Lưu Quang Vũ - 26 năm vẫn vương vấn một mối tình

Gia đình cố nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Gia đình cố nhà thơ Lưu Quang Vũ.
(PLO) - Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ ra đi trong một vụ tai nạn giao thông oan nghiệt và đau đớn. 26 năm ấy, trong trái tim bao người vẫn khôn nguôi nhớ anh, nhớ về những vở kịch cùng thời hoàng kim của sân khấu những năm 1980. 
Chưa bao giờ thôi… rạo rực
Còn nhớ, dịp liên hoan năm ngoái, tại rạp Công Nhân, Hồng Hà, Tuổi Trẻ, Ðại Nam (Hà Nội), buổi diễn nào cũng nêm cứng người đến xem “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng”, “Ông không phải là bố tôi”, “2.000 ngày oan trái”, “Ði tìm điều không thể mất”, “Nàng Sita”, “Công chúa Ngọc Hân”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”... bao cảm xúc ào ạt ùa về. 
Và không biết mọi người đến rạp để thưởng thức những vở kịch còn nguyên tính thời sự sau 30 năm, hay vì thương nhớ cố tác giả tài ba Lưu Quang Vũ, mà đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Chí Trung trong “Mùa hạ cuối cùng” (Nhà hát Tuổi Trẻ) trong cảm xúc ấy đã xuất thần khi dàn dựng ở cuối buổi diễn, các diễn viên xếp hàng, đặt bàn tay lên ngực trái, ngước mắt và đồng thanh “Lưu Quang Vũ - chúng tôi nhớ anh…”. Kịch Lưu Quang Vũ đã “ngự trị” sân khấu phía Bắc bền bỉ và rạo rực như thế!
Sinh tại Hạ Hòa (Phú Thọ), quê gốc tại Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, nhưng cả cuộc đời Lưu Quang Vũ sống tại 96 phố Huế, Hà Nội. Ông mang tâm hồn đa cảm, lãng mạn, hào hoa của Hà thành. Lưu Quang Vũ đã nhiều lần khẳng định thơ mới là sự nghiệp lâu dài, là chốn thâm sâu nhất của tâm hồn. Ông quan niệm: Thơ vẫn là “bà hoàng” của mọi ngành nghệ thuật. Và Lưu Quang Vũ đã sống hết tận cùng năm tháng với thơ, những vần thơ trong trẻo, thẳm sâu và vời vợi nỗi niềm như “Bầy ong trong đêm sâu”, “Gió, tình yêu thổi trên đất nước tôi”... 
Nhưng có lẽ do ý thức trách nhiệm công dân và thiện tâm của một người nghệ sĩ, mong muốn góp phần dựng xây đời khiến Lưu Quang Vũ đã tham dự vào sân khấu kịch với một niềm đam mê cháy bỏng. Năm 1979, Lưu Quang Vũ thử ngòi bút của mình với kịch bản “Sống mãi tuổi 17”.  Vở diễn thành công rực rỡ. Từ đó, Lưu Quang Vũ say mê với nghề sáng tác kịch bản. 
Và chỉ trong chín năm ngắn ngủi trước khi mất, Lưu Quang Vũ đã gửi lại cho sân khấu nước nhà hơn 50 kịch bản, hầu hết đều được dàn dựng và biểu diễn trên khắp mọi miền của đất nước. Những năm 80 của thế kỷ trước, một trào lưu thoái trào của sân khấu kịch bỗng được vực dậy mạnh mẽ với những vở diễn của Lưu Quang Vũ. Ông đã trở thành một hiện tượng Lưu Quang Vũ mà ở đâu, đi đến đâu trong xã hội, người người đều nhắc đến.
Cảnh trong vở kịch phục dựng “Lời thề thứ 9”.
Cảnh trong vở kịch phục dựng “Lời thề thứ 9”. 
Chuyện ngỡ mới hôm qua
Nằm trong seri 5 đêm nghệ thuật “Nhớ anh” sẽ đồng loạt ra mắt khán giả  từ ngày 26 tới đây, trong 4 vở kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ, bà Thúy Mùi (Giám đốc Nhà hát Chèo) hy vọng đêm chèo “Nàng Sita” là “của độc” sẽ tạo ra sự yêu mến đặc biệt của khán giả nhớ lại một thời tiếng trống chèo mời gọi niềm yêu xưa.
“Nàng Sita”  là vở diễn do cha con  tác gia nổi tiếng Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ viết kịch bản. Dù được dàn dựng lần đầu tiên cách đây 30 năm nhưng cho tới bây giờ, khi dàn dựng lại, vở diễn vẫn mang hơi hướng của thời đại và nó cũng vẫn đề cao một giá trị cao quý, sự thủy chung son sắt của con người. 
Những đêm diễn chật kín khán giả, chứng tỏ người Hà Nội không quay lưng với chèo, họ vẫn chờ đợi những gì tinh tế nhất. Nếu như trước đây khán giả ấn tượng với Lâm Bằng - Quốc Chiêm trong “Nàng Sita” thì nay với dàn diễn viên trẻ đầy nhiệt huyết như NSƯT Thu Huyền và Quang Dương tạo ra những ấn tượng mới lạ trong khán giả. Bác Nguyễn Thân (phố Quan Nhân, Hà Nội) nhận xét: “Hồi đó, nhắc đến chèo Hà Nội là người ta nói đến “Nàng Sita”. Tôi vẫn xúc động như ngày nào xem Lâm Bằng và Quốc Chiêm diễn. Thu Huyền cũng không kém Lâm Bằng đâu”.
Cùng với đó, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ trình diễn hai vở kịch nổi tiếng “Bệnh sĩ” và “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. “Bệnh sĩ” là một vở kịch nằm trong kịch mục của Nhà hát Kịch Việt Nam đã diễn thành công từ năm 1988 do NSND Đình Quang làm đạo diễn. Vở kịch đã góp phần khẳng định tên tuổi, thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng như tên tuổi, tài năng của Lưu Quang Vũ vào thời kỳ đó. 
Với “Lời thề thứ 9” và “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Chí Trung khẳng định: “Vở kịch này vẫn còn tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay bởi thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực của nó phù hợp với Nghị quyết Trung ương vừa qua. Vở diễn nói lên được sự bức xúc, trăn trở của người dân với những việc làm chưa thực sự tốt của chính quyền cơ sở”.
Trong lần dựng lại này, một vài chi tiết của kịch đã được thay đổi cho phù hợp với thực tế thay vì vài sào ruộng bằng cả chục héc ta đầm nuôi tôm, mối quan hệ chồng chéo, người nhà của Chủ tịch xã với cấp trên. Chính trợ lý đạo diễn Chí Trung cũng cho rằng: “Nếu như chúng ta xem lại “Lời thề thứ 9”, được sửa đổi vài chi tiết của kịch thì sẽ thấy thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương, ví dụ như vụ Tiên Lãng và một số vụ trong Nam. Điều này làm cho tính thời sự của vở diễn được cập nhật hơn và nóng hơn”.
Từng là người trong cuộc, từng dẫn quân đi “chinh chiến” ở thời điểm 2 năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, nghệ sỹ Đức Trung đã diễn 300 suất vở “Lời thề thứ 9” chia sẻ: “Bản thân vở kịch Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ đã hay, hấp dẫn người xem. Ngày trước có 2 đoàn kịch cùng diễn vở ấy vẫn hút khán giả. Thậm chí có thời điểm 8/9 đoàn cùng dựng “Lời thề thứ 9”, chứng tỏ nó có sức hút của kịch phẩm như thế nào. Và với riêng tôi, một cảm xúc thật kỳ lạ, cứ như chuyện đang xảy ra hôm qua ở đâu đó”. 
 Với “Mùa hạ cuối cùng”, Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng hướng tới lớp khán giả trẻ, vở kịch giáo dục con người bằng niềm tin, tác phẩm là tiếng nói của những học sinh với khao khát đầu đời. Câu chuyện nói về Châu, một học sinh giỏi, thông minh và thẳng thắn. Trong kì thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12, phát hiện ra mình đã biết trước đề thi, Châu phản ánh với thầy giáo và mong đề thi cần phải đuợc làm lại. Ban Giám hiệu đã có cuộc họp, mọi mâu thuẫn xảy ra. 
Để đảm bảo danh dự của nhà trường, đề nghị của Châu không được chấp nhận và cậu bị liệt vào danh sách những học sinh cá biệt. Cuối cùng, Thời - một học sinh được Châu kèm học đã thú nhận tất cả, mẹ Thời đã mua đề thi nhằm giúp con mình vượt qua kì thi tốt nghiệp.
Chia sẻ về vở diễn, NSƯT Chí Trung nhấn mạnh: “Tôi cố gắng mang tinh thần của anh Vũ đến gần hơn với khán giả, như một nén nhang tri ân tới người anh của mình. Vấn đề giáo dục hiếm khi đem lại hiệu ứng cao cho khán giả bởi viết về giáo dục rất khó, hay được lại càng khó”.
Điều đặc biệt, những người trẻ hôm nay, những người dưới 25 tuổi chỉ biết đến kịch gia Lưu Quang Vũ qua những tác phẩm của anh đã có một góc nhìn mới lạ. Họ tìm đến kịch Lưu Quang Vũ như sự đánh thức giá trị nhân văn trong bản thân giữa những vết trượt của cuộc sống hiện đại mà được - thua, thành - bại, yêu - ghét… được đặt lên bàn cân đong, đo đếm. 
Có lẽ vì giá trị ấy, nhiều người trẻ đã tìm đến kịch Lưu Quang Vũ để chiêm nghiệm cuộc sống. Nguyễn Hoài Nam (Đống Đa - Hà Nội) đã quyết định đi xem 4 trong số 5 đêm Lưu Quang Vũ. Nam chia sẻ: “Nếu như không bận, em sẽ đi xem đủ 5 đêm diễn. Em rất ngưỡng mộ tài năng của kịch gia Lưu Quang Vũ, người đã dám nói ra những suy nghĩ thật, viết ra những gì người khác nghĩ mà không dám viết. Kịch của ông mang hơi thở thời đại, khiến lớp trẻ chúng em phải suy nghĩ sống sao cho không phí hoài tuổi trẻ”…
Và dường như sự “trở lại” của Lưu Quang Vũ cũng gợi lên bao tiếc nuối và khao khát về sự bùng nổ của sân khấu kịch Hà Nội và cả nước như lúc phát tiết sáng tạo mạnh mẽ của đời ông. Mùa hạ cuối cùng như tên một vở kịch định mệnh của ông đã mang theo một tâm hồn bất tử...

Tin cùng chuyên mục

Phim khai thác đề tài tâm lý tội phạm. (Ảnh: BTC)

'Gương mặt vặn vẹo' - đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa

(PLVN) - Bộ phim xoay quanh hành trình điều tra và truy bắt tội phạm gian nan của “Đội 7”, đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa. Hình ảnh nhân vật phản diện được xây dựng từ những ám ảnh thời thơ ấu, tổn thương tâm lý cho đến những biến cố không thể lường trước trong cuộc sống. Chính những điều này đã biến họ từ con người bình thường thành những kẻ tội phạm đáng sợ, nhưng cũng khiến người xem ít nhiều hiểu và đồng cảm.

Đọc thêm

Hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá để bảo vệ giới trẻ

Cảnh hút thuốc trong phim "Tháng năm rực rỡ", phim được dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi.
(PLVN) - Các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn. Chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ, do đó Thông tư 14/2024 được ban hành là kịp thời, góp phần thiết thực bảo vệ thể chất và tinh thần thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch “made in Việt Nam”

Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)
(PLVN) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc mang đậm văn hóa Việt được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật và thực hiện hóa giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.

“Anh trai say hi” “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng dắt tay vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng 2024

“Anh trai say hi” đang là ứng cử viên của Giải Mai Vàng 2024 hạng mục Chương trình trên nề tảng số - truyền hình
(PLVN) -  Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng đã chính thức công bố kết quả đề cử Giải Mai Vàng lần thứ 30. Sau hơn hai tháng tiếp nhận đề cử từ bạn đọc, từ 15/9 đến hết ngày 25/11/2024, cuộc họp của Hội đồng Nghệ thuật đã hoàn tất việc lựa chọn những ứng viên xuất sắc trong 14 hạng mục của Giải Mai Vàng năm nay.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
(PLVN) -  Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tượng Bà Chúa Xứ được đặt ở chánh điện.
(PLVN) - Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?
(PLVN) - Chiều 4/12, tại TP HCM, Lý Hải công bố dự án và dàn diễn viên đóng “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”. Trong đó, TikToker nổi tiếng Lê Tuấn Khang được quan tâm khi đảm nhận một vai trong phim.

'Thối não' là từ nổi bật nhất năm 2024

"Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Ảnh: Oxford University Press.
(PLVN) - "Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Từ dùng để bày tỏ lo ngại về việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trên mạng xã hội có thể làm sa sút trí tuệ, tinh thần.

'Giấc mơ Chí Phèo' - đậm màu sắc nhạc kịch Việt

Chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo. (Ảnh trong vở kịch Giấc mơ Chí Phèo)
(PLVN) - "Giấc mơ Chí Phèo” là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc nhạc kịch theo phong cách hiện đại (broadway) quốc tế. Lần đầu tiên một vở kịch broadway cảm tác từ văn học nước nhà được vang lên làm thỏa mãn những khao khát của người Việt về giấc mơ broadway “musical made in Vietnam".