Phong tục cúng nước giọt
Cứ mỗi độ xuân về, cộng đồng người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Bana) ở tỉnh Kon Tum lại tổ chức lễ cúng nước giọt để tạ ơn thần linh và cầu mong một năm mới sức khỏe, bình an.
Do tập tục từ xưa, người Rơ Ngao ở Kon Tum không đào giếng lấy nước sinh hoạt. Họ cũng không tùy tiện lấy nước ở bất kể sông suối nào để dùng cho việc ăn uống, mà thường tìm những mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra để nước đảm bảo độ tinh khiết.
Khi tìm thấy những mạch nước ngầm, bà con dùng thân cây lồ ô lớn được đục thông các mắt, đâm sâu vào lòng núi có mạch nước để dẫn nước ra. Những điểm lấy nước đó dân làng gọi là nước giọt (hay giọt nước).
Chiều chiều, các bà, các chị mang gùi ra nước giọt lấy nước. Họ hứng nước vào vỏ các quả bầu khô hoặc các ống lồ ô gùi mang về phục vụ sinh hoạt của cả gia đình. Nước mang về nhà chỉ dùng để uống và nấu ăn, còn việc tắm giặt thực hiện ngay ở nước giọt.
Từ xa xưa, nước giọt có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Do vậy, hàng năm hầu hết ở mỗi làng đồng bào Rơ Ngao đều tổ chức lễ cúng nước giọt hết sức long trọng.
Trước khi tổ chức lễ cúng nước giọt mọi người phải dọn dẹp lại các giọt nước và sửa chữa lại nhà rông - ngôi nhà chung của làng. Làng có mấy giọt nước đều phải dọn lại cho sạch sẽ, phong quang.
Sửa xong giọt nước, nhà rông, già làng định ngày làm lễ cúng nước giọt và thông báo cho dân làng để mọi nhà đóng góp vật chất làm lễ. Những ngày chuẩn bị diễn ra lễ cúng nước giọt là những ngày dân làng sống trong không khí náo nức, chờ đợi.
Dân làng thực hiện nghi lễ rước nước. |
Lễ cúng nước giọt diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên, từ sáng sớm, già làng chỉ huy đám thanh niên trai tráng dựng cây nêu ở chính giữa khoảng sân rộng trước nhà rông. Trong khi dựng nêu, dân làng lũ lượt gùi đến nhà rông gạo, củi, rau, bí, củ quả đều là những sản vật các gia đình tự làm được cùng hàng trăm ghè rượu to nhỏ đủ cỡ sắp thành hàng trên nhà rông. Gà, vịt cột lại bỏ dưới gầm nhà rông. Tiếp đến, các bà, các chị xuống giọt nước gùi về hàng trăm ống nước để chế rượu cần và dùng cho việc nấu nướng.
Buổi chiều, khi vòng chiêng xoang đã sẵn sàng, già làng đứng hướng về nhà rông khấn mời Yàng (thần linh) về chứng giám và dự lễ với dân làng. Dứt lời khấn của già làng, âm thanh cồng chiêng nổi lên rộn rã, múa xoang dịch chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ đúng 3 vòng.
Nghi thức mời Yàng về dự lễ đã xong. Hai ghè rượu cần được mang đến để dưới cây nêu. Già làng uống làm phép ghè rượu đầu tiên, sau đó mọi người chuyền tay nhau uống cần rượu. Mọi người ngồi quanh trụ nêu uống rượu cần, gõ cồng chiêng, tâm tình, ca hát, đồng thời bàn bạc công việc ngày hôm sau.
Tinh mơ hôm sau, già làng trong trang phục lễ hội truyền thống làm lễ khấn bày tỏ với các Yàng núi, sông, lúa, nước, nhà rông… ước nguyện của dân làng. Tiếp đó, dân làng ai vào việc nấy. Đám thanh niên trai tráng thì làm gà, vịt; các bà, các cô thì bắc bếp, gọt bí, đi gùi nước…
Sau khi lễ vật đã được chế biến xong, đội chiêng xoang lại đứng thành vòng tròn quanh cây nêu. Già làng khấn: “Ơ Yàng! Dân làng chúng tôi tạ ơn Yàng, cầu xin Yàng đừng quên dân làng chúng tôi. Hãy thương dân làng chúng tôi, cùng uống rượu cần, cùng ăn miếng thịt, đói cùng đói, no cùng no. Ơ Yàng!”.
Dứt lời khấn của già làng, đội chiêng xoang dịch chuyển một vòng duy nhất. Lễ cúng nước giọt của làng kết thúc.
Buổi chiều và cả ngày hôm sau là phần hội, thời gian vui tột cùng của dân làng. Rượu cần, cơm ống, thịt nướng và những món ăn được chế biến theo cách thức truyền thống được mang ra mời khách cùng dân làng ăn uống cộng cảm.
Khi men rượu cần đã chuếnh choáng cũng là lúc âm thanh cồng chiêng vào cuộc và những vòng xoang uyển chuyển lại nối tiếp nhau. Những làn điệu dân ca và cả những sáng tác ngẫu hứng được dịp thăng hoa, tùy thích. Khách đến làng trong dịp này cũng được tiếp đón như những người thân lâu ngày trở về làng.
Loại bỏ hủ tục
Theo già làng A Thui (ngụ làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), trước đây, phong tục của người Rơ Ngao là cắt tiết gà và đem rải quanh chỗ nước giọt. Việc làm này không những làm ô nhiễm nguồn nước tinh khiết từ trong núi chảy ra, mà còn tạo nên sự mê tín dị đoan không đáng có trong cộng đồng dân tộc.
“Vì vậy, già và những người có uy tín trong làng đã vận động, giải thích cho người dân trong làng hiểu và bỏ được phong tục cắt tiết gà. Thay vào đó, dân làng chỉ cần dọn dẹp thật sạch sẽ khu vực nước giọt là có một nguồn nước tươi mới, cây cối, mùa màng cũng từ đó phát triển hơn”, già A Thui cho biết.
Một hủ tục khác là lễ hiến sinh cũng đã được cộng đồng người Rơ Ngao loại bỏ. Trước đây, khi làm lễ khấn Yàng, dân làng sẽ buộc con trâu hoặc bò vào cây nêu trước nhà rông. Sau khi khấn, già làng sẽ dùng một ngọn giáo dài đâm con vật được hiến tế một nhát để làm phép. Thanh niên trong làng cũng thay phiên nhau đâm vào con vật đến khi chết mới dừng lại.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thấy việc này là mê tín dị đoan, không có tính nhân văn. Do đó, các già làng đã thống nhất bỏ phong tục này và giải thích cho người dân hiểu.
Ngoài ra, trước đây, lễ cúng nước giọt diễn ra trong 3 ngày đêm. Tuy nhiên, người dân uống rượu ghè, múa xoang xuyên đêm gây mất an ninh trật tự. Do đó, trong những năm gần đây, người dân vẫn vui trong 3 ngày nhưng người giữ gìn vệ sinh, trật tự và đúng 18 giờ hàng ngày là cả làng ra về, đến sớm mai tiếp tục quay trở lại vui hội.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện Đắk Hà, lễ cúng nước giọt là một nghi lễ cúng tế truyền thống được lưu truyền từ bao đời nay, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Rơ Ngao ở huyện Đắk Hà. Lễ cúng có ý nghĩa cầu thần linh cho nước sạch, nước trong, dân làng khỏe mạnh, no ấm, mùa màng bội thu.
“Đặc biệt, làng Kon Trang Long Loi là một trong những điểm đến du lịch tại địa phương. Việc người dân tổ chức các lễ cúng nước giọt vừa để bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, vừa góp phần thúc đầy du lịch tại địa phương phát triển. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn hỗ trợ người dân tổ chức các lễ hội”, bà Thắm cho biết.
Có thể thấy, hiện nay, lễ cúng nước giọt vẫn được người Rơ Ngao gìn giữ, bảo tồn. Lễ cúng phản ánh nhân sinh quan của một cộng đồng cư dân lấy kinh tế nương rẫy làm phương thức sản xuất chính.
Bên cạnh đó, lễ cúng cũng là dịp để tạo ra sự gắn kết cộng đồng bền chặt giữa những người dân tộc Rơ Ngao, giáo dục đạo đức, lối sống cho con người, giáo dục cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên, với môi trường sống. Đó là ý nghĩa tốt đẹp mà lễ cúng nước giọt mang lại trong đời sống của người dân tộc Rơ Ngao nơi đại ngàn Tây Nguyên.