Lâu..., hay hoa văn, chạm trổ qua mỗi thời Lý, Trần, Lê... khác nhau như thế nào”.

Không thể phủ nhận, trong khi nhiều di tích đang “loay hoay” tìm cách vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản vừa thu hút du lịch thì các chương trình giáo dục di sản đang là một “cầu nối” quan trọng. Nếu làm tốt, đây sẽ là một giải pháp hiệu quả, góp phần tăng thêm vị thế của mảnh đất “ra ngõ chạm mặt di sản” như Thủ đô Hà Nội.

Cũng chính vì thế mà trong khuôn khổ chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa, du lịch Hà Nội năm 2020” được UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, trải nghiệm giáo dục di sản tại các khu di tích nổi tiếng đã được nhấn mạnh là loại sản phẩm du lịch hấp dẫn, đậm đà bản sắc Thủ đô. 

Còn thiếu trải nghiệm cho người lớn

Nhiều ý kiến cho rằng, một hạn chế của du lịch giáo dục di sản hiện nay là chỉ chú trọng vào đối tượng người trẻ, mà chủ yếu là trẻ em và học sinh. Trong khi đó, những đối tượng lớn tuổi hơn cũng có nhu cầu trải nghiệm học hỏi thêm về di sản.

Chẳng hạn Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu lịch sử khoa cử Việt Nam. Nhưng từ lâu nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chỉ ra sự thiếu hụt về trải nghiệm thực tế cho du khách với di sản. Khu trải nghiệm cùng di sản chỉ mới khắc phục một phần của hạn chế này.

Bà Đường Ngọc Hà - Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông, Trung tâm Văn hóa Khoa học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho hay: “Điều quan trọng trong xây dựng chương trình tham quan cho học sinh tại di tích, bảo tàng là phải phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng khách.

Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban Quản lý đã phát triển các chương trình giáo dục di sản theo từng lứa tuổi, cấp học”. Trên website chính thức của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có thể tìm thấy trong mục “Giáo dục di sản”, du khách nhí được chia thành các tốp “mầm non”, “lớp 1-3”, “lớp 4-6”, “lớp 7-12”. 

Sâu xa, giáo dục di sản đạt hiệu quả không chỉ bởi nội dung chương trình hấp dẫn, đặc sắc mà còn đòi hỏi một kế hoạch bài bản, toàn diện. Từ việc nghiên cứu nhu cầu thông tin của khách tham quan, bảo tồn các giá trị nguyên sơ mang tính học liệu, tạo dựng các không gian cộng đồng, đến việc đổi mới cách thức truyền thông trực tiếp hoặc trên mạng xã hội nhằm tiếp cận, thu hút sự chú ý của những người quan tâm.

Thông thường, trong các chương trình giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên, phía nhà trường sẽ thực hiện một số buổi học phổ cập kiến thức trước để các em ít bỡ ngỡ hơn khi đi thực tế. Điều này cũng sẽ nâng cao trải nghiệm của các em với di sản. 

Đáng nói, ít thấy tư duy làm giáo dục di sản được áp dụng với các chương trình tham quan, trải nghiệm di sản dành cho người lớn hiện nay. Hoạt động giáo dục di sản hiện có thể gây hào hứng đối với đối tượng trẻ em, trở thành hoạt động định kỳ tại các trường học, nhưng lại chưa tạo được dấu ấn với đối tượng người lớn.

Một lý do được đưa ra là nội dung các chương trình còn nhàm chán, lặp lại, chỉ chú trọng “nghe – nhìn”, chưa phù hợp với mối quan tâm của người lớn tuổi. Bên cạnh đó, tuy việc áp dụng công nghệ trí tuệ thông minh nhân tạo, công nghệ thực tế ảo dần trở nên phổ biến ở các khu di tích nổi tiếng nhưng hầu hết các công nghệ hiện đại mới chỉ đáp ứng được mục đích cung cấp thông tin. 

Thiết nghĩ, nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản, khơi dậy niềm tự hào của hậu thế với công lao của các bậc tiền nhân thì giáo dục di sản là quan trọng và cần thiết. Điều này không chỉ cần với đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên mà với mọi độ tuổi.

Người trung niên hay cao niên đều có nhu cầu tìm hiểu văn hoá, lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, chính sự đơn điệu, dập khuôn và sự thiếu vắng các hoạt động bổ trợ trải nghiệm tại các khu di tích, bảo tàng, điểm đến là “điểm trừ” khiến cho du lịch kết hợp giáo dục di sản chưa thực sự hấp dẫn đối với người lớn. 

* Bà Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông thuộc Trung tâm Văn hóa Khoa học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám:

Cần bố trí kế hoạch cho giáo dục di sản từ ngay trong nhà trường

Chủ trương của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đưa di sản vào nhà trường, gắn kết di sản với nhà trường. Theo tôi, đó là phải xây dựng các hoạt động khiến học sinh thấy thú vị. Có rất ít trẻ em thích đến bảo tàng, di tích mà hầu hết chỉ thích đến các khu vui chơi, các trung tâm thương mại.

Vậy chúng ta cần phải xây dựng các chương trình giáo dục di sản tích hợp 2 trong 1, vào các bảo tàng các con sẽ được chơi mà học với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Nhiều lớp khi tham gia chương trình giáo dục di sản, các em học sinh rất hào hứng, còn mong muốn quay trở lại để tham ra các chủ đề khác.

Tuy nhiên về phía nhà trường và giáo viên, với thời khóa biểu học kín đặc, rất khó để bố trí thời gian dành cho giáo dục di sản dù chỉ 1 hay 2 tiết học.

* TS. Vũ Hồng Nhi - Phó Trưởng phòng Giáo dục – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:

Muốn thu hút phải luôn đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm di sản văn hóa

Thay vì các em phải nhớ và học thuộc các công thức vật lý, hóa học một cách thụ động, chúng tôi đã phối hợp với trường học để có những hoạt động ngoại khóa tại Bảo tàng, học sinh được nghe thuyết minh có tương tác với các ví dụ cụ thể, đặc biệt sau đó được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như làm đèn kéo quân để hiểu rõ hơn kiến thức vật lý về đối lưu và bức xạ nhiệt.

Tuy nhiên, hoạt động giáo dục cũng không thể đơn điệu, đi theo lối mòn, mà phải luôn làm tươi mới và đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm di sản văn hóa được khai thác, tiếp cận để tạo ra các hoạt động trải nghiệm ở các góc độ khác nhau. Tùy từng bài học sẽ có những nội dung hướng dẫn, hoạt động trải nghiệm phù hợp.

Điều đó sẽ khuyến khích các em tích cực tìm hiểu, tiếp thu ứng dụng kiến thức đã học một cách hiệu quả. Cũng từ đó, các em hiểu rõ hơn giá trị của di sản văn hóa, hình thành ý thức bảo tồn và phát huy.

Hà Trang (thực hiện)

Đọc thêm

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025: Không gây quá tải, áp lực cho thí sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: MOET)
(PLVN) - GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT chuẩn bị trong một thời gian dài, bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, ứng dụng những kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT…

Vì sao trường Cao đẳng Huế có tới 8 Hiệu phó?

Ông Nguyễn Văn Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) trao quyết định và tặng hoa Hiệu trưởng cùng 8 Phó Hiệu trưởng
(PLVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức lễ Công bố Quyết định thành lập trường Cao đẳng Huế. Sau khi thành lập, trường này có tới 8 Phó Hiệu trưởng. Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế lý giải việc này ra sao?

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Những điểm mới cần lưu ý

Thi chứng chỉ VSTEP tại Đại học Kinh tế - Tài chính. (Ảnh: UEF)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm trước, chỉ điều chỉnh một số điểm về mặt kỹ thuật để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.

Nhiều cơ hội cho thí sinh chọn ngành bán dẫn

Nhiều cơ hội cho việc làm trong ngành công nghiệp bán dẫn. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHBK)
(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, dự kiến năm 2024, các trường đại học sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan đến ngành này… Con số trên sẽ tăng dần từ 20 - 30% mỗi năm. Năm 2030, số lượng nhân lực ngành bán dẫn cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ.

Tuyển sinh đại học 2024: Cuộc đua đa sắc màu

Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST)
(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT được giữ ổn định từ năm 2022 tới nay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh. Do vậy nhiều trường công bố đề án tuyển sinh sớm để thí sinh chuẩn bị tốt nhất, cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2024…

Gia đình Việt với sinh viên nước ngoài xa nhà

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (phải) và con gái đỡ đầu là sinh viên Lào. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Học tập, sinh sống ở một đất nước xa lạ, nhưng các sinh viên Lào, Campuchia đã nhận được hơi ấm thân thương từ các gia đình cha - mẹ đỡ đầu Việt Nam. Trao đi tình yêu thương, các bậc cha mẹ người Việt cũng nhận lại nhiều tình cảm và kỉ niệm đẹp từ các con.

Tuyển sinh Đại học 2024: Nhiều ngành “khát” nhân lực

Thí sinh cần cân nhắc trước ngưỡng cửa chọn nghề tương lai. (Ảnh minh họa - Nguồn: huongnghiep.hocmai.vn)
(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thông tin đầu tiên về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Sắp tới, quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được chính thức ban hành để thí sinh sẽ đăng ký dự thi từ tháng 4.