Cảng hàng không "tiêu chuẩn quốc tế"
Dự án mở rộng sân bay Cát Bi là dự án giao thông cấp đặc biệt, được khởi công từ tháng 3/2013, gồm các hạng mục: khu bay, nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu. Trong đó, dự án khu bay có tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, được Chính phủ phân cấp cho TP. Hải Phòng làm chủ đầu tư và Nhà ga hàng không của Cảng HKQT Cát Bi do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện, với tổng vốn 1.500 tỷ đồng.
Tại buổi lễ, UBND TP Hải Phòng đã công bố khánh thành các hạng mục xây dựng của dự án. Trong đó, khu bay gồm đường cất hạ cánh xây mới dài 3.050m, rộng 45m, các đường lăn chờ, 2 sân quay đầu; xây dựng mới sân đỗ máy bay đảm bảo 08 vị trí đỗ cho máy bay A321/giờ cao điểm; xây dựng các hệ thống thoát nước, hệ thống thiết bị như: đèn hiệu hàng không, quan trắc khí tượng, đài dẫn đường DVOR/DME và hệ thống dẫn đường hạ cánh chính xác ILS/DME hiện đại tiêu chuẩn CAT II, đảm bảo máy bay có thể hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu và đảm bảo khai thác các loại tàu bay A321 đầy tải. Dự án xây dựng Đài kiểm soát không lưu với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ tháng 01/2016.
Dự kiến, đến hết quý I/2017, giai đoạn II của dự án cải tạo, mở rộng khu bay hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ đảm bảo hoạt động cho các loại tàu bay code E như B777, A330/350. Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được thiết kế hiện đại, 2 cao trình với tổng diện tích sàn 15.630m2, 2 ống lồng đôi, đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế, công suất khai thác thực tế có thể đạt 4 triệu hành khách/năm, đáp ứng 1.000 hành khách giờ cao điểm.
Mở nhiều đường bay mới
Nằm trong mạng lưới hàng không quốc gia, Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Cát Bi có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng nói riêng và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nói chung. Cảng HKQT Cát Bi là sân bay dự bị đầy đủ cho Cảng HKQT Nội Bài.
Theo quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Cát Bi, TP Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng HKQT Cát Bi đạt cấp 4E theo Tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO và là sân bay quân sự cấp I, sân bay dự bị cho Cảng HKQT Nội Bài, đáp ứng hoạt động của các loại máy bay hiện đại như Boeing 747, Boeing 777 và tương đương trong giai đoạn 2015, định hướng đến năm 2025.
Những năm qua, sản lượng hành khách, hàng hóa bưu kiện thông qua Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi tăng rất nhanh. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, sản lượng hành khách thông qua Cảng đạt mức tăng trưởng bình quân trên 20%/năm. Riêng năm 2015, trong điều kiện vừa hoạt động vừa mở rộng, sản lượng hành khách qua cảng đạt gần 1,3 triệu lượt, tăng 35,6% so với năm 2014; sản lượng hàng hóa – bưu kiện đạt 6.390 tấn, tăng 13,6% so với năm 2014; số chuyến bay cất hạ cánh đạt 9.014 lượt, tăng 33,8% so với năm 2014.
Hiện nay, tại Cảng HKQT Cát Bi có 3 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đang khai thác 5 đường bay trong nước nối TP Hải Phòng với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh, Pleiku và mới đây đã mở đường bay quốc tế nối Hải Phòng với các tỉnh của Trung Quốc. Hiện, Cảng HKQT Cát Bi có tần suất trung bình 36 lượt chuyến/ngày.
Sau hội nghị xúc tiến mở các tuyến bay mới đến Cảng HKQT được UBND TP Hải Phòng tổ chức, từ 12/5/2016, các hãng hàng không đã mở tuyến bay Hải Phòng – Phú Quốc (04 chuyến/tuần), từ ngày 20/5/2016, mở tuyến Hải Phòng – Đà Lạt (03 chuyến/tuần) và tiếp tục chuẩn bị mở các tuyến Hải Phòng – Nghệ An, Hải Phòng – Cần Thơ và các tuyến quốc tế (Hải Phòng – Trung Quốc, Hải Phòng – Hàn Quốc, Hải Phòng – Nhật Bản, Hải Phòng – Thái Lan).