Bám đá mưu sinh
Chỉ nhắc đến từ “chẻ” đá cũng đủ để người ta nghĩ về một công việc đầy nỗi nhọc nhằn và nguy hiểm, ngay cả những người đàn ông khỏe mạnh vạm vỡ còn khiếp hãi khi làm nghề. Ở một vùng núi đá heo hút thuộc xã Yang Réh, từ nhiều vùng quê khác nhau họ về vùng đất đỏ Tây Nguyên nắng gió để lập nghiệp. Vì miếng cơm, manh áo mà những lao động đành chọn nghề gian truân này làm “cần câu cơm”.
Ngày ngày để đến được địa điểm làm việc, những “phu” đá phải men theo lối mòn độc đạo nơi bìa rừng, rồi băng qua con đường dốc núi gập ghềnh. Giữa mênh mông núi đá là rất nhiều điểm khai thác. Cứ từng tốp một khoảng 3 - 5 người chia nhau ra làm. Hết ngày, có người về nhà, có người dựng luôn lều tại bãi mà ngủ lại.
Công việc nặng nhọc lại ồn ào nên chẳng mấy khi họ nói chuyện lúc làm, bởi dù người này có nói ra thì người kia cũng rất khó mà nghe được. Họa chăng, thi thoảng lắng tai nghe mới thấy tiếng thở phì phò lẫn trong tiếng búa va vào đá chan chát. Đã ở cái tuổi đứng bên kia dốc cuộc đời nhưng ông Phạm Văn Hoàng (60 tuổi) hàng ngày vẫn phải nai lưng tại bãi đá để kiếm sống.
Nhọc nhằn nghề xẻ đá |
“Nếu không chấp nhận oằn lưng chẻ đá thì tôi cũng như bao người ở đây chẳng biết làm nghề gì khác. Làm đều đều thì mỗi ngày cũng cũng kiếm được từ 100 - 150 ngàn đồng. Nghe thì có vẻ lớn, nhưng so với công sức mà chúng tôi “bán” thì thật chẳng thấm vào đâu. Vất vả là thế nhưng có ai dám bỏ đâu; trừ ngày ốm mệt phải nghỉ ra thì ngày nào tôi cũng đi làm”, ông Hoàng tâm sự. Nói vừa dứt lời, ông vội gồng mình lên dùng toàn lực nện búa thật mạnh xuống tảng đá. Kèm theo trong tiếng búa chát chúa là những giọt mồ hôi mặn chát lăn dài trên má và ướt đẫm chiếc áo mỏng manh của người “phu”đá già.
Với mọi “phu”đá, những vật bất li thân của họ là búa tạ, búa con, mũi đục, mũi chấm, thước đo, máy khoan. Chia sẻ về công việc thường ngày như là kinh nghiệm đúc rút được qua hơn chục năm bám đá, ông Hoàng cho biết, do dốc núi dựng đứng, cheo leo nên khi khoan, phải đứng thật vững để hai chân bám chặt vào những gờ đá, hai tay giữ máy khoan thật chắc. Sau khi khoan được các lỗ nhỏ trên đá thì họ dùng xà beng đưa vào các lỗ đó và dùng sức đứng từ trên cao bẩy tảng đá rơi xuống chân núi. “Phải cố gắng làm sao để đá được chẻ theo ý mình. Sau đó lại thêm công đục đẽo cho nó thành viên mới bán được. Mỗi viên đá bán được 3.500 đồng. Một ngày cần mẫn đục đẽo được 50 viên là ổn để chúng tôi biến đá thành cơm”, ông Hoàng cười.
“Không làm thì lấy gì nuôi con”
Tất cả những lao động thu hút về bãi đá đều không hề có tay nghề, chấp nhận ngày ngày leo trèo lên những dãy núi cao hàng 100m, mà không hề có một thiết bị bảo hộ lao động nào cả. Không dây bảo hiểm, không khẩu trang hay găng tay, những tảng đá có thể rơi xuống bất cứ lúc nào… “Chính nguồn thu nhập từ đá nuôi sống cả gia đình tôi. Nhà đông con lại không có việc làm nên vợ chồng tôi đã đến đây bám đá được 3 năm nay rồi. Cũng biết là nguy hiểm nhưng đành tùy vào số trời thôi. Không làm thì lấy gì nuôi con”, chị Hoàng Thị Phượng (37 tuổi) phân trần.
Nói về tai nạn lao động ở bãi đá, ông Hoàng cho biết, một khi đã chọn nghề này để kiếm sống thì “phải chấp nhận”. Vén ngay tay áo lên, ông nói: “Đây, tay tôi nào còn nguyên vẹn gì. Bao nhiêu lần khoan bị đá văng trúng vào không nhớ nổi”. Người bẹp ngón tay, người bẹp ngón chân, thậm chí có người gãy chân, có người bỏ mạng, nhưng lành vết thương, họ vẫn coi bãi đá là “ngôi nhà” thứ hai. Còn chuyện trẹo chân, trật khớp, trầy vai, đá “lạc đạn” bắn vào người…là chuyện thường ngày. Mới đây nhất là vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào đầu tháng 5/2014. Nạn nhân là anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1975, trú ở thôn 9, xã Hòa Sơn, Krông Bông). Khi đang cùng với một phu đá khác dùng gỗ để chèn tảng đá khoảng 3 tấn, bất ngờ tảng đá nứt làm đôi đè trúng người khiến anh Bình ra đi mãi mãi.
Ngoài những nguy hiểm bên ngoài có thể nhìn thấy được thì người trong nghề còn hay mắc phải các bệnh về đường hồ hấp như viêm phổi, viêm xoang, ho hen...do mỗi ngày hít phải bụi đá. Mỗi lần dùng búa đập, đục vào đá là khuôn mặt những phu đá lại bám đầy bụi. Bụi đá cùng mồ hôi quyện với nhau khiến khuôn mặt ai cũng lấm lem càng thêm khắc khổ.
Trước kia cô Vũ Thị Vân (47 tuổi) chưa hề biết đến nghề chẻ đá là gì. Vậy mà giờ đây việc chân leo trèo lên những dãy núi đá, tay cầm khoan đã là công việc thường ngày. Cũng chính vì những ngày đầu chưa thạo việc và tiếng ồn của máy khoan quá lớn mà cô đã bị điếc một bên tai trái. “Lúc đầu cứ xào xạo trong tai nghe rất khó chịu nhưng tôi tiếc tiền, không đi khám chữa cho nên hỏng luôn một tai. Đằng nào cũng điếc rồi nên vẫn ra bãi đá tiếp tục kiếm sống”, cô Vân ngậm ngùi. Cô có 4 người con thì đều phải nghỉ học sớm do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Con trai đầu theo cô đi bám đá mưu sinh. Thật không may n là trong một lần bê đá lên xe, cậu bị đá rơi vào gãy chân. Cho con đầu nghỉ ở nhà, cô Vân lại dẫn đứa con gái thứ hai theo hành nghề.