20.000 đồng mỗi ngày cho 6 miệng ăn
Khi tôi mở lời muốn viết về câu chuyện của gia đình, chị Phạm Thị Thủy - mẹ em Lương Văn Nam chỉ cười nói: “Có gì mà viết đâu cô, nhà tôi nghèo khổ nhưng vẫn có chỗ ở vẫn lao động được cũng là may mắn hơn bao người rồi đấy, chỉ tội là không nhiều tiền để chữa bệnh cho con trai tôi thôi”. Nói đoạn chị Thủy nhìn sang đứa con trai ngồi trên giường nước mắt cứ rơi và bắt đầu kể: “Tôi mang thai cháu Nam năm 1997, mang thai thì bình thường, ngày tôi sinh con tại trạm y tế xã, các nhân viên y tế lẫn những người xung quanh vô cùng hoảng sợ vì con trai tôi nằm trong 1 cái bọc đen như bọc da trâu. Mọi người nhanh chóng đưa tôi đi bệnh viện, đầu tiên tôi vào Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện con trai tôi bị mắc bệnh về da. Sau đó bác sĩ chuyển mẹ con tôi viện sang bệnh viện da liễu, chưa đầy một tháng dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa, nhưng gia đình nhà chồng tôi nhất quyết lên xin cho cháu về vì nhà không còn sức lo kinh tế chạy chữa cho cháu”.
Gạt những dòng nước mắt cay đắng, chị Thủy tâm sự: “Hàng ngày tôi chỉ biết ngồi ôm con khóc, cứ như vậy tôi ôm con trên tay suốt 3 năm trời, trong 3 năm đó những mảng da trên cơ thể cháu dần dần bong tróc và cứ bong đến đâu tôi liều bóc đến đó, nhiều khi bóc đi từng mảng khiến tôi cũng phải rùng mình. Chính vì bóc được nên cháu mới có hình dạng như bây giờ, nếu không trên cơ thể cháu đều nổi cộm toàn vảy sừng màu đen.
Thời gian cứ thế trôi qua, đến năm 6 tuổi em Nam mới bắt đầu biết đi, trong khoảng thời gian khó khăn đó, đã có người bảo tôi mang con đi vứt ở ngoài chợ, ngoài chùa, nhưng dù thế nào thì đó cũng là con tôi đẻ ra, tôi phải có trách nhiệm chăm nuôi và lương tâm của một người mẹ không làm như vậy được”.
Chị Thủy và chồng. |
Những lời tâm sự và những giọt nước mắt của chị Thủy rơi, mới thấy được nỗi lòng trĩu nặng phải giấu nén lại sâu trong tim của người mẹ này như thế nào. Bước qua muôn vàn chông gai, gian truân người mẹ vẫn kiên cường và không cho phép mình được bỏ cuộc, cùng chồng con vượt lên tất cả khó khăn. Tưởng như ngần đó đau buồn đã quá đủ với người đàn bà đó, nhưng không, số phận lại một lần nữa phũ phàng.
"Gia đình tôi có 6 người, bố các cháu thì bị bệnh về thần kinh bẩm sinh, mẹ chồng tôi năm nay đã 83 tuổi nhưng vẫn phải nai lưng ra kiếm tiền, cháu Nam thì không làm được gì và phải mất một người trông 24/24, năm 2013 tôi phải đi mổ tim hết 350 triệu, giờ vẫn còn nợ 70 triệu, hai cháu nhỏ một cháu vừa đi khám và xác định cũng mắc bệnh tim.Tôi chẳng biết phải làm sao, dù các con tôi ham học, học giỏi nhưng chắc tôi không thể nuôi cháu đi học cấp 3 được vì quá nghèo. Cả gia đình 6 miệng ăn mỗi ngày trông cả vào 20.000 đồng tiền quấn vàng mã. Đó cũng là tổng toàn bộ số tiền gia đình có thể chi tiêu trong 1 ngày” - giàn giụa nước mắt chị Thủy kể với tôi.
Điều ước cuối cùng
Chị Thủy nói về bệnh của Nam: “Bác sĩ nói cháu bị mắc bệnh vảy nến á sừng, nhưng nhiều nơi lại bảo cháu bị bệnh vảy da cá. Tôi chỉ biết, hiện giờ mỗi ngày cháu nó phải bôi hết 1 lọ kem dưỡng ẩm và mùa đông cũng như mùa hè cháu không thể sống thiếu nước (tắm khoảng gần 10 lần/ngày) vì khi da bị khô, các vết nứt lại ứa máu đau đớn vô cùng”.
Thấy mẹ nói chuyện với tôi Nam ngồi dịch dần ra đầu giường cho gần tôi, nhìn đứa trẻ toàn thân bong tróc vảy, những vết nứt rạn rớm máu khiến tôi không thể ngăn nước mắt của mình rơi. Không cho tôi chạm vào người, tôi hỏi Nam: “Em có đau lắm không?”. “Dạ, đau và ngứa lắm. Em muốn được đi chữa bệnh, muốn khỏi bệnh để được đi học, để đi làm kiếm tiền giúp mẹ em”. Lời nói và ước mơ nhỏ nhoi nhưng đầy ám ảnh của đứa trẻ nghèo vật chất nhưng không nghèo suy nghĩ và nghị lực. Mong rằng nhiều người sẽ nghe thấu được ước mơ này.