Trong phạm vi bài viết này, Đông y sĩ Chu Giang Phong (Phòng khám Chuyên khoa Y học cổ truyền (YHCT) Thọ Long Đường) chỉ đề cập đến vấn đề Ôn Dịch trong Biện chứng luận và Phương tễ học.
Mùa xuân và vấn đề Phong ôn, Xuân ôn, Ôn bệnh và Ôn dịch…
Mùa xuân, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở. Khí tiết thường ấm áp nhưng ẩm thấp và nhiều gió. Đây chính là mùa thuận lợi cho sự phát triển và phát tán các loại vi trùng, virus, vi khuẩn có hại cho sức khỏe con người. Đông Y xem đây là mùa của các bệnh Phong Ôn, Xuân Ôn, Ôn Độc và Ôn Dịch.
Trong chương “Tứ Khí Điều Thần Luận” của Nội Kinh có nói: “Ba tháng mùa xuân gọi là Phát-Trần”, tức nảy nở cái mới để thay đổi cái cũ. Xuân khí bốc lên, sinh muôn vật, nên cũng làm vạn vật có sự phát tán ra ngoài sau một mùa ẩn tàng của đông hàn.
Mùa xuân thuộc hành Mộc, ứng với Phong (gió). Xuân phong tuy là thứ gió mang niềm phơi phới, đắc ý nhân tâm, thỏa ước nhân tình, nhưng lại là thứ phong độc có hại. Kinh Văn nói: “Dương khí vốn gốc ở chí âm, bên ngoài gặp phải khí hàn, tức thời dương khí ở bên trong ứng ra để cản lại. Sự ứng ra ấy nhanh chóng như xoay cối cửa, nên gọi là Vận Khu”. Thứ gió này làm nên cái độc khí phong hàn, phạm vào Khí Phận ở bì mao, khiến dương khí ở bên trong ứng ra để cản lại, gây nên sốt nóng.
Mùa xuân - mùa của vạn vật sinh sôi những cũng là mùa của dịch bệnh |
Trong tiết Trọng Xuân, tiếp xúc khí hàn tà của thời lệnh mà phát bệnh, nên thuộc về chứng Phong Ôn của bênh Tân Cảm. Mùa xuân, tưởng như có vẻ ấm áp, nhưng kỳ thực hơi lạnh của mùa đông vẫn còn lai vãng, đó là âm khi trong dương khí tới lui nương trú. Khi cơ thể tiếp xúc với khí hàn tà ấy của mùa xuân, sẽ sinh ra bệnh, bị nhức đầu, ớn lạnh, không ra mồ hôi được, mình mẩy thì đau nhức, ho hen, khát nước, họng đau và khô rộp.
Cái hàn khí của mùa đông tiềm phục ấy, đến mùa xuân hóa làm Bệnh Ôn (Đông lệnh hàn khí tiềm phục, chí xuân hóa vi ôn bệnh). Bệnh do hàn tà tiếp xúc ở bì phu, làm lỗ chân lông bế tắc, phế khí không làm chủ được bì mao sạch sẽ và lưu thông, lâu ngày sẽ sinh ra bệnh.
Ngài Vương Thúc Hòa nói: “Vì mùa đông cảm thọ khí hàn tà, tiềm phục ở phần bì phu cơ nhục, đến mùa xuân biến làm bệnh ôn (Dĩ đông lệnh sở thọ hàn tà, phục ư bì phu cơ nhục, chí xuân biến vi ôn bệnh”. Các bậc danh y khác như Dụ Gia Ngôn, Liễu Bảo Di hay Tưởng Vấn Trai, Lưu Kiết Nhơn trong các sách “Y Lược” hay “Phục Tà Tân Thư” cũng không ra khỏi lý luận này.
Phong Ôn và Xuân Ôn khác nhau ở chỗ có mồ hôi và không có mồ hôi. Có mồ hôi là bệnh Phong Ôn, không có mồ hôi là bệnh Xuân Ôn. Sách “Thương Hàn Tạp Bệnh” của ngài Trương Trọng Cảnh cũng viết: Có mồ hôi là bệnh Thương Phong, không có mồ hôi là bệnh Thương Hàn”.
Chẳng qua, đây cũng là cách chia giới hạn trên danh xưng mà thôi. Tuy nhiên, khi xét đến việc trị Bệnh Ôn trong mùa xuân, cần phải hết sức thận trọng trong việc chẩn đoán xác định, để biết rõ đâu là bệnh thuộc Tân cảm, đâu là bệnh thuộc Phục tà, rồi nhìn rõ bản chất của hàn, nhiệt, hư, thực để có phép chữa.
Trở lại vấn đề thời khí của mùa xuân, khí trời ấm áp nhưng ẩm thấp, hoa màu tươi tốt, phấn bụi trùng trùng, các loại virus, vi khuẩn thỏa sức phát tác. Những thứ này theo phong tà xâm phạm cơ thể, gây viêm nhiễm, nhất là đường hô hấp. Hướng gây bệnh đi từ ngoài vào trong, từ nhẹ đến nặng. Chủ yếu có tính chất gây nóng sốt, háo, khô miệng, tâm phiền, đàm ứ, xuất huyết… Nên gọi là Ôn Độc hay Ôn Bệnh.
Chu Dương Tuấn nói: “Một người bị gọi là Ôn, một địa phương bị bệnh giống nhau gọi là Dịch”. Từ góc nhìn ấy, ta có thể xác định dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) là một dạng Ôn Dịch, có quy mô từ vùng, rồi phát triển rộng khắp ra quốc gia, tiến đến đa quốc gia.
Khí trời ẩm nhưng ẩm tạo điều kiện cho vi trùng và virus phát tác |
Về Biện chứng luận trị và Phương tễ điều trị Covid-19
Các yếu tố về Biện chứng
Bệnh Covid-19 là một loại Ôn Dịch trong quan điểm của Đông Y. Với các triệu chứng cụ thể từ nhẹ đến nặng như sốt, ho, khó thở, khi phát bệnh làm tổn thương đường hô hấp, nặng thì dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển, thậm chí tử vong, nhất là các trường hợp bệnh nhân có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch v.v… Có thời gian ủ bệnh từ 2-3 tuần.
Đông y xem xét các triệu chứng đó dưới góc nhìn Ôn Bệnh Truyền Biến. Khi cơ thể bệnh nhân bị virus thâm nhập, trước phạm vào Phế, rồi nghịch truyền vào Tâm Bào. Phế chủ khí thuộc Vệ, Tâm chủ huyết thuộc Dinh, cả Vinh khí và Vệ khí đồng loạt bị tấn công. Khi Vệ phận bị tấn công, cơ thể sẽ phát sốt và sợ lạnh.
Bệnh nhân sẽ có cá cảm giác đau đầu, ho hen, không có hoặc rất ít mồ hôi, khát, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch Phù-Sác mà Khẩn. Khi Khí phận bị tấn công, cơ thể sốt cao, nhưng không sợ lạnh nữa, đi tiểu nước sẽ vàng. Bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi, rêu lưỡi trở nên vàng, rất khát, mạch Hồng-Sác hữu lực.
Khi bệnh tiến sâu vào Dinh và Huyết phận thì tâm phiền, bứt rứt, chất lưỡi đỏ hoặc tím bầm, xuất huyết hoặc mọc ban. Sốt tăng về đêm, nặng thì vật vả phát cuồng, tinh thần nhiễu loạn, khó ngủ, cơ thể mệt mỏi, tay chân run giật, mạch Hư, vô lực.
Khi tấn công vào Khí phận, ôn tà (virus) tiến vào Thượng tiêu, chấn áp Thủ Thái Âm Phế, gây sốt, ho, khó thở, khạc đờm số lượng nhiều, đau ngực tăng khi hít vào. Khi đi vào Trung tiêu, sẽ chấn áp Túc Dương Minh Vị và Túc Thái Âm Tỳ, gây sốt tăng về chiều, thở to, tiểu bí, bụng đầy. Khi choán chiếm Hạ tiêu, đoạt cưỡng Túc Thiếu Âm Thận và Túc Quyết Âm Can khiến cho mình nóng, lưỡi khô, tâm phiền.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân mắc phải Covid-19 đều bị khá nặng ngay khi tà độc xâm chiếm Thượng tiêu, chủ yếu gây viêm đường hô hấp hoặc viêm phổi. Cụ thể là gây ra tình trạng viêm các phế nang, tiểu phế quản và tổ chức kẽ của phổi, làm cho bệnh nhân ho, khó thở, khạc rất nhiều đờm. Khám phổi thấy thở nhanh, hội chứng đông đặc, nghe có ran nổ, ran ẩm, tiếng thổi ống tại vùng tổn thương.
X-quang phổi thẳng, nghiêng cho thấy hình ảnh tổn thương thâm nhiễm mới thành đám mờ trắng, hoặc những nốt mờ tập trung ở một vùng của phổi. Đông y nhìn nhận giai đoạn này là nhiệt độc đã nhập phế, làm hao tổn tân dịch, nhiệt đàm tích tụ, làm cho hung thống (đau ngực), bí khí.
Cần phải thanh tuyên thấu, giải thông phế, thanh phế nhiệt, giải độc phế, thanh khí tiết nhiệt, chỉ khái trừ đàm, thăng dưỡng khí triệt ngược tà. Bệnh lại có thể tiến vào Trung tiêu, nên cần phải phối hợp hóa thấp kiện tỳ, tư âm thoái nhiệt. Bệnh nhân sẽ giảm ho, giảm sốt, dễ thở, thông đờm và dần bình phục.
Về Phương tễ học - Bài thuốc Đông y “Công thức 4”…
Đây là bài thuốc được Bệnh viện YHCT Trung Quốc tỉnh Hồ Bắc công bố, gồm những vị thuốc: Sài hồ 20g, Hoàng cầm 10g, Pháp bán hạ 10g, Đảng sâm 15g, Toàn qua ủy (Qua lâu) 10g, Binh lang 10g, Thảo quả 15g, Hậu phác 15g, Tri mẫu 10g, Thược dược 10g, Sinh Cam thảo 10g, Trần bì 10g, Hổ trượng 10g.
Qua bài thuốc trên ta thấy, pháp điều trị chủ yếu tập trung tiêu viêm, sát khuẩn, tả phế hỏa, thanh trừ thấp nhiệt, tiêu đàm, chỉ khái, kháng viêm, triệt trùng tà, nhuận phế sơ can chỉ thống, hóa giải thoái nhiệt, trừ phiền sinh tân… Đây là một bài đối pháp lập phương, có tính công phạt rất mạnh, dùng trong cấp bệnh.
Ta cùng nhau tìm hiểu bài thuốc dưới góc nhìn Quân-Thần-Tá-Sứ theo chỉ lượng đã công bố:
Quân (Chủ dược):
- Sài hồ 20g: Có tác dụng kháng viêm, triệt trùng tà, hóa giải thoái nhiệt, sơ can chỉ thống, thăng dưỡng khí, triệt ngược tà.
- Thảo quả 15g: Trừ đàm ráo thấp
- Hậu phác 15g: Tiêu đàm chỉ khái, kháng viêm (Đặc trị sốt do viêm phổi).
- Đảng sâm 15g: Thanh phế ích khí, trừ phiền khát, bổ trung sinh tân.
- Binh lang 10g: Sát trùng, hạ khí, hành thủy
Thần (Phụ dược, giúp các thuốc ở Quân phát huy tác dụng):
- Bán hạ 10g: Trị suyễn chỉ khái, hóa đàm, giáng nghịch
- Trần bì 10g: Hạ khí chỉ khái, trừ đàm, lợi phế khí
Tá (Giúp các vị Quân, Thần đạt được mục đích):
- Qua lâu 10g: Tả hỏa nhuận phế, hạ khí trừ đàm, nhuận táo
- Thược dược 10g: Giáng khí, trừ huyết tích, điều dưỡng Tâm, Can, Tỳ huyết.
- Hổ trượng 10g: Hoạt huyết thông kinh, tiêu viêm, sát khuẩn, chỉ thống.
Sứ (Điều hòa các vị thuốc, trì hoãn tính cấp bách của dược lực):
- Cam thảo 10g: Bổ trung ích khí, nhuận phế chỉ khái, thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, hoãn cấp điều vị.
Ảnh minh họa |
Từ phân tích bài thuốc, ta nhận thấy tính cấp bách của bệnh cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các vị thuốc tạo nên một bài thuốc có tính công phạt rất mạnh, nhưng lại khá an toàn cho người sử dụng. Xét về chỉ lượng, ta thấy ngoài chủ dược là Sài Hồ dùng 20g, tương đương hơn 6 chỉ (tính theo chỉ lượng xưa, 1 chỉ = 3,3g), thì tất cả các vị khác đều ở mức trung bình.
Xét về vấn đề phối dược, các vị thuốc có tính tương tu, tương sử với nhau rất tốt, vị này hỗ trợ vị kia để phát huy tốt tác dụng kháng viêm, điều trị ho, trục đờm, làm hạ sốt do viêm, điều khí cho bệnh nhân dễ thở, thông kinh và ngăn chặn bệnh tiến sâu hơn, đồng thời trợ khí, tương lực, giúp bệnh nhân nhanh bình phục.
Có thể nói rằng, khoa học Đông y trong nhưng năm gần đây đã có những bước tiến quan trọng, nhất là trong vấn đề đi sâu nghiên cứu bệnh học, dược lý, dưới góc nhìn của khoa học hiện đại. Dần lấy lại vị thế vốn có của mình, đồng thời, dưới ánh sáng của khoa học tiến bộ, những tồn nghi về lý luận, phương dược cũng dần trở nên sáng tỏ.
YHCT cùng với Y học hiện đại song hành chiến đấu với bệnh tật ngày càng phức tạp và trở nên khó lường như hiện nay, đó cũng là một chủ trương đúng đắn vậy.
Vừa qua, các chuyên gia của Bệnh viện YHCT Trung Quốc tỉnh Hồ Bắc đã thông báo rằng, đơn thuốc điều trị Covid-19 bằng thuốc Đông y có tên "công thức 4", được nghiên cứu bởi nhóm chuyên gia thuộc bênh viện này, đã được công bố chính thức và áp dụng cho điều trị cho cả 3 trường hợp, gồm đang nghi nhiễm, những người được chẩn đoán lâm sàng và những người đã xác nhận nhiễm virus đang điều trị. Đây là một bước tiến nhảy vọt của khoa học đông y, một lần nữa khẳng định giá trị không thể phủ nhận của đông y nói chung và sự tiến bộ của trung y dược Trung Quốc nói riêng.
Trong một phát ngôn khác, ngày 15/2, ông Vương Hạ Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc khẳng định rằng, YHCT Trung Quốc đã được áp dụng để điều trị thành công cho hơn 50% số bệnh nhân của dịch Covid-19 tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch ở miền Trung nước này.