Điều gì khiến thủ tướng Hàn Quốc từ chức?

Điều gì khiến thủ tướng Hàn Quốc từ chức?
(PLO) - Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won ngày 27/4 đã tuyên bố từ chức sau vụ chìm phà Sewol.
Theo Reuters, trong tuyên bố về việc từ chức, ông Chung cho biết: “Tiếng kêu gào của thân nhân những người mất tích vẫn khiến tôi mất ngủ hàng đêm”. 
“Điều đúng đắn mà tôi phải làm là nhận lãnh trách nhiệm và từ chức với tư cách là người lãnh đạo nội các. Thay mặt Chính phủ, tôi xin lỗi vì những vấn đề từ việc ngăn chặn thảm họa cho đến xử lý sớm vụ việc” – ông Chung phát biểu trên truyền hình. 
Ông này nói thêm rằng, ông hy vọng những bất thường và những việc làm sai trái vẫn diễn ra ở mọi ngóc ngách trong xã hội sẽ được sửa chữa và những tai nạn như vậy sẽ không xảy ra một lần nữa. 
Đề nghị từ chức của ông Chung đã được Tổng thống Park Geun-hye chấp thuận. Song, người phát ngôn của bà Park sau đó cho biết ông Chung sẽ tiếp tục tại nhiệm cho đến khi chiến dịch cứu hộ cứu nạn hoàn tất. 
Tại Jindo, đảo ở gần hiện trường nhất, người thân của những người đã thiệt mạng hoặc còn mất tích chẳng mấy quan tâm đến hành động của ông Chung. 
“Vậy thì sao? Con trai của tôi vẫn đang ở trên biển. Việc ông ấy từ chức sẽ chẳng bao giờ làm dịu được nỗi đau buồn của tôi. Tất cả những người có trách nhiệm trong vụ việc này cần phải bị trừng phạt nặng nề, nhưng việc cấp thiết nhất hiện nay là vớt được các thi thể càng sớm càng tốt. Tôi chẳng quan tâm đến điều gì khác” – ông Ji Hyung-soo nói. 
Phà Sewol bị chìm khi đang trên đường từ Incheon tới Jeju hôm 16/4, với tổng cộng 476 người trên phà. Hơn 300 người, trong đó chủ yếu là các học sinh và giáo viên của Trường Trung học Danwon ở ngoại ô Seoul đã thiệt mạng hoặc còn mất tích nhưng được xác định đã tử vong. Tuy nhiên, trong vòng vài giờ sau khi xảy ra vụ chìm phà, Phòng Giáo dục tỉnh Gyeonggi đã gửi tin nhắn cho các phụ huynh, thông báo với họ rằng “tất cả các học sinh của Trường Trung học Danwon đã được giải cứu”. 
Đến ngày 27/4, các thợ lặn đã vớt được tổng cộng 188 thi thể các nạn nhân trong khi 114 người khác vẫn còn mất tích. AFP dẫn lời một người phát ngôn của cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết, 93 thợ lặn tham gia tìm kiếm các nạn nhân trong ngày 27/4 đã phải đương đầu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt với những cột sóng cao đến 3m và gió lớn để có thể đưa thêm nhiều thi thể bị kẹt trong phà ra ngoài. 
Khoảng 1/4 những thi thể đã được vớt lên bờ được tìm thấy ở các vùng biển bên ngoài chiếc phà bị chìm, dấy lên những lo ngại rằng một số thi thể của những người còn mất tích có thể đã trôi dạt ra khỏi xác tàu. Điều này cộng với yếu tố bão có thể khiến cho các thi thể bị phân tán đi nhiều nơi. Do đó, nhà chức trách Hàn Quốc đã phải huy động tàu đánh cá và thả lưới ở đáy biển dọc eo biển Maenggol để đề phòng các thi thể bị cuốn ra cửa biển. Hàng chục tàu và máy bay cũng đã được huy động tìm kiếm ở hiện trường và các khu vực xung quanh hiện trường thảm họa. 
Trước đó, ngày 26/4, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 4 người còn lại trong thủy thủ đoàn làm việc trên phà Sewol. Cả 15 người còn sống sót trong đoàn thủy thủ hiện đều bị tạm giam và đối mặt với các cáo buộc từ lơ là trách nhiệm cho đến bỏ rơi hành khách. 
Trong khuôn khổ cuộc điều tra, ngày 27/4 các công tố viên đã đột kích văn phòng của hai cơ quan theo dõi an toàn vận tải biển và một văn phòng cảnh sát biển. Ngoài ra, họ cũng đã khám xét hai trung tâm dịch vụ tàu biển, vốn hoạt động như một trạm kiểm soát hàng hải trên đảo Jeju. Họ đã thu dữ liệu liên lạc vô tuyến với tàu Sewol và đoạn video giám sát để tìm hiểu về diễn biến những phút cuối cùng trước khi phà bị chìm. 
Ngoài ra, các công tố viên được cho là đang điều tra việc liệu có phải phà đã bị điều chỉnh thiết kế, khiến nó trở nên không vững hay không. Một số thông tin cho rằng các khoang ngủ của phà đã được điều chỉnh vào khoảng từ năm 2012 cho đến năm 2013. Theo các chuyên gia, việc này đã tác động đến sự cân bằng của phà và có thể là nguồn cơn của tai nạn./.

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.