Hôn nhân của họ không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Mời cưới trước 9 ngày, ăn cỗ trong 2 ngày
Đối với đồng bào dân tộc Tày ở miền núi phía Bắc, ngày cưới phải được lựa chọn một cách thận trọng do thầy tào, thầy mo xác định, thường là hợp tuổi, không khắc mệnh nhau mới được định ngày tốt lành để làm đám cưới. Thông thường, đám cưới diễn ra trong 2 ngày, trong đó buổi trưa hôm trước nhà gái tổ chức tại nhà cô dâu, đến buổi chiều hôm đó nhà trai rước cô dâu về nhà chồng và đến ngày hôm sau nhà trai mới kết thúc đám cưới. Khi cô dâu về nhà chồng, hôm đầu tiên được tổ chức nghi thức làm lễ đón dâu, đến ngày thứ hai mới làm nghi thức nhập gia.
Thành phần đoàn đón dâu của nhà trai bao gồm: Ông quan lang, bà mối, chú rể, phù rể cùng hai thiếu nữ đón dâu và những người mang đồ sính lễ. Đến nhà gái, sau khi uống nước xong là thủ tục lễ trình tổ tiên, đây là một nghi lễ rất quan trọng trong phong tục của người Tày ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn...
Trước khi cô gái xuất gia, theo tục lệ của người Nùng phải làm lễ xuất gia, lưu luyến và tạ ơn bố mẹ ruột sau đó mới đi theo đoàn đón dâu về nhà chồng. Lúc này, ông quan lang lại thắp hương lên bàn thờ tổ tiên để xin phép được đón dâu. Đến giờ đẹp, đoàn đưa dâu làm lễ ra cửa.
Trên đường về nhà trai, đoàn đưa, đón dâu phải tuân thủ một số kiêng kỵ và nhiều nghi lễ như: khi đi qua cầu, sông, suối phải bỏ một số tiền xuống nước. Đi qua chỗ linh thiêng như miếu thờ, rừng cấm, đèo cao... cô dâu che ô lên đầu. Trước khi vào nhà trai, người ta làm lễ “cải sát” cho cô dâu, với ý nghĩa xua đuổi các tà ma bám theo cô trên đường về nhà chồng.
Cô dâu và chú rể mời rượu hồng, bánh kẹo cho khách đến dự |
Lễ vật nhà trai đem sang nhà gái để đón dâu, gồm: 100 chiếc bánh chưng, 400 chiếc bánh dày nhỏ, 2 chiếc bánh dày to, một con lợn quay, một đôi gà, rượu, trầu cau, một đôi cá nhỏ, một ống tiết, một đoạn lòng lợn, một túi hạt giống (đỗ, thóc, vừng), một ít đường phên, một túi “cóoc mò” khâu bằng vải đỏ, một miếng vải đỏ gọi là “rằm khấư” báo hiếu công nuôi dưỡng của cha, mẹ.
Đám cưới người Tày có rất nhiều món ăn khá đặc biệt, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của cư dân bản địa, như: canh củ đao, nộm hoa chuối rừng, canh hoa chuối, măng cuốn, măng nhồi, lợn quay; đủ các món biểu trưng cho âm dương ngũ hành và một phần không thể thiếu trong cỗ cưới của đồng bào người Tày là rượu. Trong đời sống của người Tày ở Cao Bằng, rượu là một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc và gắn bó với cuộc sống của đồng bào từ lâu đời.
Nếu như ngày xưa, cô dâu và chú rể sính trên mình trang phục truyền thống của dân tộc thì ngày nay họ diện cho mình bộ vest đẹp và trang phục áo dài truyền thống của dân tộc Kinh. Đi bên nhau nâng ly rượu hồng mời khách. Cô dâu, chú rể cùng vái lạy tổ tiên.
Sau phần nghi lễ, chú rể dâng rượu mời ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng. Mọi người nhận rượu đều có những lời chúc mừng tốt đẹp. Sau đó, đoàn nhà trai dự bữa cơm thân mật với nhà gái. Trước khi ăn cơm ở nhà gái, 2 người lớn tuổi đại diện nhà trai cùng chú rể, phù rể phải đi mời cơm lần lượt quan khách của họ nhà gái. Trước khi đoàn trở về nhà trai, cô dâu, chú rể lạy ông bà, bố mẹ... nhà gái mỗi người 3 lạy.
Theo ông Nông Văn Nam (56 tuổi) ở xã Quảng Hưng, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) cho hay: “Người con gái dân tộc Tày đi lấy chồng thường mang theo nhiều của hồi môn đựng trong chiếc hòm có chân bằng gỗ. Phần lớn của hồi môn là vải vóc, chăn màn, đồ trang sức...
Ngoài ra, cô dâu còn biếu bố mẹ chồng và anh em nhà chồng chăn, màn, khăn rửa mặt, giày… và một gánh lễ mang theo để dâng lên bàn thờ nhà chồng. Sau khi hoàn tất các thủ tục báo cáo tổ tiên, mời rượu anh em họ hàng, quan lang nhà trai xin phép đón cô dâu về nhà chồng. Tới nhà trai, cô dâu, chú rể làm lễ báo cáo trước bàn thờ tổ tiên. Chú rể và cô dâu chắp tay vái tổ tiên, uống chén rượu thề chung thuỷ trăm năm rồi được đưa đón vào buồng hạnh phúc”.
Người Tày ở tỉnh Cao Bằng có câu “slắng lẩu cẩu vằn”, có nghĩa là mời khách tới dự đám cưới phải mời trước chín ngày, điều này có lẽ xuất phát từ việc xưa kia do đi lại khó khăn, đường sá xa xôi, phải mời trước như thế người được mời mới có thời gian chuẩn bị, sắp xếp công việc đến dự. Anh em, họ hàng thân thiết ở xa có thể đến trước một ngày để giúp chủ nhà chuẩn bị lễ cưới, và khi dự đám cưới xong còn ở chơi thêm vài hôm nữa mới về nhà.
Hơn nữa, trong lễ cưới của người Tày còn có một phong tục đẹp khác. Đó là tục “khẩu lẩu” (gạo rượu). Khi gia đình nào có đám cưới (cũng như những việc hiếu hỉ khác như: vào nhà mới, thôi nôi, mừng thọ, ma chay), ngoài số tiền phong bao như thường lệ, nhiều người còn đem gạo và rượu đến. Mươi ống gạo, chục lít rượu, nhiều ít tùy theo.
Số gạo rượu đó được gia chủ ghi chép vào sổ cẩn thận. Để khi nào nhà khác có việc, mình lại đi “khẩu lẩu” lại người ta. Đây là một hình thức giúp đỡ lẫn nhau bằng hiện vật, đỡ phần nào chi phí cho gia chủ khi nhà có công việc. Thập niên chín mươi trở về trước, khi kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, thì việc làm đó thật có ý nghĩa. Nó thể hiện tính cộng đồng rất cao của cư dân nơi đây.
Khi bước vào cửa nhà chú rể, cô dâu và phù dâu được mọi người cất nón và dùng lá bưởi để xua tà ma, đồng thời cầu nguyện điều may mắn đến |
Vắng chú rể lễ cưới vẫn cử hành
Trước đây, ở một số huyện của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, đồng bào Tày còn có tục cưới vắng mặt chú rể. Nếu chú rể vì một lý do nào đó mà vắng mặt trong ngày cưới, nhà trai sẽ chọn một người thế vai chú rể, gọi là rể giả. Người làm rể giả phải là trai tân, khỏe mạnh, có đạo đức… thường là con cháu trong nhà hoặc là bạn thân của chú rể. Rể giả sẽ cùng họ nhà trai đi đón dâu, cùng cô dâu ra mắt hai họ…
Mục đích là để cô dâu không phải lẻ bóng trong ngày cưới. Tục này có từ bao giờ cũng không rõ, chỉ biết những năm đất nước còn chiến tranh, tục này diễn ra khá phổ biến. Những chàng trai do bận công tác đột xuất, đi bộ đội đóng quân ở xa, ngày cưới của mình không về được cũng không sao. Ở nhà, đám cưới vẫn được tổ chức bình thường, chu đáo. Cuối cùng, những chàng rể vắng mặt đó vẫn yên tâm về người vợ mới cưới của mình.
Cưới, hỏi là một phong tục truyền thống của dân tộc, là tổng hòa các hình thức văn hóa, văn nghệ dân gian. Trong lễ cưới chứa đựng các giá trị về vật chất cũng như tinh thần của mỗi dân tộc, từ những nét văn hóa ẩm thực, các nghi lễ trong đám cưới đến trang phục truyền thống và các điệu hát quan lang...
Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, những nét văn hóa đó càng cần được lưu giữ không chỉ để cho hôm nay mà phải để cho các thế hệ mai sau hiểu hơn, tự hào hơn về văn hóa của dân tộc mình. Cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, nhiều tập tục trong việc cưới xin của người Tày cũng có sự thay đổi, không còn nguyên như xưa nữa. Ví như bây giờ người con gái không còn phải đợi đến khi có con mới về nhà chồng, hoặc nhà gái cũng không còn đòi hỏi nhà trai quá nặng về vật chất. Việc cưới xin bây giờ ngày càng giản tiện, văn minh hơn xong vẫn giữ được bản sắc dân tộc.