Đốt “nhà giả”, cháy nhà thật
Bên cạnh những lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống, có ý nghĩa lành mạnh thì cũng có không ít lễ hội mang màu sắc mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh làm phát sinh những ý tưởng kỳ quặc: “đầu năm đến làm lễ vay tiền bà Chúa, cuối năm phải làm lễ hậu tạ”.
Với gia đình khấm khá thì sắm lễ từ tiền triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí là hơn thế nữa. Đây có lẽ là sự “phô trương” với người trần thì đúng hơn. Giữa lúc nhiều người dân còn nghèo đói, còn bao cảnh màn trời chiếu đất, bao trẻ em khuyết tật, bao cụ già cô đơn không nơi nương tựa, bao trẻ lang thang không nhà không cửa, biết bao em bé bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam… đang rất cần đến sự giúp đỡ về mọi mặt thì lại có nhiều người nỡ dùng tiền thật mua tiền giả, đồ giả về đốt thành tro bụi.
Những chiếc xe máy hóa cho người âm to như xe thật |
Tệ đốt vàng mã đã làm phung phí không biết bao nhiêu tiền bạc. Chứng kiến những cảnh đốt đồ mã, nhiều người không kìm được tiếng thở dài. Thay vì dùng tiền để mua đồ mã, thiết nghĩ, nên dùng khoản tiền đó để làm việc thiện cho đời thì tốt hơn nhiều.
Rất nhiều người còn tin rằng đốt thật nhiều vàng mã là cách để họ báo hiếu cho cha mẹ đã khuất và yên tâm hơn vì đã lo được một cái lễ tươm tất, đầy đủ. Vậy nên người ta sẵn sàng đốt vàng mã ở khắp nơi, từ gia đình đến chùa chiền, miếu, thậm chí ngay cả ở công sở, cơ quan … dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết.
Gửi cả người đẹp, ôsin cho cõi âm
Hàng mã trên thị trường hiện nay ngày càng phát triển mạnh, thậm chí còn trở thành một mặt hàng sản xuất kinh doanh phổ biến và là nguồn thu nhập của không ít người. Nhiều năm gần đây, rất nhiều hộ phất lên nhờ làm đồ mã do “có cầu thì ắt có cung”, người mua có nhu cầu thì những nhà làm vàng mã sẽ đáp ứng.
Việc đốt “vàng, máy bay, xe hơi, tủ lạnh, máy tính, tivi, máy giặt, đô la…” với chi phí hàng triệu, hàng chục triệu đồng chỉ với một mong muốn được người âm phù hộ cho gia đình hoặc được thăng quan tiến chức thì cũng chẳng khác nào hối lộ thánh thần, hối lộ người âm.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của “loại hình” này, nhiều cơ sở sản xuất vàng mã không ngần ngại mở rộng quy mô, thuê thêm lao động. Một số cơ sở là đầu mối cung cấp hàng cho các địa phương ở các tỉnh lân cận. Nhiều hàng quán bày bán la liệt các loại đồ dùng cho cõi âm như quần áo, giày dép, nón mũ, mũ bão hiểm, ti vi, biệt thự, xe máy, xe hơi, máy bay...
Năm nay, vì muốn “cạnh tranh lành mạnh” nên các cơ sở sản xuất này đã tung ra thị trường “âm phủ” nhiều “mốt” mới đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại. Một người bán đồ vàng mã tại nội thành Đà Nẵng nói: “Phải có nhiều “mốt” mới người ta mới mua. Giờ ai cũng thích mua đồ đẹp, đồ xịn để gửi xuống “âm phủ” cho người thân.
Giá bán tính bằng tiền triệu. Những chiếc xe tay ga “giấy” láng bóng đủ màu đủ sắc, giá khoảng 1-3 triệu đồng. Riêng “biệt thự giấy” có giá từ 1 – 3 triệu đồng, tùy theo số tầng, lối kiến trúc. Thông thường những biệt thự kiểu Đà Lạt có giá cao hơn.”.
Điều đáng buồn cười là nếu biệt thự có trang bị thêm “người đẹp” hoặc “osin”… thì có giá cao hơn vài trăm ngàn. Ngoài ra, trong thời buổi bùng nổ “công nghệ thông tin”, các loại “laptop”, “Galaxy S4” xịn được sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng nhằm “gửi” xuống cho người thân của mình ở bên kia thế giới làm phương tiện liên lạc hay online…
Điều đáng quan tâm, hiện nay những đồng tiền nhái giống hệt đồng tiền polymer đang lưu hành. Có lẽ những đồng “đô la âm phủ” đang “mất giá” và quá thường nên thời gian gần đây các “ngân hàng vàng mã cõi âm” đã tung ra loại “tiền âm” mới nhái rất giống tiền polymer, với đủ các mệnh giá từ 10.000 đồng đến 500.000 đồng. Các loại tiền này được in trên giấy láng, rập khuôn mượt mà và có màu sắc, chi tiết, kích cỡ nhái gần như giống hệt tiền polymer đang lưu hành, chỉ có điểm khác biệt lớn nhất là trên tiền có ghi “Ngân hàng địa phủ” và có in hình một người đàn ông mà các tiểu thương gọi là “ông Diêm vương”.
Các đại lý vàng mã cho biết: Dù loại “tiền nhái” này đắt hơn “đô la âm phủ” nhiều lần nhưng người tiêu dùng vẫn mua, với suy nghĩ rằng: tiền này giống tiền cõi dương, nên hy vọng người thân ở “dưới ấy” dễ mua hơn, đặc biệt là dùng để rải ngoài đường trong các đám ma thay cho tiền thật.
Tai nạn giao thông vì hủ tục rải tiền
Không riêng việc đốt vàng mã, đồ mã trong đám ma, nhiều gia đình còn rải cả tiền thật, nhiều tuyến đường tiền vàng âm phủ, tiền thật bay tứ tung, vừa mất mỹ quan thành phố, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Đây là những hiện tượng phản văn hoá cần được chấm dứt ngay. Đã có những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra chỉ vì người đi đường mải mê nhặt tiền thật rải từ đám ma.
Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hòa nhập cùng thế giới, bởi vậy rất cần sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành, các Hội đoàn thể, nhà trường, thường xuyên và quyết tâm tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong việc xóa bỏ hủ tục đốt vàng mã cho người âm. Bên cạnh đó, các cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đoàn thể cũng cần gương mẫu chấp hành, kiên quyết nói không với tệ đốt vàng mã.