Nhập ào ào?
Ngoài 85 ngàn tấn hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, 50 ngàn tấn đường mà Hoàng Anh Gia Lai được phép nhập về từ Lào, nếu đề xuất nhập khẩu thêm 200 ngàn tấn đường của Bộ Cộng thương tiếp tục được duyệt thì tổng lượng đường nhập ngoại gây sức ép lên thị trường đường trong nước tới đây sẽ lên tới 335 ngàn tấn. Đó là chưa kể hàng trăm ngàn tấn đường tuồn vào thị trường trong nước qua con đường nhập lậu mỗi năm.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT (Cục chế biến-PV) sở dĩ có đề xuất nói trên là xuất phát từ báo cáo của Hiệp hội mía đường cũng như kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành gồm Nông nghiệp, Công thương, Hiệp hội mía đường tổ chức mới đây.
Cụ thể, theo kết quả rà soát, do tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nên năm nay Việt Nam dự kiến chỉ sản xuất được khoảng 1,2 triệu tấn đường, trong khi tổng nhu cầu đường theo dự báo là 1,6 triệu tấn. Lượng đường thiếu hụt được Bộ Công thương tính toán là khoảng 400 ngàn tấn.
“Sau khi cân đối lượng đường nhập theo hạn ngạch, lượng đường nhập về từ Lào, phía Bộ Công thương tính toán vẫn còn thiếu. Buổi làm việc gần đây với Bộ NN&PTNT, phía Bộ Công thương có đưa ra lý do là vào dịp hè, trung thu các nhà máy nước ngọt, nước giải khát bánh kẹo… sẽ cần lượng đường lớn nên đề nghị cho nhập khẩu 200 ngàn tấn đường”, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến cho biết.
Lâu nay, giá đường trong nước sản xuất luôn cao hơn giá đường nhập khẩu. Đường nhập khẩu rẻ hơn so với đường trong nước gần 20% vì thế các đề xuất nhập khẩu đường dưới hình thức nào luôn nhận được sự tán thành của giới doanh nghiệp. Nhưng cơ quan quản lý xuất nhập khẩu nếu chỉ vì quyền lợi của doanh nghiệp mà cho phép nhập khẩu ồ ạt, thiếu tính toán sẽ gây sức ép tiêu cực lên khả năng chống đỡ từ các nhà máy đường, người nông dân trồng mía trong nước.
Sức ép lớn
Đáng chú ý, trước đó Chính phủ đã đồng ý thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường vào năm 2016. Vì thí điểm nên Chính phủ yêu cầu căn cứ kết quả thực hiện trong năm nay, Bộ Công Thương tổng kết, đánh giá hiệu quả của phương thức. Đánh giá tác động của nó đến doanh nghiệp chế biến thực phẩm, người tiêu dùng, các nhà máy đường, người nông dân trồng mía, cung cầu thị trường đường trong nước và phản ứng từ các thành viên WTO. Trên cơ sở đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Cục trưởng Bảnh, trước mắt, Bộ Công thương có thống nhất với ngành nông nghiệp là sẽ thực hiện đấu thầu thí điểm hạn ngạch nhập khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ. Vì đây là cam kết quốc tế nên chúng ta phải thực hiện. Còn riêng về đề nghị cho nhập khẩu thêm 200 ngàn tấn đường của Bộ Công thương để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, quan điểm của phía Bộ NN&PTNT là cần thận trọng.
“Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương xin ý kiến thống nhất của 4 Bộ Công thương, Nông nghiệp, Tài Chính, Kế hoạch đầu tư và Văn phòng Chính phủ xem có nên cho nhập số lượng đường như vậy hay không, nếu cho nhập thì nhập bao nhiêu là vừa. Khi thống nhất được với nhau thì mới trình Chính phủ quyết định. Hiện nay, vẫn trong giai đoạn lấy ý kiến chứ các ngành chưa thống nhất”, ông Bảnh nói.
Có thể thấy, ngoài 135 ngàn tấn đường nhập khẩu hạn ngạch được đấu giá vào cuối tháng này, và đường nhập từ Lào với thuế suất ưu đãi, nếu đề xuất của ngành công thương được thông qua thì sắp có thêm một lượng đường “khổng lồ” đổ về Việt Nam. Trong khi tìm hiểu của PLVN cho thấy, đến đầu tháng 4/2016, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường vẫn còn hơn 300 ngàn tấn và tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là hơn 25 ngàn tấn.
“Mặc dù đường dự báo có thiếu hụt nhưng thực chất hiện nay lượng đường tồn kho trong nhà máy, trong doanh nghiệp là còn nhiều. Để đảm bảo ngành đường trong nước hoạt động bình thường đề xuất nhập khẩu 200 ngàn tấn đường cần phải được tính toán kỹ vì để biến động là không hay”- Cục trưởng Cục chế biến nhấn mạnh.