Hàng triệu bài tham gia Cuộc thi viết
Báo cáo tình hình triển khai Cuộc thi của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Q.Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Đỗ Xuân Lân cho biết, Bộ Công an đã tiếp nhận hơn 260 nghìn bài dự thi, số bài dự thi của Bộ Quốc phòng đạt 245,5 nghìn và Bộ Ngoại giao nhận được, gửi về Bộ Tư pháp toàn bộ 378 bài dự thi của kiều bào.
Đối với các tỉnh, thành phố, theo thống kê của Vụ, đến ngày 1/6 đã có 41/63 địa phương gửi báo cáo về số lượng bài dự thi cho Bộ Tư pháp. Qua đó, nhiều địa phương có số lượng bài dự thi khá lớn như TP.Hà Nội (gần 391 nghìn bài), Hải Dương (hơn 307,5 nghìn bài), Hà Tĩnh (gần 243 nghìn bài), Quảng Nam (gần 232 nghìn bài), Vĩnh Phúc (225 nghìn bài)… Quảng Nam còn báo cáo về thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia dự thi là một học sinh lớp 4 và thí sinh cao tuổi nhất là cụ ông sinh năm 1915.
Không những thế, nhiều bài dự thi được đầu tư công phu như viết tay hàng trăm trang, sưu tầm nhiều hình ảnh, tư liệu minh họa, giấy in màu, bìa gỗ hoặc hộp chứa, có bài độ dày lên đến gần 1.000 trang… “Tất cả điều này thể hiện sự quan tâm tham gia, hưởng ứng Cuộc thi của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sự lan tỏa của Cuộc thi trong quần chúng” – ông Lân phấn khởi chia sẻ. Tuy nhiên, tình trạng sao chép, trùng lắp về nội dung giữa các bài dự thi dẫn đến vi phạm Thể lệ Cuộc thi vẫn còn khá phổ biến.
Bổ sung thêm về tình hình triển khai Cuộc thi của Bộ Công an, Đại tá Lê Văn Thư – Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nêu thông tin, Ban tổ chức Cuộc thi của Bộ tiếp nhận được hơn 262 nghìn bài dự thi với nội dung phong phú, sâu sắc, bám sát trọng tâm, hình thức thể hiện công phu, thậm chí có bài dự thi kèm theo băng đĩa minh họa.
Theo ông Thư, trong lực lượng Công an nhân dân có 114 đơn vị đầu mối dự thi, mỗi đầu mối chọn 3 bài xuất sắc nhất nên gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo tiến độ vì hầu hết các bài dự thi đều đạt chất lượng và đề nghị Ban tổ chức Cuộc thi Trung ương tháo gỡ.
Linh hoạt hơn về thời hạn nộp bài dự thi
Các Bộ, ngành tham dự cuộc họp cũng chia sẻ thêm về tình hình triển khai Cuộc thi và nêu lên một số khó khăn, vướng mắc. Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, mặc dù đã có kế hoạch hướng dẫn 98 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, có điều kết quả còn khiêm tốn so với các đầu mối khác. Tuy nhiên, ngay từ đầu Bộ Ngoại giao đã xác định việc triển khai Cuộc thi sẽ khó khăn do trở ngại về ngôn ngữ, hoàn cảnh địa lý, sự am hiểu của kiều bào với pháp luật Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Ngoại giao đề nghị ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ của kiều bào và linh hoạt hơn về thời hạn nộp bài với những địa bàn mà kiều bào không có điều kiện gửi bài qua hộp thư điện tử, phải gửi qua cơ quan đại diện và qua đường túi thư ngoại giao về Việt Nam vốn khiến thời gian chuyển bài dự thi lâu hơn thông thường.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá, đến thời điểm hiện tại, việc tổ chức Cuộc thi như vậy là thành công, các khâu phát động, tổ chức thực hiện, đôn đốc, nhắc nhở, truyền thông đều rất tốt và sự hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương là rất tích cực.
Thứ trưởng Hiếu cho rằng, có thể tăng số lượng bài vào vòng chung khảo đối với đơn vị có số lượng bài dự thi lớn để có bài xứng đáng chấm giải quốc gia; đồng thời yêu cầu lập danh sách tất cả những người tham gia dự thi theo đúng Thể lệ đã công bố.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền hoan nghênh thành công của việc triển khai Cuộc thi với số lượng bài lớn, nhiều bài có chất lượng. Để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền chỉ đạo tính lại thời hạn gửi bài dự thi bởi thời hạn kết thúc vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, miễn là không quá ngày công bố đáp án (ngày 5/5). Tuy nhiên, việc tăng lượng bài vào vòng chung khảo của một số đơn vị thì theo Thứ trưởng Hiền, phải lấy ý kiến của các thành viên Ban tổ chức Cuộc thi Trung ương.