Chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm tháng Bảy, nhiều gia đình đang tất bật mua sắm vàng mã đốt cho tổ tiên, kết hợp với “cúng cô hồn”. Nhưng liệu khi cúng tiến, “người âm” có nhận được?.
“Hàng khủng” phải đặt trước
Dù đã gần đến rằm tháng Bảy nhưng dạo qua phố Hàng Mã (Hà Nội) cũng chỉ thấy lác đác vài hàng bày bán đồ vàng Mã. Chị Hiền, chủ cửa hàng số 15 Hàng Mã cho biết, hàng mã năm nay hầu như không tăng giá, người dân chủ yếu mua những loại cỡ trung bình, hợp với giá tiền, chỉ có một số ít chủ doanh nghiệp là sắm “hàng khủng”.
Vì thế, chị cũng không dám nhập hàng này về bởi giá khá đắt, đủ bộ phải mất 5.000.000 - 10.000.000 đồng, ai đặt trước thì mới lấy hàng. Mặt hàng đang bán chạy là những bộ quần áo có giá từ 30.000 - 50.000/bộ, nhà cửa từ 80.000-150.000/cái, xe cộ, tivi, tủ lạnh từ 30.000-70.000 đồng/cái, ngựa 50.000 - 70.000 đồng/con, hình nhân 80.000 -150.000/bộ.
Chị Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa lúi húi chọn hàng vừa cho biết, dù có bận rộn đến mấy nhưng cứ đến rằm tháng Bảy, chị không quên làm mâm cơm cúng các cụ và cúng chúng sinh.
Cúng vào rằm tháng Bảy, chị thường mua vàng mã để đốt cho các cụ nhiều hơn các lần cúng khác trong năm. Tuy nhiên, chị chỉ sắm những đồ cơ bản như quần áo, giày dép, nhà cửa, còn thì chị đốt tiền vàng để các cụ thiếu thứ gì thì mua; ngoài ra, chị cũng mua ít tiền vàng và tiền chúng sinh để cúng cô hồn.
Chỉ vào những đồ đã chọn được, chị Hiền cho biết: “Trông thế này thôi chứ tính tiền sơ sơ cũng hết từ 500.000 - 700.000 đồng đấy. Tôi mua thế này là ít, chứ hàng xóm nhà tôi còn sắm lễ hết hơn 1.000.000 đồng”.
Một cửa hàng vàng mã tại địa chỉ 6B Trần Nhân Tông, hàng hóa nhìn rất phong phú với đầy đủ mẫu mã đẹp mắt. Chị Hường (Hai Bà Trưng, Hà Nội), người đang mua hàng cho biết, bố chồng chị mới mất chưa đầy năm nên rằm tháng Bảy năm nay, chồng chị muốn mua đầy đủ những đồ dùng từ cơ bản đến hiện đại với mong muốn bố có một cuộc sống thật thoải mái ở thế giới bên kia với quan niệm trần sao âm vậy.
Đạo Phật không dạy đốt vàng mã
Theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tục đốt vàng mã ở nước ta chịu ảnh hưởng từ văn hóa tâm linh Trung Quốc, chứ đạo Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá vãng. Trong đạo Phật không có cúng vàng mã. Các sư mất đi không bao giờ đốt tiền, vàng mã.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, người chết xuống âm phủ cũng có ngân hàng âm phủ. Trên đời có bao nhiêu ngành nghề dưới âm phủ cũng có đủ. Đốt đồ dùng, tiền vàng mã thành tro, gió thổi bay tung tóe làm sao mà dùng được, tiêu được nên rất lãng phí. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu khuyên, tiền đó nên để làm từ thiện là tốt nhất.
Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã kêu gọi người dân không rải giấy vàng bạc khi đưa tang, không đốt vàng mã khi cúng kính. Còn theo Thượng tọa Thích Huệ Phước, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, đốt vàng mã trở thành một tập tục lâu đời của dân ta với ý nghĩa của việc đốt vàng mã là mong muốn cung cấp cho người đã khuất những vật dụng cần thiết để sử dụng ở cõi âm như lúc còn sống. Muốn thay đổi việc làm này cần thay đổi từ nhận thức. Chúng ta cần có giải pháp cụ thể, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện.