Nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp “chết lâm sàng”
Theo ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt), đơn vị của ông có gần 100 xe chở khách, trước dịch bệnh số lượng xe này chạy hết công suất. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, hoạt động của xe giảm dần. Từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của công ty này chỉ là cầm chừng và gần như dừng hoạt động, hiện chỉ còn khoảng 5 xe chạy ở một số tỉnh lẻ, nơi tình hình dịch bệnh đỡ căng thẳng.
“Trước khi chưa có dịch, trung bình mỗi tháng nhà xe Sao Việt chi khoảng 3 tỷ đồng tiền lương, thưởng cho lái xe, nhân viên. Hiện nay, dù không có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị vẫn phải gánh gần 1 tỷ đồng/tháng”- ông Bằng nói và cho biết, doanh nghiệp doanh nghiệp sống lay lắt nhưng vẫn phải giữ lao động, vừa đảm bảo cuộc sống cho người lao động vừa đảm bảm công ty có thể hoạt động ngay sau khi dịch đỡ hơn hoặc chấm dứt.
Theo lãnh đạo nhà xe Sao Việt, doanh thu sản xuất, kinh doanh gần như bằng 0 đồng nhưng hàng ngày vẫn phải chịu nhiều chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi; tiền lương hỗ trợ cán bộ công nhân viên, lái xe; phí bảo trì đường bộ… “Không chỉ nhà xe chúng tôi, các nhà xe khác cũng chung tình trạng như chúng tôi vậy”, ông Bằng cho biết.
Bến xe vắng vẻ đìu hiu... |
Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải ô tô đang sống “thoi thóp” và đứng trước nguy cơ phá sản trước tác động nặng nề của dịch Covid-19. Theo ông Quyền, qua 4 đợt dịch, các doanh nghiệp vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ô tô sụt giảm 70 - 80%. Vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài khiến chi phí tăng cao. Trong thời điểm này, các đơn vị vận tải rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp vận tải ô tô, từ giữa tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền.
Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch.
Ngoài ra, chính sách Nhà nước cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31/12/2021.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát. Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục cho phép về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%, xe ô tô tải kinh doanh vận tải được giảm 10% đến hết ngày 31/12/2021. Tại một số địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, được giảm 100% phí BOT…
Các xe khách "đắp chiếu" trong mùa dịch Covid-19. |
Nhiều kiến nghị để vận tải ô tô thuận lợi
Theo Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Quyền, các chính sách trên của Nhà nước đã rất kịp thời, góp phần tích cực giúp nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay một số chính sách của Nhà nước vẫn đang khiến các doanh nghiệp này khó tiếp cận.
Theo vị này, gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp vận tải ô tô khó tiếp cận do khó khăn về thủ tục và các điều kiện được hưởng chính sách này.
Cụ thể, điều kiện để được hưởng chính sách là các doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Quyền, quy định này khiến doanh nghiệp vận tải khó tiếp cận vì theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN thì tổng thời gian được cơ cấu nợ của doanh nghiệp tối đa là 12 tháng. Tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát (tháng 3/2020) đến nay đã gần 1 năm rưỡi, do vậy rất nhiều khoản nợ của doanh nghiệp đã thuộc diện nợ xấu.
“Ngoài ra, chính sách cũng quy định chỉ có Ngân hàng chính sách xã hội cho vay theo diện này cũng tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn”- ông Quyền nói và cho biết, hồ sơ, trình tự, thủ tục vay vốn cũng còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
Liên quan đến những vướng mắc trong việc vận tải hàng hoá ùn tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Chủ tịch VATA cho rằng khi một tỉnh, thành phố công bố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng hoặc các biện pháp phòng chống dịch cao hơn cần phải đảm bảo lưu thông phương tiện vận tải hàng hóa trên các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn bằng các biện pháp phân luồng phương tiện từ xa.
Đối với các đô thị đã có đường vành đai thì cho xe đi theo đường vành đai và địa phương có biện pháp kiểm soát phù hợp. Việc điều chỉnh luồng xe cần phải thông báo trước ít nhất 24 giờ trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp không bị động và có phương án di chuyển hợp lý.
Hơn nữa, việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc, sự phối hợp giữa các địa phương và áp dụng công nghệ để giảm thiểu tới mức thấp nhất số lượt phương tiện phải dừng và thời gian một lần dừng.
Theo đó, phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc hoặc qua trạm của các tỉnh nơi phương tiện xuất phát. Khi đã kiểm tra xong, nhập dữ liệu vào hệ thống “luồng xanh” thì các trạm khác không kiểm tra nữa. Ngoài ra, tại các trạm kiểm soát cũng cần tổ chức khoa học hơn, hợp lý hơn để không cần tất cả các phương tiện phải dừng, chờ đợi quá lâu chỉ vì một vài phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu thông.
Vận tải đường sắt được hỗ trợ gì?
Theo Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp vận tải đường sắt được giảm 50% mức nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đến hết năm nay 2021. Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội được điều chỉnh giảm lãi suất vay của ngân hàng với số tiền 1,8 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay hơn 100 tỷ đồng.
Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị bổ sung danh mục các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào và danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư; chính sách tín dụng đầu tư Nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt...