Lòng vòng thu hồi, phân lô, bán lại
Bà Đoàn Minh Huyền (SN 1974, ngụ ấp 5, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là người duy nhất chưa đồng ý với chính sách thu hồi, bồi thường, tái định cư trong 11 hộ dân tại dự án mở rộng chợ Hắc Dịch. Bà Huyền bức xúc vì nhà mình nằm đối diện khu lồng chợ, không liên quan đến việc xây chợ, nhưng vẫn bị “đè ra” thu hồi với lý do “phân lô thành phẩm đúng kiểu mẫu”.
Theo bà Huyền, chợ Hắc Dịch được xây dựng nhiều năm qua. Đến năm 2013, vì nhu cầu của người dân lớn nên có chủ trương mở rộng. Dự án mở rộng được UBND huyện Tân Thành phê duyệt.
“Năm 2013, dự án chỉ thu hồi phần đất lồng chợ, đối diện nhà tôi. Nhưng đến năm 2014, không hiểu tại sao, họ quyết định thu hồi đất của khoảng 8 hộ dân (3 hộ khác nằm trong lồng chợ) hai bên mặt tiền đối diện chợ”, bà Huyền cho biết.
Mặc dù nhà của bà Huyền được xây từ năm 2003, trên mảnh đất mua từ người mẹ, nhưng bà Huyền không được mời trong nhiều cuộc họp tiếp xúc với các hộ dân có đất, nhà cửa bị thu hồi. Bà chỉ có mặt ở cuộc họp khi đi “ké” người khác.
Trong nhiều buổi họp tiếp xúc, người dân yêu cầu chính quyền trưng ra bản đồ quy hoạch dự án mở rộng để họ trực tiếp so sánh, đối chiếu xem có đúng là nhà mình bị thu hồi hay không. Nhưng chính quyền viện nhiều lý do, không trưng ra được tấm bản đồ này.
Bà Huyền bị thu hồi căn nhà cấp 4 trên diện tích đất 6m x 18m (108m2) nhưng chỉ được tính 95m2. Đặc biệt, đất bà Huyền mua lại của mẹ bà từ lâu, dù chưa tách sổ riêng nhưng chính quyền lại tính chung vào đất của mẹ bà Huyền. Số tiền bồi thường chung cho mẹ bà Huyền, không biết chia thế nào cho đúng.
Khu lồng chợ (bên trái) và khu nhà bị giải tỏa (có nhà bà Huyền) cách nhau con đường nội bộ chợ |
Bà Huyền cũng không đồng ý với việc kiểm kê tài sản và định giá tài sản có nhiều mập mờ. Bà nói không nhận được quyết định định giá độc lập của cơ quan thẩm quyền nào, chỉ nhận được quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Trong đó nêu ra giá cả những vật tư kiến trúc của ngôi nhà mà không rõ cơ quan định giá để chính quyền áp trả cho bà.
“Ngôi nhà này, tôi đi hỏi những người thợ, họ bảo muốn xây dựng y hệt phải tốn 450 triệu đồng, vậy mà chỉ bồi thường cho tôi gần 300 triệu. Tôi không đồng ý”, bà Huyền nói.
Được biết, việc thu hồi nhà đất của những hộ dân hai bên chợ, trong đó có bà Huyền, là do phần chợ trước đó đã có những ngôi nhà hai bên được phân lô thương mại theo mẫu chung là 72m2.
Để cho đẹp khu chợ, chính quyền lấy lý do 8 hộ dân có nhà hai bên diện tích không thống nhất, người thì ít hơn 72m2, người thì nhiều hơn, nên đưa ra phương án thu hồi nhằm phân lô, bán lại cho chính những người có đất bị thu hồi. Số còn lại sẽ được bán cho những hộ có nhu cầu.
Người dân cho rằng đây chỉ là “chiêu bài” nhằm mục đích lấy đất phân lô bán. Với việc lô đất đối diện mặt tiền chợ có giá hàng tỷ đồng, người bị thu hồi thấy mình không được lợi mà bị thiệt hại.
Người dân cho rằng, việc làm trên của dự án gây lãng phí về tiền bạc của nhà nước và nhân dân. Như gia đình bà Huyền, có nhà ở ổn định. Nay bị thu hồi phải đập bỏ nhà, sau đó được phép mua lại một lô thương phẩm với giá do tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quy định và xây dựng lại nhà mới. Người dân khó chấp nhận vì cho rằng giá bồi thường thu hồi thấp, trong khi chi phí xây lại nhà cao hơn.
Cán bộ “lừa” dân ký nhận đền bù?
Trong số 11 hộ dân có đất và nhà bị thu hồi, hộ ông Trần Minh Trường đặc biệt lại được “ưu ái” bố trí một diện tích đất tái định cư miễn phí ngay tại chính phần đất ông bị thu hồi. Theo các hộ dân, ông Trường bị thu hồi 40m2 đất thổ cư, nhưng được cấp lại 72m2 đất thổ cư. Ông Trường vẫn được nhận tiền bồi thường đất, nhà ở, hỗ trợ như những hộ khác. Người dân cho rằng việc này không công bằng so với các hộ dân khác.
Còn bà Huyền bị thu hồi đất với diện tích hơn 100m2, nhưng lại phải bỏ tiền ra mua và không được bố trí mua lại chính phần đất của nhà mình. Trong khi nhà của bà Huyền có 2 mặt tiền.
Chợ Hắc Dịch đang được mở rộng |
“Gia đình tôi sẽ chấp nhận chủ trương của nhà nước nếu đó thực sự là lợi ích của cộng đồng. Những lần thu hồi đất trước đây của mẹ tôi, gia đình tôi đều tự nguyện chấp hành. Nhưng lần này không thể chấp nhận được, thiệt hại cho chúng tôi quá nhiều. Nhiều người hỏi tôi, người ta thu hồi để làm gì, có phục vụ vào việc xây dựng chợ đâu”, bà Huyền chia sẻ.
Theo bà Huyền, người dân cũng không nhận được bản quy hoạch dự án, không nắm được chính sách trong việc tái định cư. Những hộ dân tiêu chuẩn như nào sẽ được cấp đất tái định cư như ông Trường? Hộ dân như thế nào thì phải bỏ tiền mua?
Đến nay, dù dự án kéo dài 3 năm nhưng chính quyền cho biết tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chưa đưa ra mức giá chính thức để người dân bị thu hồi nhà đất mua lại lô đất thương phẩm kiểu mẫu. Người dân lo sợ sẽ bị áp giá mua cao gấp nhiều lần giá được bồi thường.
Bà Huyền còn cho biết, dù bà cương quyết phản đối, không nhận tiền bồi thường, nhưng để phục vụ cho việc xây dựng khu lồng chợ được tiến triển tốt, bà đã tự nguyện tháo dỡ một phần mái tôn ngoài hiên. Mái tôn này mặc dù không ảnh hưởng đến công trình xây dựng nhưng nó làm hẹp đường lưu thông của xe chở vật liệu nên bà tự tháo dỡ.
Mới đây nhất, bà Huyền phản ánh: “Hôm vừa rồi, họ mời tôi lên làm việc. Một mình tôi, đọc chữ đã kém, họ lại còn cho 9 nhân viên vào hối thúc, dụ dỗ, ngon ngọt để tôi ký vào biên bản. Dù chưa nhận được đồng tiền bồi thường, hỗ trợ nào, nhưng họ vẫn ghi “bà Huyền đã nhận tiền và giao đất cho chính quyền xã”. Không biết chủ trương của ai nhưng nếu tôi không cẩn thận thì coi như mất trắng tiền bồi thường”.
Bà cho biết sẽ chấp nhận việc thu hồi nhà đất nếu chính quyền bồi thường với giá hợp lý, hoặc cấp lại đất cho bà với diện tích phân lô thương phẩm kiểu mẫu theo đúng quy định nhà nước.
“Gia đình tôi rất khó khăn, được mẹ bán rẻ cho lô đất để xây dựng căn nhà nhiều năm qua. Chồng tôi bị tai nạn giao thông, 2 năm qua không làm được việc gì. Mọi kinh tế đều dựa vào nghề mua ve chai của tôi.
Nghe chính quyền mở rộng chợ, gia đình tôi đã khấp khởi nhà mình có mặt tiền ở chợ sẽ kiếm cách làm ăn, buôn bán cho ổn định. Ai ngờ, dù không liên quan tới chợ nhưng vẫn bị giải tỏa. Tôi mong chính quyền xem xét lại sự việc”, bà Huyền cho biết.
PLVN đưa những khúc mắc của người dân đến gặp ông Ngụy Như Sơn - Chủ tịch UBND xã Hắc Dịch. Khi PV đến, ông Sơn đang chủ trì cuộc họp xét duyệt nghĩa vụ quân sự của xã. Cuộc họp xuyên trưa đến 14h chiều mới kết thúc.
Chỉ một hộ được cấp đất tái định cư tại chỗ, 10 hộ còn lại phải mua |
PV kiên trì chờ đợi nhưng ông Sơn cho biết: “Tôi mới về nhận chức được 15 ngày chưa nắm rõ hồ sơ vụ việc. Có đồng chí Phó chủ tịch phụ trách kinh tế phụ trách hồ sơ này, nhưng hôm nay đồng chí xin nghỉ đi bệnh viện không tiếp PV được”. Nói xong, ông Sơn xin đi ăn cơm, hẹn PV khi khác.